Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020
Văn phòng công chứng đã lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản và tặng cho quyền sử dụng đất trong cùng một văn bản công chứng. Trong đó, có các nội dung như sau: Ghi nhận việc các thừa kế theo pháp luật thỏa thuận phân chia di sản của chú bà để lại, trong đó có việc cô tặng cho phần được hưởng từ di sản thừa kế của chú cho các con; ghi nhận việc cô tặng cho các con phần quyền sử dụng đất của cô trong khối tài sản chung vợ chồng.
Theo bà Dung hiểu ở đây có 2 giao dịch, một là thỏa thuận phân chia di sản thừa kế của người chồng, hai là giao dịch tặng cho tài sản của người vợ. Do vậy, phải tách 2 giao dịch để công chứng riêng.
Bà Dung hỏi, văn phòng công chứng thực hiện gộp cả thỏa thuận phân chia di sản và tặng cho quyền sử dụng đất trong cùng một văn bản như thế có đúng theo luật công chứng không?
Về vấn đề này, Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời như sau:
Sự việc bà Tống Thị Phương Dung nêu đúng là có hai giao dịch dân sự được thực hiện gồm:
Giao dịch thứ nhất: Thỏa thuận phân chia di sản giữa những người thừa kế theo pháp luật để phân chia di sản là quyền sử dụng đất của người chồng để lại khi chết (1/2 quyền sử dụng đất chung vợ chồng), trong đó có việc người vợ tặng cho toàn bộ phần di sản mà người vợ được hưởng cho người thừa kế khác là các con.
Giao dịch thứ hai: Hợp đồng (thỏa thuận) tặng cho quyền sử dụng đất, người vợ tặng cho các con quyền sử dụng đất của người vợ (1/2 quyền sử dụng đất chung vợ chồng).
Việc công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thực hiện theo thủ tục quy định tại Điều 57 Luật Công chứng.
Theo đó, những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản.
Trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản, người được hưởng di sản có thể tặng cho toàn bộ hoặc một phần di sản mà mình được hưởng cho người thừa kế khác; Văn bản thỏa thuận phân chia di sản đã được công chứng là một trong các căn cứ để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đăng ký việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản cho người được hưởng di sản.
Việc công chứng đối với hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất được thực hiện theo thủ tục quy định tại các Điều 41, 42, 43 Luật Công chứng.
Trường hợp bà Tống Thị Phương Dung nêu, nếu thực hiện theo hai thủ tục công chứng nêu trên thì phải tiến hành 2 bước:
Bước 1: Những người thừa kế theo pháp luật (vợ và các con) đến tổ chức công chứng thỏa thuận phân chia di sản của người chồng. Các người con tặng cho toàn bộ phần di sản mà mình được hưởng cho mẹ (là vợ người chết). Văn bản thỏa thuận phân chia di sản này được công chứng là một trong những căn cứ để đăng ký chuyển quyền sử dụng đất của người chồng đã chết (1/2 đất chung vợ chồng) sang cho người vợ, cộng với quyền sử dụng đất của người vợ (1/2 đất chung vợ chồng), người vợ sẽ đứng tên trên Giấy chứng nhận, được quyền sử dụng toàn bộ thửa đất mà trước đây là tài sản chung của vợ chồng.
Bước 2: Người vợ mang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên mình là người sử dụng toàn bộ thửa đất, cùng các con đến tổ chức công chứng lập hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất cho các con.
Thực tế có trường hợp, sau khi tiến hành xong thủ tục công chứng văn bản phân chia di sản ở bước 1 nêu trên, người vợ đứng tên trên Giấy chứng nhận, được quyền sử dụng toàn bộ thửa đất (trong đó 1/2 là di sản của chồng), nhưng không thực hiện tiếp bước 2 là lập hợp đồng tặng cho lại các con, dẫn đến mâu thuẫn, tranh chấp.
Còn có thể tiến hành theo 2 thủ tục, như sau: Bước 1, những người thừa kế theo pháp luật (vợ và các con) đến tổ chức công chứng thỏa thuận phân chia di sản thừa kế của người chồng, thỏa thuận gộp di sản của người chồng và phần tài sản của người vợ còn sống thành tài sản chung của người vợ cùng các con. Thực hiện đăng ký chuyền quyền đứng tên sở hữu, sử dụng chung; người đứng tên trên Giấy chứng nhận sử dụng, sở hữu chung gồm mẹ và các con. Bước 2, mẹ và các con đến tổ chức công chứng lập văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung.
Thực tế, căn cứ sự tự nguyện, thỏa thuận của các chủ thể tham gia 2 giao dịch trên; nhằm giảm bớt thời gian thực hiện thủ tục hành chính khi đăng ký biến động quyền sử dụng đất; một số tổ chức công chứng đã kết hợp 2 thủ tục công chứng, thực hiện công chứng gộp “Văn bản thỏa thuận phân chia di sản” và “Hợp đồng tặng cho” làm một, lấy tiêu đề là “Văn bản thỏa thuận phân chia di sản và tặng cho tài sản”.
Nếu được kết hợp thực hiện gộp 2 thủ tục công chứng này làm một, với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp chung cho vợ chồng trước khi chồng chết, trong một bộ hồ sơ đăng ký biến động quyền sử dụng đất, các chủ thể tham gia giao dịch thỏa thuận phân chia di sản và tặng cho tài sản sẽ giảm được rất nhiều thời gian khi thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất.
Theo luật sư, trường hợp bà Tống Thị Phương Dung nêu, việc thực hiện riêng 2 thủ tục công chứng Văn bản thỏa thuận phân chia di sản và Hợp đồng tặng cho tài sản là đúng quy định của Luật Công chứng. Nhưng việc công chứng gộp “Văn bản thỏa thuận phân chia di sản và tặng cho tài sản” có 2 nội dung: Một là, ghi nhận việc các thừa kế theo pháp luật thỏa thuận phân chia di sản (1/2 đất chung vợ chồng) của người chồng để lại, trong đó có việc người vợ tặng cho toàn bộ phần được hưởng từ di sản thừa kế của người chồng cho các con; hai là, ghi nhận thỏa thuận việc người vợ tặng cho các con phần quyền sử dụng đất của mình (1/2 đất chung vợ chồng) cũng không trái với quy định.
Khi công chứng thủ tục kết hợp 2 thủ tục này trên một văn bản, Công chứng viên hướng dẫn người yêu cầu công chứng tuân thủ đúng các quy định về 2 thủ tục công chứng sẽ thực hiện kết hợp vào một văn bản và các quy định pháp luật có liên quan đến việc thực hiện hợp đồng, giao dịch; giải thích cho người yêu cầu công chứng hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của họ, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của việc tham gia hợp đồng, giao dịch.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội
Theo Báo Chính phủ
https://baochinhphu.vn/Tra-loi-cong-dan/Co-duoc-cong-chung-gop-thoa-thuan-phan-chia-di-san-va-tang-cho-tai-san/427943.vgp