Dù bên nhận thế chấp là tổ chức tín dụng hay cá nhân thì khi thế chấp sổ đỏ các bên phải công chứng, chứng thực hợp đồng.
Điểm a Khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013 quy định rõ, hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ) phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại Điểm b Khoản này.
Hồ sơ công chứng hợp đồng quyền sử dụng đất
Căn cứ Điều 40, 41 Luật Công chứng 2014, hồ sơ yêu cầu công chứng gồm:
Phiếu yêu cầu công chứng (khi tới phòng/văn phòng công chứng sẽ điền theo mẫu).
- Bản sao chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu của các bên tham gia giao dịch.
- Bản sao giấy chứng nhận (sổ đỏ, sổ hồng).
- Giấy tờ chứng minh về tình trạng tài sản chung, tài sản riêng.
- Dự thảo hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất (nếu có).
Văn bản ủy quyền nếu được người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở ủy quyền thực hiện (phải có khi được ủy quyền).
Phí công chứng hợp đồng thế chấp sổ đỏ
Căn cứ theo Khoản 2 Điều 4 Thông tư 257/2016/TT-BTC, mức thu phí công chứng hợp đồng thế chấp sổ đỏ được tính trên giá trị tài sản, nếu trong hợp đồng thế chấp tài sản có ghi giá trị khoản vay thì tính trên giá trị khoản vay.
Ví dụ, dưới 50 triệu đồng, phí công chứng là 50.000 đồng; từ 50-100 triệu, phí là 100.000 đồng; trên 100 triệu - dưới 1 tỉ, 0,1% giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch;
Từ 1-3 tỉ đồng, phí công chứng sẽ bằng 1 triệu đồng + 0,06% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 1 tỉ đồng; từ trên 3-5 tỉ đồng, phí công chứng là 2,2 triệu đồng + 0,05% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 3 tỉ đồng;
Từ trên 5-10 tỉ đồng, phí công chứng là 3,2 triệu đồng + 0,04% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 5 tỉ đồng.