Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020
Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời cử tri TP Cần Thơ như sau:
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được Chính phủ giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ ngày 1/1/2017 tại Nghị quyết số 76/NQ-CP của Chính phủ. Do đó, để cải thiện chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và tiến trình hội nhập khu vực ASEAN và quốc tế, thời gian qua Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã thực hiện các nội dung cụ thể như sau:
- Đổi mới cấu trúc, nội dung chương trình đào tạo từ tách biệt giữa lý thuyết và thực hành sang chương trình đào tạo theo mô đun được tích hợp kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành và thái độ nghề nghiệp.
- Việc thiết kế, xây dựng chương trình đào tạo được xuất phát từ thực tiễn sản xuất, dựa trên cơ sở các tiêu chuẩn kỹ năng nghề hoặc chuẩn năng lực thực hiện theo phương pháp phát triển chương trình tiên tiến của thế giới, gắn với vị trí làm việc của người lao động hoặc dựa vào tiêu chuẩn kỹ năng nghề với sự tham gia của các doanh nghiệp, tăng thời lượng thực hành trong chương trình đào tạo, tăng thời gian thực tập tại doanh nghiệp: Các cơ sở dạy nghề đã huy động các doanh nghiệp tham gia vào việc xây dựng chương trình đào tạo, ngân hàng đề thi tốt nghiệp, tham gia vào quá trình tổ chức giảng dạy, đánh giá kết quả đầu ra.
- Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các trường thành lập bộ phận quan hệ doanh nghiệp; bộ phận này ngoài việc kết nối với doanh nghiệp để tìm đầu ra cho người học tốt nghiệp, còn tiếp nhận những nguyện vọng, yêu cầu của doanh nghiệp về kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và các kỹ năng mềm cần thiết... để đưa vào chương trình đào tạo cho phù hợp.
- Từ năm 2017, thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp được phép chủ động xây dựng chương trình đào tạo cho cơ sở mình dựa trên quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học phải đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng, phù hợp với Khung trình độ quốc gia Việt Nam và tiếp cận với Khung trình độ khu vực ASEAN và quốc tế nhằm đảm bảo giáo dục nghề nghiệp chuyển mạnh đào tạo theo hướng chuyển từ "cung" sang "cầu", gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, tạo việc làm và việc làm bền vững. Các trường cũng được phép tùy chọn phương thức tổ chức đào tạo theo hướng mở, linh hoạt phù hợp với điều kiện và năng lực của cơ sở mình.
- Để tiếp cận với trình độ đào tạo của khu vực ASEAN và thế giới, đã lựa chọn áp dụng chương trình đào tạo của các nước phát triển phù hợp với Việt Nam để chuyển giao đồng bộ về tiêu chuẩn năng lực; chương trình; tài liệu học tập, giảng dạy; công cụ đánh giá kết quả học tập; danh mục máy móc, thiết bị. Đến nay, đã chuyển giao được 12 bộ chương trình của 12 nghề cấp độ quốc tế từ Úc (hiện đang tổ chức đào tạo thí điểm tại 25 trường cao đẳng cho 41 lớp với 888 sinh viên) và đang thực hiện chuyển giao 22 bộ chương trình từ Đức để đưa vào thí điểm đào tạo tại các trường cao đẳng theo kế hoạch được phê duyệt tại Quyết định số 371/QĐ-TTg ngày 28/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Chinhphu.vn