Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Chặn dòng phát triển nóng công ty tài chính

Thứ năm, 14-01-2016 | 08:58:00 AM GMT+7 Bản in
Trong thời gian tới “ngưỡng” 100 nghìn tỷ sẽ là động lực để khối NH nhỏ có sự bứt phá về quy mô vốn và tài sản.

Vừa qua NHNN ban hành Thông tư 30/2015 quy định về việc cấp giấy phép, tổ chức và hoạt động của các TCTD phi NH.

Với văn bản này, sau một thời gian dài “ngầm tái cấu trúc” các công ty tài chính (CTTC), NHNN đã chính thức có những biện pháp siết chặt điều kiện hoạt động và hạn chế sự phát triển nóng của các TCTD phi NH trên thị trường tài chính Việt Nam.

Ảnh minh họa

Trở lại những năm trước 2011, khi Chính phủ chưa có chủ trương thoái vốn Nhà nước tại các tập đoàn kinh tế hoạt động đầu tư vốn vào các CTTC thuộc tập đoàn kinh tế cực kỳ phát triển. Trong đó có việc đầu tư vốn vào các CTTC nhằm mục đích cho các tập đoàn kinh tế huy động vốn trung dài hạn cho các tập đoàn, tổng công ty.

Tại thời điểm đỉnh cao nhất, số vốn được các tập đoàn, tổng công ty rót vào các CTTC ước khoảng trên 170.000 tỷ đồng. Con số này có thể không lớn so với tổng số vốn và tài sản của các tập đoàn kinh tế Nhà nước. Tuy nhiên, điều đáng nói là bản thân các CTTC, sau khi đua nhau mở ra hoạt động hầu hết đều rơi vào trạng thái khó khăn, lỗ ăn sâu vào vốn và tỷ lệ nợ xấu lên tới 30-40%.

Đến giai đoạn 2013-2014 thì nguy cơ “CTTC 0 đồng” đã bắt đầu xuất hiện và hàng nghìn tỷ đồng vốn Nhà nước ở các TCTD phi NH này đứng trước một dấu trừ nặng nề khó quay trở lại trạng thái ban đầu.

Chính thời điểm này, NHNN đã có một cuộc ngầm giải cứu các CTTC yếu kém, thông qua việc để cho các TCTD vào cuộc mua lại các CTTC thuộc tập đoàn kinh tế, nhằm lai dắt các đơn vị này ra khỏi vũng lầy nợ xấu.

Thể hiện rõ nhất là vào tháng 7/2014, NHNN ban hành Văn bản 5342 khuyến khích các TCTD mở rộng cung ứng vốn ra thị trường theo hình thức tín chấp.

Ngay sau đó hàng loạt các NHTM như: MB, Maritime Bank, Techcombank, SHB, VPBank… đã vào cuộc mua lại các CTTC từ các tập đoàn, đồng thời tăng vốn, mở rộng hoạt động cho vay tiêu dùng. Từ đó, các công ty này bắt đầu có sức sống trở lại, tạo được đà phát triển và tự giải quyết các khoản nợ tồn đọng.

Quay lại với Thông tư 30, có thể nói đến thời điểm này, sau khi đã hoàn thành được giai đoạn đầu của lộ trình tái cấu trúc hệ thống NHTM, NHNN đã quyết liệt hơn trong việc hạn chế nguy cơ nở rộ các TCTD phi NH.

Cụ thể, với quy định NHTM phải có tổng tài sản tối thiểu 100 nghìn tỷ đồng mới được phép tham gia góp vốn thành lập CTTC, NHNN đã loại ra khoảng 20 NHTM nhỏ. Các NH chỉ có tổng tài sản từ hơn 20.800 tỷ đồng (BaoVietBank/2014) đến 99.500 tỷ đồng (HDBank/2014).

Do vậy, trong thời gian tới “ngưỡng” 100 nghìn tỷ sẽ là động lực để khối NH nhỏ có sự bứt phá về quy mô vốn và tài sản. Bởi nếu không vượt qua ngưỡng này sẽ mất cơ hội khai thác thị trường thông qua các sản phẩm, dịch vụ từ CTTC.

Bên cạnh việc giới hạn ngưỡng 100 tỷ đồng cho khối NHTM, Thông tư 30 cũng quy định đối với khối DN ngoài NH. Theo đó, DN nếu muốn làm cổ đông sáng lập các CTTC thì lần lượt phải đảm bảo vốn chủ sở hữu tối thiểu 500 tỷ đồng (đối với thành lập CTTC cổ phần) hoặc 1.000 tỷ đồng (đối với thành lập CTTC trách nhiệm hữu hạn).

Việc quy định mức vốn tối thiểu khá lớn như trên rõ ràng, NHNN chỉ ưu tiên cho các DN có tiềm lực tài chính mạnh tham gia thành lập các TCTD phi NH và hạn chế nảy sinh các CTTC yếu kém, tránh trường hợp lại phải đưa ra các giải pháp “lai dắt” như giai đoạn vừa qua.

Thạch Bình (Thời Báo Ngân hàng)

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)