Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020
Công ty khách hàng tại Nhật Bản đã thanh toán tiền in phong bì và tiền vận chuyển phong bì sang Nhật Bản cho Công ty bà Thủy cũng qua phương thức chuyển khoản, đồng thời Công ty bà Thủy cũng đã xuất hóa đơn GTGT với thuế suất 10% lại cho Công ty khách hàng tại Nhật Bản (Công ty bà Thủy chưa đăng ký hoạt động với lĩnh vực in ấn cũng như vận chuyển hàng hóa, ngành nghề sản xuất kinh doanh của Công ty là sản xuất phần mềm).
Công ty bà Thủy hiểu rằng Công ty sẽ phải kê khai thuế GTGT hóa đơn đầu vào và đầu ra liên quan tới khoản chi hộ này. Đồng thời, Công ty được khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hóa đơn chi hộ này và phải nộp thuế đầu ra đối với phần thuế GTGT của hóa đơn đầu ra xuất lại cho công ty khách hàng Nhật Bản. Bà Thủy hỏi, Công ty bà hiểu thế là đúng hay sai? Nếu sai thì phải hiểu thế nào cho đúng?
Về vấn đề này, Bộ Tài chính trả lời như sau:
Căn cứ Khoản 7 Điều 3 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi bổ sung Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 về hóa đơn bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, hướng dẫn về lập hóa đơn như sau:
“Điều 3. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định về hoá đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ như sau:
7. Sửa đổi, bổ sung Điều 16 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm b Khoản 1 Điều 16 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 3 Điều 5 Thông tư số 119/2014/TT-BTC) như sau:
“b) Người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các trường hợp hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hoá, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động (trừ hàng hoá luân chuyển nội bộ, tiêu dùng nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất)…”.
Căn cứ Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế GTGT và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế GTGT, tại tiết d khoản 7 Điều 5 hướng dẫn các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT như sau:
“Điều 5. Các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT
7. Các trường hợp khác:
Cơ sở kinh doanh không phải kê khai, nộp thuế trong các trường hợp sau:
d) Các khoản thu hộ không liên quan đến việc bán hàng hoá, dịch vụ của cơ sở kinh doanh.”
Tại Khoản 1 Khoản 2 Điều 9 quy định mức thuế suất thuế GTGT 0% như sau:
“1. Thuế suất 0%: áp dụng đối với hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu; hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài và ở trong khu phi thuế quan; vận tải quốc tế; hàng hoá, dịch vụ thuộc diện không chịu thuế GTGT khi xuất khẩu, trừ các trường hợp không áp dụng mức thuế suất 0% hướng dẫn tại khoản 3 Điều này.
…2. Điều kiện áp dụng thuế suất 0%:
a) Đối với hàng hoá xuất khẩu:
- Có hợp đồng bán, gia công hàng hoá xuất khẩu; hợp đồng uỷ thác xuất khẩu;
- Có chứng từ thanh toán tiền hàng hoá xuất khẩu qua ngân hàng và các chứng từ khác theo quy định của pháp luật;
- Có tờ khai hải quan theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Thông tư này.…”
Tại Điều 11 quy định thuế suất 10%: “Thuế suất 10% áp dụng đối với hàng hoá, dịch vụ không được quy định tại Điều 4, Điều 9 và Điều 10 Thông tư này…”
Căn cứ khoản 2 Điều 1 Thông tư số 130/2016/TT-BTC ngày 12/8/2016 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (đã được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014, Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 và Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 của Bộ Tài chính) như sau:
“2. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 9 như sau:
3. Các trường hợp không áp dụng mức thuế suất 0% gồm:
- Các dịch vụ sau cung ứng tại Việt Nam cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài không được áp dụng thuế suất 0% gồm:
… Dịch vụ cung cấp gắn với việc bán, phân phối, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa tại Việt Nam.”
Căn cứ các quy định trên, trường hợp Công ty của bà Vũ Thị Thúy thực hiện chi hộ cho Công ty tại Nhật Bản khoản tiền in phòng bì tại Việt Nam và chi phí vận chuyển phong bì đã in sang Nhật Bản, nếu đây là khoản chi hộ theo đúng quy định của pháp luật, hóa đơn của nhà cung cấp (Công ty in phong bì và Công ty vận chuyển phòng bì) mang tên, mã số thuế của Công ty tại Nhật Bản thì khi thu lại khoản tiền chi hộ, Công ty của bà Thủy không phải lập hóa đơn GTGT, chỉ lập chứng từ thu chi theo quy định và không phải kê khai, nộp thuế đối với khoản chi hộ này.
Trường hợp trên hóa đơn của nhà cung cấp in phong bì ghi tên, mã số thuế của Công ty của bà Thủy thì khi thu lại tiền của Công ty tại Nhật Bản, Công ty của bà Thủy phải lập hóa đơn GTGT, kê khai thuế GTGT với thuế suất thuế GTGT là 0% nếu đáp ứng điều kiện quy định tại Khoản 1 Khoản 2 Điều 9 và không thuộc Khoản 3 Điều 9 (đã được sửa đổi tại Khoản 2 Điều 1 Thông tư số 130/2016/TT-BTC) Thông tư số 219/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính; áp dụng thuế suất thuế GTGT là 10% nếu không đáp ứng điều kiện quy định. Khi thu tiền vận chuyển phong bì, Công ty của bà Thủy lập hóa đơn cho Công ty ở Nhật Bản với thuế suất thuế GTGT là 10%.
Trường hợp trong quá trình thực hiện còn vướng mắc, đề nghị bà Vũ Thị Thủy cung cấp hồ sơ và liên hệ với cơ quan thuế quản lý thuế trực tiếp để được hướng dẫn cụ thể.
Theo Chinhphu.vn
http://baochinhphu.vn/Tra-loi-cong-dan/Chi-ho-khach-hang-co-phai-ke-khai-thue-GTGT/390686.vgp