Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Cách tính trợ cấp thôi việc cho lao động nước ngoài

Thứ sáu, 05-08-2022 | 16:53:00 PM GMT+7 Bản in
Công ty của bà Dương Cầm Huyền (TPHCM) thuê người lao động nước ngoài từ đối tác thứ 3, đến ngày 31/12/2019 thì tạm ngưng. Từ ngày 1/1/2020, công ty trực tiếp thuê lao động nước ngoài này theo hình thức hợp đồng cộng tác viên, vị trí chuyên gia tư vấn chiến lược, đồng thời làm thủ tục gia hạn Giấy phép lao động đến ngày 15/6/2022.

Hợp đồng cộng tác viên có những nội dung chính sau: 

- Thời hạn và phạm vi công việc hợp đồng: Chế  độ làm việc theo tuần, từ thứ 2 đến thứ 6 (8 giờ 30 phút đến 17 giờ 30 mỗi ngày) dựa trên các điều khoản liên quan của nội quy lao động công ty. Nơi làm việc cố định và đi công tác theo yêu cầu của người sử dụng lao động.

- Nghĩa vụ, quyền lợi và quyền hạn của bên sử dụng lao động và người lao động gồm phí cộng tác hằng tháng.

- Hình thức thanh toán, thời hạn thanh toán và thời hạn báo trước 30 ngày khi chấm dứt. 

Từ ngày 1/8/2020, công ty ký hợp đồng lao động và chỉ đóng BHYT theo quy định đối với người lao động nước ngoài. Đến ngày 31/5/2021, công ty không tái ký hợp đồng lao động.

Bà Huyền hỏi, công ty đang tính chi trả trợ cấp thôi việc cho tổng thời gian người lao động trực tiếp làm việc mà chưa đóng bảo hiểm thất nghiệp là 17 tháng (từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/5/2021), mức chi trả trung bình 6 tháng lương, như vậy có đúng quy định không?

Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:

Từ ngày 1/1/2021, việc tính và chi trả trợ cấp thôi việc thực hiện theo quy định tại Điều 46 Bộ luật Lao động năm 2019 và Điều 8 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ.

Theo đó, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động (không loại trừ người lao động là người nước ngoài) khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại Khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10, Điều 34 Bộ luật Lao động. 

Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là thời gian làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp (bao gồm cả thời gian người lao động thuộc diện không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật nhưng được người sử dụng lao động chi trả cùng với tiền lương của người lao động một khoản tương đương mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động) và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm. 

Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 6 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.

Như vậy, trường hợp người lao động là người nước ngoài chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10, Điều 34 Bộ luật Lao động thì doanh nghiệp có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc theo quy định nêu trên, thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc không bao gồm thời gian doanh nghiệp thuê lại người lao động từ bên thứ 3.

Theo Chinhphu.vn (Báo Chính phủ)

https://baochinhphu.vn/cach-tinh-tro-cap-thoi-viec-cho-lao-dong-nuoc-ngoai-102220802155723238.htm

Ý kiến bạn đọc (0)