Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

BQLDA được quyết định tổng mức chi trả thu nhập tăng thêm

Thứ sáu, 01-12-2017 | 16:11:00 PM GMT+7 Bản in
(Chinhphu.vn) – Tùy theo kết quả hoạt động tài chính trong năm, Ban Quản lý dự án (BQLDA) được quyết định tổng mức chi trả thu nhập tăng thêm trong năm cho người lao động và Giám đốc BQLDA chi trả thu nhập theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị

Bà Nguyễn Thị Kim Phương (TPHCM) công tác tại Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình quận Phú Nhuận, TPHCM (đơn vị sự nghiệp công lập - thuộc BQLDA nhóm II). Để thực hiện đúng chế độ tài chính về quản lý và sử dụng chi phí quản lý dự án, bà Phương đề nghị cơ quan chức năng giải đáp các vướng mắc khi thực hiện theo Thông tư số 72/2017/TT-BTC ngày 17/7/2017 của Bộ Tài chính. cụ thể như sau:

- Về thu nhập tăng thêm: Việc chi trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ viên chức trong đơn vị được thanh toán vào thời gian nào trong năm (theo tháng, theo quý, hoặc cuối năm) hay theo tháng, quý có được ứng trước không, nếu có thì được tạm ứng tỷ lệ như nào?

Thu nhập tăng thêm được chi trong chi thường xuyên hay chi từ quỹ? Nếu chi từ quỹ thì chi từ quỹ nào? Theo Điều 19 Thông tư này về sử dụng kết quả hoạt động tài chính trong năm không đề cập đến việc chi trả thu nhập tăng thêm.

- Việc xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ theo quy định của Thông tư số 72/2017/TT-BTC là sau khi có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của cơ quan quản lý cấp trên (Khoản 5, Điều 16). Vậy, quy chế chi tiêu nội bộ được xây dựng từ thời điểm nào vì quy chế chi tiêu nội bộ được thảo luận trong hội nghị cán bộ viên chức hàng năm mà hạn chót là ngày 31/12?

- Theo quy định tại Mục 17 của Mẫu số 05/DT-QLDA thì mức xác định tỷ lệ dự phòng là bao nhiêu? Có phải dự phòng này để thực hiện trích quỹ và lập dự toán không?

- Ban Quản lý Dự án nhóm II thực hiện theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 hay Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ?

- Thông tư nêu trên có hiệu lực từ ngày 15/9/2017, dự toán đã dược duyệt năm 2017 theo Thông tư số 05/2014/TT-BTC ngày 6/1/2014 của Bộ Tài chính. Vậy có cần lập dự toán điều chỉnh lại cho phù hợp với Thông tư này hay không?

Về vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

Được quyết định tổng mức chi trả thu nhập tăng thêm

BQLDA nhóm II thực hiện việc lập dự toán, quyết toán thu chi hàng năm theo quy định tại Mục 2 Chương II Thông tư số 72/2017/TT-BTC ngày 17/7/2017 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động quản lý dự án của các chủ đầu tư, theo đó:

Về nguyên tắc, việc thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm thực hiện theo Khoản 2 Điều 18 của Thông tư số 72/2017/TT-BTC ngày 17/7/2017 và việc sử dụng các quỹ, trong đó có quỹ bổ sung thu nhập theo quy chế chi tiêu nội bộ tại Khoản 2 Điều 20 của Thông tư số 72/2017/TT-BTC ngày 17/7/2017.

Đồng thời, tại Điều 19 cùa Thông tư số 72/2017/TT-BTC ngày 17/7/2017 quy định việc sử dụng kết quả hoạt động tài chính trong năm, theo đó quy định hằng năm sau khi trang trải các khoản chi phí, nộp thuế và các khoản nộp khác theo quy định, nếu có phần chênh lệch thu lớn hơn chi thường xuyên thì BQLDA được trích lập các quỹ cụ thể theo mức trích quy định, theo đó quy định mức trích lập cụ thể đối với Quỹ bổ sung thu nhập.

Thực hiện quy định nêu trên, tùy theo kết quả hoạt động tài chính trong năm, BQLDA được quyết định tổng mức chi trả thu nhập tăng thêm trong năm cho người lao động và Giám đốc BQLDA chi trả thu nhập theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

Theo đó, thực hiện chi bổ sung thu nhập cho người lao động trong năm từ quỹ bổ sung thu nhập. Thời gian chi trả sẽ do BQLDA quyết định tùy theo kết quả hoạt động tài chính trong năm của Ban và quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị, có thể vận dụng theo Điều 13 (Quy định về sử dụng kinh phí tiết kiệm được) của Thông tư số 72/2017/TT-BTC ngày 17/7/2017 của Bộ Tài chính.

Chi tiêu nội bộ phải được cơ quan cấp trên chấp thuận

Khoản 5 Điều 16 Thông tư số 72/2017/TT-BTC ngày 17/7/2017 đã quy định: “5. BQLDA xây dựng và phê duyệt quy chế chi tiêu nội bộ sau khi có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của cơ quan quản lý cấp trên".

Theo quy định nêu trên, BQLDA xây dựng và phê duyệt quy chế chi tiêu nội bộ sau khi có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của cơ quan quản lý cấp trên. Trong trường hợp đơn vị thuộc nhóm đối tượng là BQLDA nhóm II thì quy chế chi tiêu nội bộ được phải báo cáo cơ quan quản lý cấp trên tức Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ở trung ương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện có văn bản chấp thuận trước khi ban hành Quy chế.

Quy chế chi tiêu nội bộ phải được cơ quan quản lý cấp trên chấp thuận trước khi ban hành Quy chế là cơ sở để BQLDA quản lý sử dụng thực hiện chi tiêu nội bộ được trong các năm, vì vậy quy chế chi tiêu nội bộ được xây dựng từ thời điểm sau khi cơ quan quản lý cấp trên quyết định thành lập theo quy định tại Khoản 7 Điều 1 Nghị định số 42/2017/NĐ-CP ngày 5/4/2017 của Chính phủ.

Trường hợp quy chế chi tiêu nội bộ đã được cơ quan quản lý cấp trên chấp thuận mà cần sửa đổi để phù hợp, sau khi quy chế được thảo luận trong hội nghị cán bộ viên chức và thống nhất sẽ trình cơ quan quản lý cấp trên chấp thuận việc điều chỉnh.

Không phải lập dự toán cho các quỹ

Tại Điều 21 Thông tư số 72/2017/TT-BTC ngày 17/7/2017 đã quy định hằng năm, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao, nhiệm vụ của năm kế hoạch, chế độ chi tiêu tài chính hiện hành; căn cứ kết quả hoạt động dịch vụ, tình hình thu, chi tài chính của năm trước liền kề; BQLDA lập dự toán thu, chi năm kế hoạch theo Mẫu số: 01(i)/DT-QLDA, 02/DT-QLDA, 03/DT-QLDA, 05/DT-QLDA gửi cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp (cơ quan quyết định thành lập hoặc cơ quan được cơ quan quyết định thành lập ủy quyền) phê duyệt.

Việc xác định tỷ lệ dự phòng tại Mục 17 của Mẫu số 05/DT-QLDA, BQLDA phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao, nhiệm vụ của năm kế hoạch, chế độ chi tiêu tài chính hiện hành và kết quả hoạt động dịch vụ, tình hình thu, chi tài chính của năm trước liền kề để xác định tỷ lệ cho phù hợp, không quy định mức cụ thể. Mức dự phòng này được BQLDA sử dụng trong trường hợp các mục chi thuộc 16 mục của Chi thường xuyên tại Mẫu số 05/DT-QLDA cao hơn mức dự toán đã được phê duyệt.

Hằng năm, BQLDA được sử dụng trích lập các quỹ theo trình tự quy định tại Điều 19 Thông tư số 72/2017/TT-BTC ngày 17/7/2017 sau khi trang trải các khoản chi phí, nộp thuế và các khoản nộp khác theo quy định, phân chênh lệch thu lớn hơn chi thường xuyên (nếu có). Vì vậy, không phải lập dự toán cho các quỹ.

Việc điều chỉnh các khoản thu, chi

Theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 72/2017/TT-BTC ngày 17/7/2017 của Bộ Tài chính đã quy định:“2. Nhóm II: BQLDA đầu tư xây dựng chuyên ngành, BQLDA đầu tư xây dựng khu vực do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ở trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện thành lập theo quy định tại Khoản 7 Điều 1 Nghị định số 42/2017/NĐ-CP ngày 5/4/2017 của Chính phủ.

BQLDA chuyên ngành, BQLDA khu vực xây dựng phương án tự chủ về tài chính tự đảm bảo chi thường xuyên phù hợp với kế hoạch và điều kiện thực tế của đơn vị, báo cáo người quyết định thành lập để phê duyệt theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp kinh tế khác”.

Do vậy, đề nghị bà Phương căn cứ quy định nêu trên để thực hiện.

Tại Điều 25 Thông tư 72/2017/TT-BTC ngày 17/7/2017 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động quản lý dự án của các chủ đầu tư đã quy định: “Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/9/2017 và thay thế Thông tư số 05/2014/TT-BTC ngày 6/1/2014 của Bộ Tài chính”.

Do vậy, việc điều chỉnh các khoản thu, chi theo quy định tại Thông tư số 72/2017/TT-BTC ngày 17/7/2017 đề nghị đơn vị thực hiện kể từ ngày 15/9/2017.

Theo Chinhphu.vn

Ý kiến bạn đọc (0)