Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Cách xác định mức lương bình quân để tính trợ cấp thôi việc

Thứ sáu, 13-09-2019 | 16:14:00 PM GMT+7 Bản in
(Chinhphu.vn) - Ông Đặng Đức Giang (Hà Nội) làm việc tại một đơn vị từ tháng 8/2017 và chấm dứt hợp đồng vào ngày 31/8/2019. Từ tháng 4/2019, tiền lương của ông có thay đổi, tăng từ 20 triệu đồng/tháng tăng lên 24 triệu đồng/tháng. Ông đã nhận lương tháng 8/2019 vào ngày 20/8/2019.

Ông Giang hỏi, mức lương 6 tháng liền kề để tính trợ cấp thôi việc đối với ông sẽ được tính bình quân của tiền lương từ tháng 3/2019 đến tháng 8/2019 hay từ tháng 2/2019 đến tháng 7/2019?

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời vấn đề ông Giang hỏi như sau:

Theo phản ánh của ông Đặng Đức Giang, nhận thấy trong khoảng thời gian làm việc cho một đơn vị sử dụng lao động từ tháng 8/2017 đến hết tháng 8/2019 (24 tháng), ông Giang và đơn vị sử dụng lao động không đóng bảo hiểm thất nghiệp; hoặc không đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc quy định tại Điểm a và Điểm b, Khoản 1, Điều 43 Luật Việc làm, nên ông Giang không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại Khoản 2, Điều 49 Luật Việc làm.

Điều 48 Bộ luật Lao động quy định: Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.

Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật BHXH và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.

Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.

Trường hợp ông Đặng Đức Giang làm việc cho một đơn vị từ ngày 1/8/2017, chấm dứt hợp đồng lao động vào ngày 31/8/2019, tức là thôi việc từ ngày 1/9/2019. Nếu không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại Khoản 2, Điều 49 Luật Việc làm thì đơn vị sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho ông Giang theo quy định tại Điều 48 Bộ luật Lao động.

Căn cứ quy định tại Khoản 3, Điều 48 Bộ luật Lao động thì, tiền lương để tính trợ cấp thôi việc đối với ông Giang là tiền lương bình quân của 6 tháng liền kề trước khi ông Giang thôi việc, từ tháng 3/2019 đến hết tháng 8/2019.

Mức trợ cấp thôi việc = (tiền lương tháng 3 + tiền lương tháng 4 + tiền lương tháng 5 + tiền lương tháng 6 + tiền lương tháng 7 +  tiền lương tháng 8) : 6  x ½  x 2.

          Luật sư Trần Văn Toàn

VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội

Theo báo Chính phủ

Ý kiến bạn đọc (0)