Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020
Theo phản ánh của bà Hoàng Thị Quỳnh Trang, Nghị định số 30/2020/NĐ-CP được ban hành thay thế Nghị định số 110/2004/NĐ-CP và Nghị định số 09/2010/NĐ-CP. Theo đó, đối tượng áp dụng của Nghị định 30/2020/NĐ-CP chỉ là:
“1. Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức).
2. Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp căn cứ quy định của Nghị định này và các quy định của Đảng, của pháp luật có liên quan để áp dụng cho phù hợp”.
Trong khi đó, Nghị định số 110/2004/NĐ-CP và Nghị định số 09/2010/NĐ-CP thì ngoài các đối tượng nêu trên, còn bao gồm cả tổ chức kinh tế.
Bà Trang hỏi, hiện nay tổ chức kinh tế áp dụng quy định về văn thư, lưu trữ theo văn bản nào? Hiện nay tổ chức kinh tế cũng phát sinh rất nhiều hoạt động, giao dịch với đối tác, khách hàng và cũng sẽ cần xác định các hình thức bản gốc, bản sao, bản chính, giá trị pháp lý của các loại hình văn bản này để bảo đảm hiệu lực pháp lý của giao dịch.
Về vấn đề này, Bộ Nội vụ trả lời như sau:
Điều 2 Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 5/3/2020 của Chính phủ quy định về công tác văn thư không xác định các tổ chức kinh tế là đối tượng bắt buộc áp dụng.
Tuy nhiên, trong quá trình giao dịch với các đối tác, khách hàng là các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp Nhà nước, các tổ chức kinh tế có thể căn cứ các nội dung của Nghị định số 30/2020/NĐ-CP và các quy định pháp luật có liên quan để áp dụng cho phù hợp.