Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020
Hỏi: Công ty A (Cty A) chuyên sản xuất sản phẩm phần mềm và cung cấp dịch vụ phần mềm. Hiện tại, Cty A nhập khẩu phôi phần mềm từ nước ngoài, sau đó viết code hiệu chỉnh theo nhu cầu khách hàng và bán cho các khách hàng trong nước.
Cty A có kế hoạch nhập khẩu thêm linh kiện, thiết bị điện tử cùng với phôi phần mềm từ nước ngoài, cụ thể là nhập khẩu phôi phần mềm và USB của hãng (không chứa phần mềm).Vậy, Cty A xin hỏi:
1. Chính sách thuế áp dụng đối với trường hợp nhập khẩu phôi phần mềm và USB của hãng (không chứa phần mềm), khi làm thủ tục nhập khẩu và khi xuất bán trong nước?
2. Trường hợp USB bị lỗi do nhà sản xuất, công ty tiến hành đổi trả hàng nhập khẩu. Vậy chính sách thuế áp dụng đối với trường hợp này?
Trả lời:
1.Căn cứ Thông tư 219/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều luật thuế GTGT:
+ Tại Khoản 21 Điều 4 quy định đối tượng không chịu thuế GTGT:
“Điều 4. Đối tượng không chịu thuế GTGT
21. Chuyển giao công nghệ theo quy định của Luật chuyển giao công nghệ; chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ. Trường hợp hợp đồng chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ có kèm theo chuyển giao máy móc, thiết bị thì đối tượng không chịu thuế GTGT tính trên phần giá trị công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ chuyển giao, chuyển nhượng; trường hợp không tách riêng được thì thuế GTGT được tính trên cả phần giá trị công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ chuyển giao, chuyển nhượng cùng với máy móc, thiết bị.
Phần mềm máy tính bao gồm sản phẩm phần mềm và dịch vụ phần mềm theo quy định của pháp luật.”
+ Tại Điều 11 quy định thuế suất 10%:
“Điều 11: Thuế suất 10%
Thuế suất 10% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ không được quy định | tại Điều 4, Điều 9 và Điều 10 Thông tư này.”
Theo đó, Phần mềm máy tính bao gồm sản phẩm phần mềm và dịch vụ phần mềm theo quy định của pháp luật thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT (không phân biệt nhập khẩu hay mua bán trong nước)."
2.Tại Khoản 1, Điều 4, NĐ 123/2020/NĐ-CP quy định:
“Điều 4. Nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ
1.Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hoá, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hoá luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hoá dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hoá) và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định này, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định này.”
Theo đó, việc xuất trả hàng lỗi lập hóa đơn theo quy định trên. Đơn vị căn cứ hóa đơn đã lập để khai thuế theo quy định pháp luật thuế.