Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020
Đến tháng 4/2010 khi ông Cảnh đang hưởng bậc 2/9, hệ số lương 2,65 thì được bổ nhiệm chức vụ Phó Giám đốc, hệ số 4,66 cho đến tháng 2/2020.
Tháng 3/2020, ông chuyển công tác và ký hợp đồng lao động với Ban quản lý bảo trì đường bộ của Sở Giao thông vận tải. Do thời điểm ký hợp đồng lao động, ông không có bậc lương (đang hưởng hệ số 4,66 của Phó Giám đốc công ty) nên phải tính lại bậc khi ký hợp đồng.
Theo đó, ông được tính lại với bậc 4/9, hệ số 3,33 (nếu đúng thời gian công tác thời điểm đó thì ông gần đủ để hưởng bậc 6/9).
Qua nghiên cứu, ông cho rằng việc xếp lương như thế quá thiệt thòi và đề nghị tính lại bậc lương theo số năm công tác có đóng BHXH bắt buộc (lĩnh vực công tác trước đây của ông phù hợp với công việc mới bây giờ, đều công tác về xây dựng công trình giao thông).
Ông Cảnh hỏi, bậc lương mới của ông được tính như thế có đúng quy định không?
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời vấn đề này như sau:
Theo sự việc ông Nguyễn Văn Cảnh nêu, nhận thấy quá trình làm việc, hưởng lương, đóng BHXH bắt buộc tại công ty cổ phần tư vấn khảo sát thiết kế công trình giao thông, ông Cảnh được hưởng lương theo thang lương, bảng lương trong công ty Nhà nước quy định tại Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ, cụ thể:
- Từ tháng 7/2005 đến tháng hết tháng 3/2010 hưởng lương bậc 1/8 hệ số lương 2,34; bậc 2/8 hệ số 2,65 ở thang lương chuyên viên, kinh tế viên, kỹ sư; Bảng lương viên chức chuyên môn nghiệp vụ trong công ty Nhà nước (thang lương này có 8 bậc, chứ không phải 9 bậc như ông Cảnh nêu).
- Từ tháng 4/2010 cho đến tháng 2/2020, ông Cảnh được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc công ty, hưởng lương Phó Giám đốc công ty Hạng III, hệ số 4,66 theo Bảng lương Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng trong công ty Nhà nước.
Tháng 3/2020, ông Cảnh chuyển công tác và ký hợp đồng lao động với Ban quản lý bảo trì đường bộ của Sở Giao thông vận tải, ông được xếp lương bậc 4/9, hệ số 3,33. Ông Cảnh cho rằng việc xếp lương như thế quá thiệt thòi, bởi lẽ trước khi chuyển công tác đến Ban quản lý bảo trì đường bộ ông đã có thời gian 9 năm 10 tháng công tác đóng BHXH bắt buộc với mức lương Phó Giám đốc công ty hạng III, hệ số 4,66. Lĩnh vực chuyên môn trước khi chuyển công tác ông đã làm là xây dựng công trình giao thông đúng với công việc hiện nay tại đơn vị mới.
Do thông tin ông Cảnh phản ánh chưa thể hiện rõ việc ông ký hợp đồng lao động với địa vị người lao động hay được tuyển dụng vào viên chức, ký hợp đồng làm việc với địa vị viên chức nên có hai hình thức làm việc và cách xếp lương như sau:
- Với địa vị là người lao động, ký hợp đồng lao động: Căn cứ Điểm b Khoản 1 Điều 5 và Điểm đ, Điểm e Khoản 1 Điều 21 Bộ luật Lao động 2019, người lao động được hưởng lương phù hợp với trình độ, kỹ năng nghề trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động; trong hợp đồng lao động ghi rõ sự thỏa thuận của người sử dụng lao động và người lao động về mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác; chế độ nâng bậc, nâng lương…
Việc ông được xếp lương bậc 4/9, hệ số 3,33 thang lương viên chức A1, bảng lương chuyên môn nghiệp vụ đối với viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP là sự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động.
- Với địa vị của người được tuyển dụng vào viên chức, ký hợp đồng làm việc: Vào thời điểm tháng 3/2020, nếu ông Cảnh thuộc trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng viên chức theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức đã được sửa đổi bổ sung bởi Khoản 7 Điều 2 Nghị định 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập khi thực hiện thẩm quyền tuyển dụng viên chức được xem xét tiếp nhận vào viên chức đối với các trường hợp sau:
- Các trường hợp có ít nhất 5 năm công tác ở vị trí việc làm yêu cầu trình độ đào tạo đại học trở lên phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng và có đóng BHXH bắt buộc (không kể thời gian tập sự, thử việc, nếu có thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc không liên tục mà chưa nhận trợ cấp BHXH một lần thì được cộng dồn), gồm:
Người đang làm việc tại doanh nghiệp là công ty TNHH một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc doanh nghiệp là công ty TNHH, công ty cổ phần mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
Thời điểm tháng 3/2020, nếu thuộc trường hợp này, mà ông Cảnh được tuyển dụng, tiếp nhận vào viên chức theo quy định của Nghị định này, được bố trí làm việc theo đúng chuyên môn nghiệp vụ trước đây đã đảm nhiệm thì thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc trước ngày tuyển dụng, tiếp nhận vào viên chức được tính để làm căn cứ xếp lương theo chức danh nghề nghiệp phù hợp với vị trí việc làm được tuyển dụng.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội
Theo Báo Chính phủ
https://baochinhphu.vn/can-cu-xep-luong-khi-chuyen-cong-tac-102230118153923422.htm