Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020
Cần phân biệt Chương trình đào tạo đại học sư phạm, Chương trình đào tạo thạc sĩ với Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học như sau:
- Chương trình đào tạo đại học sư phạm do cơ sở đào tạo giáo viên xây dựng chi tiết để đào tạo giáo viên; người học hoàn thành chương trình đào tạo này được cấp bằng tốt nghiệp đại học sư phạm.
- Chương trình đào tạo thạc sĩ do cơ sở đào tạo xây dựng chi tiết để đào tạo cho các đối tượng đã tốt nghiệp đại học, người học hoàn thành chương trình đào tạo này được cấp bằng thạc sĩ (chuyên ngành khác nhau).
- Thông tư số 12/2013/TT-BGDĐT ngày 12/4/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo là văn bản quy định Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học, học viên hoàn thành chương trình bồi dưỡng này được cấp Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên do cơ sở giáo dục đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ thực hiện.
Như vậy, chương trình đào tạo đại học sư phạm, chương trình đào tạo thạc sĩ khác với chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học về: mục tiêu, nội dung, đối tượng, hình thức và thời gian tổ chức thực hiện.
Các trường hợp phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm
Mọi viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học cần có "chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên" vì, Điểm e, Khoản 1, Điều 77 Luật Giáo dục quy định trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo giảng dạy cao đẳng, đại học là "có bằng tốt nghiệp đại học trở lên và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với nhà giáo giảng dạy cao đẳng, đại học; có bằng thạc sĩ trở lên đối với nhà giáo giảng dạy chuyên đề, hướng dẫn luận văn thạc sĩ; có bằng tiến sĩ đối với nhà giáo giảng dạy chuyên đề, hướng dẫn luận án tiến sĩ”.
Điều 79 Luật Giáo dục quy định, "Trước khi được giao nhiệm vụ giảng dạy, giảng viên cao đẳng, đại học phải được bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm".
Theo Điểm b, Khoản 2, Điều 6 Thông tư liên tịch số 36/2014/TTLT-BGDĐT-BNV của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập thì một trong các tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của Giảng viên hạng III là "Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên".
Theo đó, người đã có bằng đại học sư phạm của trường Đại học sư phạm Hà Nội I cấp, có bằng thạc sĩ cũng của trường Đại học sư phạm Hà Nội I cấp, hiện là giảng viên (đúng chuyên ngành) ngạch A1-mã 15.111 muốn chuyển sang giảng viên hạng III–mã V.07.01.03 cần có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên.