Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020
Trong bảng liệt kê: Dòng trên ghi thửa số một, cột diện tích ghi 900m2, cột mục đích sử dụng ghi đất ở. Dòng dưới ghi thửa số hai, cột diện tích ghi 400m2, cột mục đích sử dụng ghi dấu gạch ngang “-” (hiểu là cách viết tắt mang ý nghĩa “giống như dòng trên”).
Tháng 1/2020, gia đình ông Lưỡng làm thủ tục chia thừa kế đất ở, Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội chi nhánh huyện đã trả lại hồ sơ vì cho rằng thửa số hai là đất ao với lý do: Giấy chứng nhận viết không rõ mục đích sử dụng, bản đồ 364 thể hiện là ao, biên bản kiểm tra bản đồ địa chính thể hiện hiện trạng là ao, và đề nghị ông liên hệ với UBND huyện để xem xét giải quyết.
Thửa đất số hai do cha ông để lại, nguồn gốc là đất thổ cư cũ của gia đình (UBND xã và Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội chi nhánh huyện đã xác nhận điều này).
Năm 1982 gia đình ông Lưỡng đã đào để lấy đất đóng gạch, sau đó tận dụng thùng đóng gạch chưa san lấp để thả cá. Do đó tại bản đồ 364, và biên bản kiểm tra bản đồ địa chính thời điểm đó, thửa số hai thể hiện là ao.
Trong hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gia đình ông có Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thổ cư, trong đơn ghi rõ: “Làm đơn xin đăng ký quyền sử dụng và xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thổ cư với tổng diện tích là 1.300m2” (bao gồm có cả thửa đất số hai). Đơn cũng kê khai thửa số hai đúng hiện trạng là ao thả cá và kê khai nguồn gốc sử dụng là thổ cư cũ.
Đơn này đã được hội đồng xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp xã xem xét, xác nhận thông tin, niêm yết công khai.
Về sổ địa chính và bản lưu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gia đình ông Lưỡng đã nhận được thông báo của UBND xã và văn bản trả lời của Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội chi nhánh huyện. Theo đó, tại kho lưu trữ ở xã và Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội chi nhánh huyện không có bản lưu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, và sổ địa chính ghi thông tin của thửa đất này.
Gia đình ông Lưỡng đã đóng đầy đủ thuế nhà đất từ năm 2011 về trước, thuế đất phi nông nghiệp loại đất ở tại nông thôn từ năm 2012. Gia đình ông đã san lấp, xây nhà, sử dụng vào mục đích đất ở, ổn định từ năm 2002 đến nay.
Ông Lưỡng hỏi, vậy căn cứ văn bản pháp luật nào để xác định rõ loại đất cho thửa số hai của gia đình ông.
Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời vấn đề này như sau:
Theo phản ánh thì gia đình ông được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào tháng 10/1997. Do đó, việc giải quyết cấp Giấy chứng nhận được thực hiện theo quy định của Luật Đất đai năm 1993, Quyết định số 201-QĐ/ĐKTK ngày 14/7/1989 của Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý ruộng đất và Thông tư số 302/TT/ĐKTK ngày 28/10/1989 của Tổng cục Quản lý ruộng đất hướng dẫn thi hành quyết định về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Theo hướng dẫn tại mục “2. Nội dung viết trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” Chương “V- Quy định về việc viết Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” của bản Hướng dẫn thi hành quyết định về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ban hành kèm theo Thông tư số 302 TT/ĐKTK thì việc thể hiện mục đích sử dụng đối với trường hợp cấp Giấy chứng nhận cho cá nhân như sau:
“Đối với cá nhân: Ghi theo loại ruộng đất đã được xác định cho từng thửa theo sổ địa chính”.
Theo hướng dẫn ghi mục đích sử dụng đất tại Điểm 3 mục “I. Sổ địa chính” của bản quy định mẫu sổ địa chính; sổ mục kê đất; sổ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; sổ theo dõi biến động đất đai ban hành kèm theo Quyết định số 449/QĐ-ĐC ngày 27/7/1995 của Tổng cục Địa chính thì không có ký hiệu loại đất thể hiện là dấu gạch ngang “-” và cũng không có quy định dấu gạch ngang “-” hiểu là cách viết tắt mang ý nghĩa “giống như dòng trên”.
Do đó, việc thể hiện mục đích sử dụng trên Giấy chứng nhận của gia đình ông Lưỡng với ký hiệu gạch ngang “-” là không phù hợp với quy định của pháp luật đất đai.
Để có cơ sở xác định mục đích sử dụng đất của thửa số hai trên Giấy chứng nhận đã cấp cho gia đình ông như phản ánh thì ông cần nghiên cứu các quy định nêu trên và liên hệ với UBND huyện, trên cơ sở hồ sơ cấp Giấy chứng nhận trước đây để được hướng dẫn, giải quyết theo quy định của pháp luật.