Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Chi trang phục y tế theo quy định nào?

Thứ sáu, 08-09-2017 | 10:24:00 AM GMT+7 Bản in
(Chinhphu.vn) – Bệnh viện nơi bà Trần Thị Hương công tác trước tháng 6/2017 là đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo một phần chi hoạt động thường xuyên (Nhóm III), từ tháng 6/2017 là đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi hoạt động thường xuyên (Nhóm II) theo Nghị định số 85/2012/NĐ-CP, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Bà Hương đề nghị Bộ Tài chính giải đáp, đối với chi trang phục, đơn vị bà có được phép chi khoán bằng tiền cho cán bộ không? Đối với chi làm thêm ngoài giờ, đơn vị có được đi làm thêm và chi trả tiền làm thêm quá số giờ quy định (300 giờ) theo Bộ Luật lao động không (trường hợp tại bệnh viện cán bộ làm thêm giờ đều có đơn xin tự nguyện đi làm thêm)?

Ngoài ra, hai khoản nêu trên nếu được phép chi thì đơn vị chi bằng nguồn nào và được chi từ thời điểm nào (khi còn là đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo một phần chi hoạt động thường xuyên hay khi là đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi hoạt động thường xuyên mới được phép chi)?

Về vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

Về chi trang phục y tế

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 27 Thông tư số 45/2015/TT-BYT ngày 30/11/2015 của Bộ Y tế quy định về trang phục y tế: Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, người lao động tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp trang phục (lần đầu, năm tiếp theo) theo thời hạn sử dụng và bằng hiện vật.

Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 của Bộ Tài chính quy định chi tiết việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp quy định:

Tại điểm đ, Khoản 1 Điều 2 quy định phạm vi điều chỉnh nội dung mua sắm: May sắm trang phục ngành, trang phục phục vụ hoạt động đặc thù của ngành, lĩnh vực theo quy định (như quần áo bác sỹ, y tá, quần áo bệnh nhân, phạm nhân và các loại trang phục đặc thù của ngành nghề khác), bảo hộ lao động (gồm cả mua sắm vật liệu, mẫu thiết kế và công may).

Tại Khoản 2 Điều 2 quy định nguồn kinh phí mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ, trong đó bao gồm nguồn kinh phí từ thu hoạt động sự nghiệp, quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, quỹ hợp pháp khác theo quy định của pháp luật tại đơn vị sự nghiệp công lập, Quỹ Bảo hiểm y tế…

Như vậy, theo các quy định nêu trên, đối với trang phục y tế, Bệnh viện thực hiện mua sắm từ các nguồn kinh phí theo quy định của pháp luật về đấu thầu và cấp trang bị cho người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, người lao động tại bệnh viện.

Về chi làm thêm giờ

Về nguồn kinh phí thanh toán cho thời gian làm thêm giờ theo quy định của pháp luật, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

Theo quy định tại Khoản 2 Mục V Thông tư liên tịch số 08/2005/TTLT-BNV-BTC ngày 5/1/2005 của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ đối với cán bộ công chức, viên chức:

- Đối với các cơ quan, đơn vị được ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ, nguồn kinh phí chi trả tiền lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ do ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp ngân sách hiện hành trong dự toán ngân sách được giao hàng năm cho cơ quan, đơn vị.

- Đối với các cơ quan thực hiện khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính và các đơn vị sự nghiệp thực hiện tự chủ tài chính, nguồn kinh phí chi trả tiền lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ do cơ quan, đơn vị chi trả từ nguồn kinh phí khoán và nguồn tài chính được giao tự chủ.

Theo Chinhphu.vn

Ý kiến bạn đọc (0)