Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Chăn nuôi gia cầm: 13 năm và cơ hội “vàng”

Thứ năm, 21-01-2016 | 13:46:00 PM GMT+7 Bản in
Để có thể có “cơ hội vàng” cho ngành chăn nuôi gia cầm cần tổ chức lại ngành sản xuất.

Theo lộ trình cam kết mặt hàng chăn nuôi trong FTA của Việt Nam, thuế suất về 0% vào năm 2018 đối với Hàn Quốc; vào năm 2020 với ASEAN - Nhật Bản, ASEAN - Australia và New Zealand, ASEAN - Ấn Độ, năm 2023 với Nhật Bản, 2026 với Chile và với TPP đến tận năm 2028 thuế suất mới về 0%.

Còn tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) nhìn nhận gia cầm là ngành chăn nuôi lớn nhất từ năm 2020 trở đi. Như vậy cơ hội “vàng” của ngành chăn nuôi đặc biệt là gia cầm còn 13 năm để "chấn chỉnh" và tổ chức lại sản xuất cho đến khi TPP có tác động thực sự.

Một số tập đoàn và công ty lớn về chăn nuôi gia cầm theo hướng chăn nuôi công nghiệp hàng hóa

Nút thắt nguyên liệu và phân phối

Việt Nam có thể đảm bảo cung ứng trên 95% nhu cầu tiêu thụ thịt gà, nhưng hằng năm phải nhập 80.000-100.000 tấn thịt và phụ phẩm như chân gà, cánh gà, mề, tim gà… và thịt gà loại thải đông lạnh do giá quá rẻ. Trong khi đó thu nhập từ chăn nuôi gia cầm chiếm 35,54% tổng thu nhập từ chăn nuôi cho thấy tầm quan trọng rất lớn trong chiến lược sinh kế của người dân nông thôn Việt Nam.

Đưa ra thực trạng kém cạnh tranh của ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam thời gian qua, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký - Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam TS. Trần Duy Khanh chỉ ra những yếu kém nội tại của ngành chăn nuôi.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2013 nước ta có 9.206 trang trại chăn nuôi, nhưng có tới 90-95% trong đó là trang trại quy mô nhỏ, thậm chí siêu nhỏ. Chăn nuôi gia cầm hiện nay quy mô nhỏ, lẻ là chủ yếu, khoảng 89,6% số hộ nuôi từ 1 - 49 con gia cầm/hộ; 10,4% số hộ nuôi từ 50 con gia cầm/hộ trở lên.

 Đáng nói là chi phí thức ăn chăn nuôi, chiếm đến 70 - 75% chi phí đầu vào, nhưng giá thức ăn chăn nuôi Việt Nam luôn cao hơn so với khu vực và thế giới khoảng 10% - 15%. Nguyên nhân một phần là do nguyên liệu sản xuất thức ăn phụ thuộc quá lớn vào nhập khẩu. Các loại nguyên liệu giàu đạm như khô dầu đậu tương, bột xương thịt, bột cá Việt Nam phải nhập tới 90%; và khoáng chất, vitamin, phụ gia phải nhập khẩu 100%. 

Quan trọng hơn Nhà nước chưa kiểm soát được giá thức ăn chăn nuôi trên thị trường. Giá thức ăn vẫn luôn là nỗi ám ảnh của người chăn nuôi (có nhà khoa học cho rằng, có những DN sản xuất thức ăn chăn nuôi đạt tỷ lệ lợi nhuận tới 30%). Thái Lan quy định tỷ lệ lợi nhuận tối đa của ngành thức ăn chăn nuôi là 5%.

Trong khi đó tại Việt Nam giá do các nhà sản xuất thức ăn quyết định. Bộ Công Thương đã cảnh báo, thị trường thức ăn chăn nuôi đang bị điều khiển bởi một số DN FDI. Các DN này chiếm thị phần lớn, tập trung thị trường, liên kết định giá, sử dụng hệ thống phân phối thông qua các đại lý độc quyền và chiết khấu lớn để cạnh tranh không lành mạnh với DN trong nước.

Các khâu trung gian trong phân phối, các thương lái góp phần đẩy giá thành sản phẩm lên cao. Trung bình mỗi khâu đẩy giá thành sản phẩm lên 6 – 12%. Theo Hội Chăn nuôi, khâu trung gian trong phân phối con giống làm tăng 6-8% giá bán.

Hệ thống đại lý các cấp trong phân phối thức ăn chăn nuôi đang làm người chăn nuôi phải mua thức ăn đắt thêm 9 – 11%; các thương lái trung gian về giết mổ góp phần làm tăng giá 10 – 12%. Trong chuỗi phân phối sản xuất và lợi nhuận, người sản xuất chỉ thu được lợi nhuận 2-5%, trong khi đó thương lái là 22%, người bán buôn, bán lẻ: 30-33%.

Cơ hội sẽ mở từ tư duy mới

Tuy nhiên các FTA sẽ mở ra cơ hội cho sản phẩm gia cầm Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài đặc biệt là các quốc gia điều kiện về thời tiết không cho phép sản xuất nông nghiệp trong mùa đông, các quốc gia này thường phải sử dụng sản phẩm đông lạnh hoặc nhập khẩu từ các nước khác, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản kể cả Hoa Kỳ…

Theo Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp quốc (FAO), số lượng gà nhập khẩu toàn cầu tăng đều mỗi năm, dẫn đầu là Nhật với gần 900 ngàn tấn năm 2014, kế đến là Ả Rập Xê út, Mexico và Iraq. Theo đà gia tăng dân số toàn cầu - ước đạt 9,5 tỉ người vào 2050 - cộng với kinh tế ngày càng phát triển, tiêu thụ các loại thịt nói chung sẽ gia tăng.

Thịt gà với nhiều ưu thế có mức tăng cao nhất so với tất cả các loại thịt khác. Dự báo tiêu thụ thịt gà vào năm 2022 sẽ tăng đến 47% so với bình quân giai đoạn 2003-2013, kéo theo công nghiệp chăn nuôi và chế biến thịt gà trên thế giới phát triển mạnh.

Cơ hội cho Việt Nam đang mở khi  Việt Nam được xếp thứ 20 về các quốc gia sản xuất thịt gia cầm trên thế giới và là nước có tổng đàn vịt đứng thứ 2 trên thế giới, thuộc “top 10” quốc gia có sản lượng thịt và trứng vịt lớn nhất thế giới.  Khi TPP có hiệu lực, thuế suất sẽ giảm đến 90%, thậm chí nhiều dòng thuế về 0% khiến cho giá nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp chăn nuôi, chế biến... giảm theo.

Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh cũng không nhỏ với các nước Hoa Kỳ, Australia, New Zealand là những nước có lợi thế nhất về các sản phẩm chăn nuôi do có không gian rộng lớn, tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp chiếm tới 70 - 80%, tiếp đến là các nước Nhật Bản, Singapore, Malaysia. 

Chưa kể các hàng rào kỹ thuật sẽ trở nên phổ biến hơn, yêu cầu về chất lượng sản phẩm cũng khắt khe hơn. Việt Nam chưa có kinh nghiệm xây dựng rào cản kỹ thuật hoặc rào cản kỹ thuật kém cũng sẽ khiến cho ngành chăn nuôi gia cầm gặp bất lợi, Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ các phụ phẩm gia cầm hoặc sản phẩm chất lượng kém, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng trong khi lại không bảo vệ được sản xuất trong nước.

Để có thể có “cơ hội vàng” cho ngành chăn nuôi gia cầm cần tổ chức lại ngành sản xuất. “Đây là yếu tố then chốt, đầu tiên. Nếu tư duy của người chăn nuôi không thay đổi thì ngành chăn nuôi sẽ tự phá sản khi hội nhập”. TS. Trần Duy Khanh nhìn nhận, đó là sự thay đổi từ tư duy thị trường, tư duy về vệ sinh an toàn thực phẩm sản phẩm gia cầm cho đến tư duy về tổ chức liên kết chuỗi sản xuất chăn nuôi gia cầm. “Tổ chức liên kết trong chăn nuôi là nhu cầu bắt buộc, sống còn của ngành nông nghiệp nói chung và chăn nuôi gia cầm nói riêng trong bối cảnh hội nhập”.

Trong đó liên kết khép kín với chuỗi liên kết giữa sản xuất thức ăn, sản xuất thuốc thú y với sản xuất con giống, chăn nuôi thương phẩm và giết mổ - chế biến - thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Đây là liên kết tạo ra sản phẩm có giá thấp nhất đến người tiêu dùng, giúp kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó các chuyên gia cho rằng, cần những chính sách hỗ trợ từ phía chính quyền như khu chăn nuôi tập trung được hưởng các chính sách như các khu công nghiệp khác. Từ trung ương tới cơ sở phải có quy hoạch đất dành cho sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Tăng cường vai trò điều tiết sản xuất và thị trường của nhà nước và cơ quan chức năng, các cấp, tạo điều kiện cho ngành chăn nuôi gia cầm phát triển hiệu quả và bền vững là hết sức quan trọng.

Hoàng Tiến (Thời Báo ngân hàng)

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)