Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Bộ Tài chính trả lời Bí thư Đinh La Thăng

Thứ sáu, 25-03-2016 | 10:39:00 AM GMT+7 Bản in
(Chinhphu.vn) - Bộ Tài chính vừa có công văn gửi Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng về một số nội dung liên quan đến việc thực hiện cơ chế hải quan một cửa và công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, cụ thể là mặt hàng thép.
Trước đó, trong buổi gặp mặt với các doanh nghiệp FDI tại TPHCM, Bí thư Đinh La Thăng nhận được phản ánh của các doanh nghiêp với nội dung, khi nhập khẩu thép qua cửa khẩu bị cơ quan kiểm tra yêu cầu cắt nhỏ từng miếng để kiểm định.

Điều này, theo ông Thăng, là thể hiện sự tồn tại của nhiều cửa trong thủ tục hành chính tại hải quan, gây khó cho cả doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đây cũng là một trong những vấn đề liên quan đến ngành Tài chính được đại diện doanh nghiệp đặt ra tại buổi gặp mặt.

Theo Bộ Tài chính, về thủ tục hải quan đối với mặt hàng thép nhập khẩu, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) áp dụng phân luồng kiểm tra chi tiết hồ sơ đối với các mặt hàng thép thuộc diện quản lý chuyên ngành và quản lý thuế như kiểm tra chất lượng theo Thông tư 44; giấy phép nhập khẩu tự động theo Thông tư 12/2015/TT-BCT; thép làm cốt bê tông kiểm tra chất lượng theo Quy chuẩn Việt Nam tại Thông tư 21/2011/TT-BKHCN, mặt hàng thép có form C/O thuộc diện hưởng thuế ưu đãi...

Đồng thời, kiểm tra thực tế hàng hóa (100%) đối với các mặt hàng xuất xứ Trung Quốc thuộc diện trong nước đã sản xuất được; kiểm tra thực tế hàng hóa 100% và lấy mẫu phân tích đối với các mặt hàng thép Trung Quốc (trong nước chưa sản xuất được) để xác định đúng bản chất hàng hóa xác định mã số chính xác, mặt hàng thuộc diện áp dụng biện pháp chống phá giá và mặt hàng thép hợp kim chứa Bo (Boron) có nguy cơ gian lận cao.

Bộ Tài chính khẳng định việc tăng cường kiểm tra chặt chẽ đối với một số mặt hàng thép nhập khẩu chính là biện pháp phi thuế quan nhằm hạn chế nhập khẩu, bảo hộ sản xuất trong nước khi mức thuế nhập khẩu giảm theo lộ trình còn 0% theo các cam kết đã ký.

Về vấn đề giảm thủ tục mà Bí thư Đinh La Thăng đề cập, Bộ Tài chính cho biết, Cơ chế một cửa quốc gia được Thủ tướng Chính phủ giao Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) chủ trì và được chính thức triển khai từ cuối năm 2014 và tới thời điểm hiện tại đã có 9 bộ, ngành tham gia kết nối.

Trong đó, thủ tục hải quan đã được thực hiện hoàn toàn bằng phương thức điện tử trên phạm vi toàn quốc, trừ một số trường hợp đặc thù (chiếm tỷ lệ không quá 2% trên tổng số các lô hàng xuất khẩu/nhập khẩu). Tuy nhiên, việc xử lý hồ sơ và thực hiện các thủ tục hành chính khác (như kiểm tra/kiểm nghiệm hàng hóa, phương tiện) theo quy định quản lý chuyên ngành do các Bộ, ngành chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện và kết quả đó được kết nối (online) với một cửa Quốc gia.

Để tiếp tục triển khai Cơ chế một cửa quốc gia đáp ứng yêu cầu, Bộ tài chính (Tổng cục Hải quan) đang phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng Kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa quốc gia giai đoạn 2016 – 2020 với mục tiêu đến năm 2018 tất cả các thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh của các Bộ, ngành phải được thực hiện thông qua cổng thông tin một cửa quốc gia ở cấp độ 4.

Song song với đó, theo đề nghị của Bộ Tài chính, ngày 17/11/2015,Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2026/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu”, trong đó yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu phải rà soát sửa đổi, bổ sung 87 văn bản quy phạm pháp luật, các quy định liên quan đến quản lý chuyên ngành, yêu cầu quy định rõ về thời gian tiếp nhận hồ sơ, thời gian kiểm tra chuyên ngành, thời gian trả lời kết quả, đẩy mạnh ứng dụng việc trao đổi thông tin dữ liệu điện tử trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành để rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa.

Quyết định của Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành phải rà soát, rút gọn danh mục mặt hàng nhập khẩu cần phải kiểm tra tại cửa khẩu và những mặt hàng nhập khẩu kiểm tra trước khi đưa vào lưu thông trên thị trường theo hướng đẩy mạnh sang kiểm tra sau thông quan, giảm áp lực lưu kho bãi và thời gian hàng hóa tại cửa khẩu.

Thành Đạt (Cạnh tranh quốc gia)

Ý kiến bạn đọc (0)