Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Chuyển nơi tạm trú, đăng ký lại thế nào?

Thứ năm, 28-12-2017 | 13:03:00 PM GMT+7 Bản in
(Chinhphu.vn) – Bà Nguyễn Thương đã được cấp sổ tạm trú tại TP. Hà Nội. Bà Thương hỏi, nếu bà muốn chuyển đến phường, hay quận khác thì thủ tục đăng ký tạm trú gồm những gì?

Về vấn đề này, Bộ Công an trả lời như sau:

Khoản 2, Điều 30 Luật Cư trú đã được sửa đổi, bổ sung năm 2013 quy định, người đang sinh sống, làm việc, lao động, học tập tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn nhưng không thuộc trường hợp được đăng ký thường trú tại địa phương đó thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày đến phải đăng ký tạm trú tại Công an xã, phường, thị trấn.

Khoản 4, Điều 30 Luật Cư trú quy định, trường hợp đến tạm trú tại xã, phường, thị trấn khác thì phải đăng ký lại.

Như vậy, trường hợp bà chuyển nơi cư trú đến phường hoặc quận khác thì đều phải đăng ký tạm trú lại.

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 30 Luật Cư trú đã được sửa đổi, bổ sung năm 2013 thì thẩm quyền đăng ký tạm trú là Công an xã, phường, thị trấn nơi bà chuyển đến cư trú.

Thủ tục đăng ký tạm trú thực hiện theo quy định tại Điều 16 Thông tư số 35/2014/TT-BCA ngày 9/9/2014 của Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cư trú và Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18/4/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú, cụ thể như sau:

a) Hồ sơ đăng ký tạm trú, bao gồm:

- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; bản khai nhân khẩu (đối với các trường hợp phải khai bản khai nhân khẩu);

- Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 31/2014/NĐ-CP (trừ trường hợp được chủ hộ có sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú đồng ý cho đăng ký tạm trú thì không cần xuất trình giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp).

Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho đăng ký tạm trú vào chỗ ở của mình và ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, ký, ghi rõ họ, tên; trường hợp người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đã có ý kiến bằng văn bản đồng ý cho đăng ký tạm trú vào chỗ ở của mình thì không phải ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu.

Xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân hoặc giấy tờ có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn nơi người đó thường trú.

b) Người tạm trú được chủ hộ đồng ý cho nhập vào sổ tạm trú hoặc đồng ý cho đăng ký tạm trú tại nơi thường trú của chủ hộ thì việc đồng ý phải được ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, ký, ghi rõ họ tên và ngày, tháng, năm.

c) Người đăng ký tạm trú nộp hồ sơ đăng ký tạm trú tại Công an xã, phường, thị trấn.

Theo Chinhphu.vn

Ý kiến bạn đọc (0)