Một tình huống giả định sau: Công ty thay vì phải trả 100% tiền lương theo hợp đồng lao động cho công nhân, vị giám đốc công ty lại lấy lý do lập quỹ lương phòng, chống COVID-19 để giữ lại 30%.
Cty cho rằng, tình hình dịch bệnh COVID-19 đã và đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh nghiệp. Với mục đích chia sẻ những khó khăn trước mắt với doanh nghiệp và tạo quỹ lương dự phòng cho người lao động trong trường hợp cách ly, ngừng việc, Cty đã ra chủ trương giữ lại một phần thu nhập của công nhân.
Theo đó, Cty tạm giữ 30% thu nhập mỗi tháng của người lao động và đảm bảo sau tạm giữ, thu nhập hàng tháng không dưới 5 triệu đồng/người. Thời gian áp dụng tối thiểu 3 tháng; sau 3 tháng căn cứ vào tình hình dịch bệnh, Cty sẽ có thông báo tiếp theo. Việc tạm giữ lương chỉ áp dụng với lao động có thu nhập trên 5 triệu đồng; đến khi dịch COVID-19 được kiểm soát, toàn bộ số tiền giữ lại của người lao động sẽ được hoàn trả.
Lãnh đạo Cty cho rằng, việc giữ lại lương là cần thiết, sau khi có chủ trương của ban lãnh đạo Cty, Ban Chấp hành công đoàn Cty đã tổ chức họp, lấy ý kiến của người đại diện lao động và nhận được 100% ý kiến đồng thuận của BCH Công đoàn Cty về việc giữ lại lương của công nhân.
Theo luật sư Phạm Quang Xá – GĐ Cty luật XTVN (thuộc Đoàn luật sư TP. Hà Nội), việc giữ lại tiền lương của người lao động như vậy là không đúng.
Luật sư Phạm Quang Xá phân tích: Một trong những nguyên tắc cơ bản về trả lương cho người lao động được quy định tại Điều 94 Bộ luật Lao động 2019 là người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động và người sử dụng lao động, không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động…
Cũng theo luật sư Phạm Quang Xá, người sử dụng lao động phải tôn trọng và trả lương cho người lao động đúng thời hạn mà hai bên đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động hoặc theo đúng thời hạn người sử dụng lao động đã quy định phù hợp với quy định của pháp luật.
Trường hợp đặc biệt do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng thời hạn thì không được trả chậm quá 01 tháng.
Nếu không có lí do bất khả kháng thì người sử dụng lao động không được chậm trả, giữ lương của người lao động. Việc trả chậm lương của người lao động sẽ bị tính lãi theo Khoản 4, Điều 97 của Bộ luật Lao động 2019.
Việc công ty không chi trả lương cho người lao động đúng hạn thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Khoản 2, Điều 16 Nghị định 28/2020 quy định về xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động.
Theo đó, nếu Cty giữ lương của 301 người lao động trở lên sẽ bị phạt từ 40 – 50 triệu đồng và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo khoản 5, Điều 16 Nghị định 28/2020/NĐ-CP. Cty giữ lương trái pháp luật của công nhân sẽ phải buộc trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt.