Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020
Cơ quan ông Nguyễn Hoài Sa (tỉnh Đồng Tháp) là cơ quan hành chính (Chi cục trực thuộc Sở) biên chế công chức và viên chức. Kinh phí hoạt động bao gồm nguồn ngân sách cấp, nguồn thu phí, lệ phí được trích lại và nguồn thu dịch vụ.
Kết thúc năm tài chính, sau khi cân đối các khoản chi phí (trừ chi phí hành chính khoán cho các biên chế công chức) còn khoản chênh lệch thu lớn hơn chi, cơ quan chi trả thu nhập tăng thêm cho tất cả các biên chế (công chức và viên chức). Sau đó, dùng khoản kinh phí hành chính của các biên chế công chức còn dư chi tiết kiệm cho các biên chế công chức (viên chức không được hưởng).
Ông Sa muốn biết, cách chi trả thu nhập tăng thêm như trên tại cơ quan của ông đúng hay sai?
Về vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:
Theo quy định tại Điều 2 Luật Viên chức: Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 4 Luật Cán bộ, công chức: Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp và trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi chung là đơn vị sự nghiệp công lập), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước; đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập thì lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
Theo các quy định trên, cơ cấu số lượng người làm việc tại các cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay như sau:
- Đơn vị sự nghiệp công lập sẽ gồm: Công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập, viên chức và người lao động theo hợp đồng.
- Cơ quan Nhà nước sẽ gồm: Cán bộ (được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ, nếu có), công chức và người lao động hợp đồng không xác định thời hạn đối với một số chức danh theo quy định của pháp luật được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đối tượng áp dụng cơ chế tự chủ
Theo thông tin ông Sa cung cấp, cơ quan ông là cơ quan hành chính. Trường hợp cơ quan của ông có con dấu, tài khoản riêng và trực tiếp sử dụng kinh phí quản lý hành chính, thì thuộc đối tượng áp dụng cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí quản lý hành chính theo quy định tại Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước; Nghị định số 117/2013/NĐ-CP ngày 7/10/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 71/2014/TTLT-BTC-BNV ngày 30/5/2014 của Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan Nhà nước.
Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 71/2014/TTLT-BTC-BNV:
- Kinh phí quản lý hành chính của các cơ quan thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí quản lý hành chính được xác định và được giao hàng năm theo Điểm a, Khoản 2, Điều 3 Thông tư liên tịch số 71/2014/TTLT-BTC-BNV: Khoán quỹ tiền lương theo số biên chế được cấp có thẩm quyền giao và khoán quỹ tiền lương của số lao động hợp đồng không xác định thời hạn đối với một số chức danh theo quy định của pháp luật được cấp có thẩm quyền phê duyệt; khoán chi hoạt động thường xuyên theo số biên chế được cấp có thẩm quyền giao và định mức phân bổ dự toán chi ngân sách Nhà nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Cách tính kinh phí tiết kiệm và nội dung sử dụng kinh phí tiết kiệm (bổ sung thu nhập cho cán bộ, công chức và người lao động, chi khen thưởng, chi cho các hoạt động phúc lợi tập thể, trích lập quỹ dự phòng để ổn định thu nhập cho cán bộ, công chức) được quy định tại Khoản 7 Điều 3 Thông tư liên tịch số 71/2014/TTLT-BTC-BNV; trong đó đã giao thủ trưởng cơ quan thực hiện chế độ tự chủ quyết định phương án sử dụng kinh phí tiết kiệm nêu trên trong quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan sau khi đã thống nhất ý kiến bằng văn bản với tổ chức công đoàn cơ quan.
- Đối với việc chi trả thu nhập tăng thêm, Khoản 8 Điều 3 Thông tư liên tịch số 71/2014/TTLT-BTC-BNV quy định như sau:
Trong phạm vi nguồn kinh phí tiết kiệm được, cơ quan thực hiện chế độ tự chủ được áp dụng hệ số tăng thêm quỹ tiền lương tối đa không quá 1,0 (một) lần so với tiền lương ngạch, bậc, chức vụ do Nhà nước quy định để trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức và người lao động.
Trên cơ sở tổng nguồn kinh phí được phép chi trên đây, cơ quan thực hiện chế độ tự chủ quyết định phương án chi trả thu nhập tăng thêm cho từng cán bộ, công chức và người lao động (hoặc cho từng bộ phận trực thuộc) theo nguyên tắc phải gắn với hiệu quả, kết quả công việc của từng người (hoặc từng bộ phận trực thuộc). Người nào, bộ phận nào có thành tích đóng góp để tiết kiệm chi, có hiệu suất công tác cao thì được trả thu nhập tăng thêm cao hơn; không thực hiện việc chia thu nhập tăng thêm cào bằng bình quân hoặc chia theo hệ số lương. Mức chi trả cụ thể do Thủ trưởng cơ quan quyết định sau khi thống nhất ý kiến với tổ chức công đoàn cơ quan.
Do vậy, đề nghị ông nghiên cứu quy định về xác định kinh phí tiết kiệm, quy định về chi trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức và lao động hợp đồng không xác định thời hạn đối với một số chức danh theo quy định của pháp luật được cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện theo đúng quy định hiện hành về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí quản lý hành chính.
Theo Chinhphu.vn