Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Cách bảo mật dữ liệu nhạy cảm khi đi sửa điện thoại

Thứ hai, 19-07-2021 | 14:49:00 PM GMT+7 Bản in
Chuyên gia công nghệ khuyến cáo người dùng cần đồng bộ hóa dữ liệu sau đó xóa tài liệu khỏi điện thoại mang đi sửa để tránh bị xâm phạm quyền riêng tư.

Anh Nguyễn Hoàng Du, chuyên gia công nghệ, cho biết việc mang điện thoại đi sửa là một trong những nguyên nhân khiến người dùng bị xem hoặc lấy trộm dữ liệu cá nhân. Khi bạn giao điện thoại cho nhân viên kỹ thuật sửa chữa sẽ phải đọc hết mật khẩu máy, mật khẩu ứng dụng, thậm chí cả mật khẩu iCloud. Cách tốt nhất là khách hàng đề nghị nhân viên cho ngồi xem sửa chữa để tránh bị tráo linh kiện và xâm phạm quyền riêng tư.

Tuy nhiên, cũng có trường hợp thời gian sửa chữa kéo dài nhiều ngày. Anh Du khuyến cáo nếu đưa điện điện thoại hỏng phần cứng đi sửa thì cần đặt mật khẩu nhiều lớp, tắt nguồn, tháo sim trước khi giao máy cho nhân viên kỹ thuật. Khi đó máy của bạn sẽ không bị xâm phạm để làm lộ tài liệu cá nhân. Nếu được, khi ký biên bản đưa máy cho kỹ thuật viên, khách hàng nên ghi thêm điều khoản như cấm xâm nhập dữ liệu cá nhân trong máy.

Cẩn trọng các dữ liệu cá nhân khi mang điện thoại đi sửa. Ảnh: Telegraph.

Cẩn trọng các dữ liệu cá nhân khi mang điện thoại đi sửa. Ảnh: Telegraph.

Trường hợp điện thoại hỏng phần mềm, nguồn điện hay các linh kiện bên trong mà cần mở máy để sửa chữa, anh Du khuyên người dùng hai cách cơ bản. Thứ nhất là đăng xuất khỏi các tài khoản mạng xã hội, Gmail, iCloud hoặc tài khoản android và không cung cấp mật mã ID trước khi giao máy cho nhân viên kỹ thuật. Việc này giúp khách hàng hạn chế được việc người khác dùng điện thoại của mình để truy cập vào iCloud lấy dữ liệu.

Cách thứ hai là đồng bộ hóa các dữ liệu từ máy của bạn sang một máy phụ khác sau đó xóa toàn bộ tài liệu trong điện thoại cần mang đi sửa chữa, bảo hành. Nếu điện thoại bị hư hỏng không mở được để thực hiện thao tác này thì có một cách khác là kết nối với máy tính để sao lưu tài liệu vào máy tính sau đó dùng máy tính để xóa dữ liệu ở máy mang đi sửa.

Khi mang điện thoại tới cửa hàng, người dùng cần yêu cầu nhân viên kiểm tra kỹ tình trạng của máy để xác định những lỗi kỹ thuật cần sửa chữa. Với dòng máy cao cấp, khách hàng cần yêu cầu nhân viên mở vỏ máy để mình tự niêm phong các linh kiện quan trọng như board, chip, pin... nhằm tránh nguy cơ bị tráo đổi.

Hai ngày trước, Công an huyện Thanh Miện, Hải Dương, bắt Nguyễn Văn Phượng và Mai Văn Hiếu, cùng 17 tuổi, về tội Cưỡng đoạt tài sản. Hai người này bị cáo buộc, khi sửa điện thoại cho nữ sinh 15 tuổi đã phát hiện có lưu trữ nhiều video tình cảm của em này và bạn trai.

Hai người sau đó chuyển sang điện thoại của mình và dùng video này tống tiền khách hàng. Chúng dọa sẽ phát tán lên mạng xã hội và gửi cho bạn bè, người thân nếu nữ sinh không đưa tiền. Khoảng 20h45 ngày 25/5, nghi phạm đang nhận 3,5 triệu đồng thì bị bắt quả tang.

Một cảnh sát hình sự cho biết việc bị tống tiền từ những video nhạy cảm ngày càng nhiều. Bởi thế khi người dân bị kẻ xấu dùng các video, hình ảnh nhạy cảm của mình để tống tiền thì ban đầu cần vờ thỏa hiệp với chúng để "bảo vệ dữ liệu của mình". Tiếp đến, bạn cần trình báo sự việc đến đồn công an sở tại hoặc nơi gần nhất để có hướng giải quyết.

Cảnh sát cho hay dữ liệu cá nhân của mọi người đều được pháp luật bảo vệ, không ai có quyền xâm phạm. Các hành vi tống tiền đều sẽ bị xử lý hình sự về tội Cưỡng đoạt tài sản theo điều 170 Bộ luật Hình sự nên người dân cần bình tĩnh, tỉnh táo phối hợp với cảnh sát để không bị mắc bẫy kẻ xấu.

Theo Phạm Dự(Vnexpress)

https://vnexpress.net/cach-bao-mat-du-lieu-nhay-cam-khi-di-sua-dien-thoai-4326606.html

Ý kiến bạn đọc (0)