Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020
Gửi ý kiến đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, cử tri tỉnh Nam Định phản ánh, theo Nghị định số 31/2013/NĐ-CP thì chế độ mai táng phí đối với người có công từ trần mới chỉ giải quyết trợ cấp 1 lần bằng 3 tháng trợ cấp, phụ cấp cho các đối tượng là thân nhân chủ yếu. Thực tế, có những trường hợp Bà mẹ Việt Nam anh hùng chỉ có 1 con duy nhất là liệt sĩ (không còn thân nhân chủ yếu), như vậy quy định trên sẽ dẫn đến thiệt thòi cho đối tượng là người phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng khi có 1 con duy nhất là liệt sĩ.
Cử tri đề nghị cơ quan có thẩm quyền mở rộng chế độ giải quyết mai táng phí và trợ cấp 1 lần cho thân nhân là người phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Về vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
Về việc mở rộng chế độ giải quyết mai táng phí: Theo quy định tại Khoản 4, Điều 23 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ, khi Bà mẹ Việt Nam anh hùng chết, người tổ chức mai táng được nhận mai táng phí. Như vậy, khoản tiền hỗ trợ mai táng phí khi Bà mẹ Việt Nam anh hùng từ trần được chi trả cho người tổ chức mai táng, không bắt buộc phải là thân nhân của Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Về việc trợ cấp 1 lần cho thân nhân là người phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng: Theo quy định tại Khoản 4, Điều 23 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ, khi Bà mẹ Việt Nam anh hùng chết, đại diện thân nhân (cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con) được hưởng trợ cấp một lần bằng ba tháng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi.
Pháp lệnh ưu đãi Người có công với cách mạng chỉ quy định ưu đãi người có công và thân nhân vì thân nhân là người có quan hệ nuôi dưỡng trực tiếp với người có công. Bản thân Bà mẹ Việt Nam anh hùng cũng là thân nhân liệt sĩ. Do vậy, căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội hiện hành và tổng thể mặt bằng chính sách chung, chưa có cơ sở để bổ sung chế độ trợ cấp 1 lần đối với người phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng khi Bà mẹ Việt Nam anh hùng chết.
Theo Chinhphu.vn