Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Chế độ tai nạn lao động trước năm 1995

Thứ năm, 22-02-2018 | 17:04:00 PM GMT+7 Bản in
Theo phản ánh của ông Nguyễn Hợp (Hà Nội), chú của ông Hợp sinh năm 1960, là thợ hàn của 1 công ty xây dựng thuộc Bộ Xây dựng. Ngày 28/10/1985, chú ông bị tai nạn lao động, được cấp cứu và xuất viện ngày 30/11/1985. Từ năm 1997 đến nay, chú ông đã làm hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Hồ sơ còn lưu giữ gồm: Biên bản hiện trường tai nạn lao động viết tay, có chữ ký của người lập biên bản, Tổ trưởng sản xuất, Kỹ thuật công trình, Chủ nhiệm công trình, Phó giám đốc xí nghiệp, Công đoàn xí nghiệp ký đóng dấu (Biên bản gốc lập năm 1985); Giấy ra viện của bệnh viện Quân y 5, nơi cấp cứu, điều trị (bản gốc lập năm 1985); Văn bản của Công ty (người sử dụng lao động khi bị tai nạn) gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình; BHXH tỉnh Ninh Bình; Giám định Y khoa tỉnh Ninh Bình; Đề nghị cho giám định thương tật để giải quyết chế độ cho người lao động theo chế độ hiện hành (bản gốc lập năm 1997); Văn bản Thanh tra Nhà nước về an toàn lao động của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình về việc nạn nhân được hưởng chế độ tai nạn lao động (bản gốc lập năm 1997).

Ông Hợp hỏi, chú của ông có thể làm đề nghị được hưởng chế độ tai nạn lao động không? Nếu được thì hồ sơ đầy đủ gồm những gì? Thủ tục thế nào? Căn cứ văn bản pháp lý nào? Trách nhiệm của cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình trước đây không giải quyết chế độ thì như thế nào? Có được truy lĩnh chế độ tai nạn lao động của thời gian trước đó không?

Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:

Giai đoạn trước năm 1995, chế độ tai nạn lao động do Tổng Công đoàn Việt Nam quản lý và tổ chức thực hiện. Từ ngày 1/1/1995 trở đi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được Chính phủ giao thực hiện quản lý Nhà nước về BHXH. BHXH Việt Nam được giao tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách về BHXH (trong đó bao gồm cả chế độ tai nạn lao động). 

Theo quy định, trách nhiệm lập, hoàn thiện hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ cho người lao động bị tai nạn lao động thuộc trách nhiệm của cơ quan, đơn vị quản lý lao động khi bị tai nạn lao động.

Việc giải quyết chế độ đối với các trường hợp bị tai nạn lao động trước ngày 1/1/1995 nhưng chưa được giải quyết hưởng chế độ tai nạn lao động được thực hiện theo điểm 3 Công văn số 843/LĐ-TBXH ngày 25/3/1996 về việc hướng dẫn thực hiện một số chế độ BHXH và Công văn số 3173/LĐTBXH-BHXH ngày 23/9/2002 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn chấm dứt giải quyết tồn đọng về BHXH theo Công văn số 843/LĐ-TBXH ngày 25/3/1996.

Tiếp đến ngày 5/5/2015, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có Công văn số 1592/LĐTBXH-BHXH gửi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, BHXH Việt Nam và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc giải quyết vướng mắc về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trước năm 1995.

Theo nội dung câu hỏi của ông, trường hợp người lao động bị tai nạn lao động trước ngày 28/10/1985, điều trị xong ra viện ngày 30/11/1985, năm 1997 đã lập hồ sơ đề nghị nhưng chưa được giải quyết. Đây là trường hợp tồn đọng, bị tai nạn lao động trước năm 1995, chưa được giám định mức suy giảm khả năng lao động do tai nạn và chưa được giải quyết chế độ tai nạn lao động. 

Tuy nhiên, do không có đầy đủ thông tin và hồ sơ cụ thể nên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội không có cơ sở trả lời cụ thể. Đề nghị người lao động liên hệ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Liên đoàn Lao động để được hướng dẫn và trả lời cụ thể. 

Chinhphu.vn

Ý kiến bạn đọc (0)