Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020
Theo phản ánh của Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP. Hồ Chí Minh, Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định, phương tiện vi phạm khi chở hàng quá tải trọng trục sẽ bị xử phạt tối đa 16 triệu đồng và lái xe bị tước giấy phép lái xe 3-5 tháng. Quy định như vậy không phù hợp với điều kiện các phương tiện vận tải kinh doanh hàng hóa trong nước hiện nay. Hiệp hội kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét tạm ngừng việc xử phạt tải trọng trục từ ngày 1/1/2017.
Trường hợp vẫn duy trì việc xử phạt thì khi vi phạm 25-30% mới bị xử lý (thay vì mức 20% quy định trong Nghị định), đồng thời cơ quan chức năng sớm hướng dẫn thủ tục để các doanh nghiệp thực hiện.
Về phí sử dụng đường bộ, dự thảo thông tư thay thế Thông tư số 133/2014/TT-BTC vẫn giữ ở mức cao, ảnh hưởng đến giá thành vận tải của doanh nghiệp. Hiệp hội đề nghị Bộ Tài chính giảm 30% mức thu phí so với hiện nay.
Đối với việc thu phí đường bộ (BOT), khoảng cách các trạm thu phí chưa bảo đảm quy định là 70km, các thông tin về tổng mức đầu tư, thời gian thu phí, các tính thu phí chưa công khai, minh bạch, gây thắc mắc trong doanh nghiệp, nhân dân; cách tổ chức bán vé ở một số trạm thu chưa hợp lý. Đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ có liên quan xem xét, thực hiện đúng các quy định của Chính phủ và tình hình thực tế tại các địa phương.
Về vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải trả lời như sau:
Kiểm soát tải trọng xe để bảo vệ hạ tầng và an toàn giao thông
Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, mạng lưới đường bộ nước ta đã được đầu tư, phát triển vượt bậc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh quốc phòng của quốc gia; khi các công trình đường bộ hoàn thành đưa vào khai thác, công tác bảo đảm an toàn giao thông, duy trì tuổi thọ công trình đường bộ là một yêu cầu cấp thiết, đặc biệt trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn rất khó khăn.
Theo các quy chuẩn và tiêu chuẩn hiện hành, kết cấu áo đường được thiết kế theo tải trọng trục xe tính tiêu chuẩn; do đó, khi tuyến đường bị khai thác với tải trọng trục xe thực tế cao hơn tải trọng trục xe tính toán tiêu chuẩn là một trong những nguyên nhân chính gây ra hư hỏng áo đường và gây mất an toàn giao thông; vì vậy, để bảo đảm an toàn giao thông trong khai thác, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông và duy trì tuổi thọ công trình đường bộ, việc triển khai kiểm soát tải trọng trục xe là cần thiết, phù hợp với các cơ sở khoa học và quy định hiện hành.
Hiện nay, các quy định về quản lý, kiểm soát tải trọng trục xe đã được các cơ quan chức năng ban hành đầy đủ, cụ thể:
Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định, người điều khiển phương tiện phải tuân thủ các quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ và chịu sự kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ và công bố về tải trọng, khổ giới hạn của quốc lộ.
Thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành các quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ và công bố về tải trọng, khổ giới hạn của quốc lộ tại các Thông tư trước đây và hiện nay là Thông tư số 46/2015/TT–BGTVT ngày 7/9/2015.
Liên quan đến các quy định xử lý hành vi vi phạm về tải trọng trục xe, tại các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trước đây và hiện nay là Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã mô tả chi tiết và quy định cụ thể mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm về tải trọng trục xe. Trong quá trình xây dựng Dự thảo Nghị định, các quy định này cũng đã được Bộ Giao thông vận tải xin ý kiến các bộ, ngành và địa phương, đồng thời nhận được sự thống nhất về phương án triển khai thực hiện như trong Nghị định đã quy định.
Ngoài ra, để chỉ dẫn cho người tham gia giao thông biết và thực hiện các quy định về tải trọng trục xe khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ (QCVN41:2016/BGTVT) đã có mã biển số P.116 “ hạn chế tải trọng trên trục xe” và hướng dẫn vị trí cắm cụ thể biển này trên hệ thống đường bộ.
Trong thời gian vừa qua, để tháo gỡ khó khăn và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện tốt mục tiêu về kiểm soát tải trọng xe, Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo và kiến nghị Chính phủ sửa đổi nội dung quy định về xử phạt đối với hành vi “điều khiển xe ô tô mà tải trọng trục xe (bao gồm cả hàng hóa xếp trên xe, người được chở trên xe) vượt quá tải trọng cho phép của cầu đường” từ mức quá 10% đã bị xử phạt (quy định tại Nghị định số 171/2013/NĐ-CP) nâng lên mức vượt quá trên 20% mới bị xử phạt và cho phép kéo dài lộ trình bắt đầu thực hiện việc xử phạt đối với hành vi vi phạm này kể từ ngày 1/1/2017 (quy định tại Nghị định số 46/2016/NĐ-CP).
Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải cũng đã có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo cho phép cải tạo điều chỉnh vị trí chốt kéo, trục, cụm trục của sơ mi rơ moóc để tăng khối lượng toàn bộ, khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông mà vẫn bảo đảm quy định về tải trọng trục xe.
Giảm mức thu phí của 26 trạm thu phí BOT
Đối với kiến nghị về phí sử dụng đường bộ, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản gửi xin ý kiến của Bộ Tài chính để trả lời. Về vấn đề này, theo ý kiến của Bộ Tài chính, Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 của Chính phủ về quỹ bảo trì đường bộ đã quy định chủ phương tiện phải nộp phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện hàng năm.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thu, nộp phí và góp phần giảm khó khăn cho chủ phương tiện, trên cơ sở đề xuất của Bộ Giao thông vận tải, sau khi báo cáo Chính phủ, Bộ Tài chính đã dự thảo Thông tư gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương và đăng tải trên Trang Thông tin điện tử của Bộ Tài chính để lấy ý kiến của tổ chức, cá nhân theo quy định.
Tổng hợp tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 197/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện và Thông tư số 133/2014/TT-BTC ngày 11/9/2014 của Bộ Tài chính (thay thế Thông tư số 197/2012/TT-BTC). Trong đó, quy định, phí thu theo chu kỳ đăng kiểm ( 3, 6, 9, 12, 18, 24, 30 tháng). Trường hợp chu kỳ đăng kiểm dài hơn 12 tháng thì chủ phương tiện có quyền lựa chọn nộp theo năm (12 tháng), trường hợp nộp phí cho thời gian trên 12 tháng thì mức phí kể từ tháng 13 trở đi giảm 8% từ tháng 25 trở đi giảm 15%.
Trường hợp doanh nghiệp có số phí phải nộp từ 30 triệu đồng/tháng trở lên thực hiện khai nộp theo tháng.
Nguồn thu phí để sử dụng cho mục đích bảo trì đường bộ hàng năm, ngân sách Nhà nước còn phải cấp bổ sung. Tuy nhiên, cũng mới chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu chỉ bảo trì đường bộ.
Việc quy định khai, nộp phí theo chu kỳ đăng kiểm là phù hợp với thực tế hoạt động kinh doanh vận tải và quản lý, thu phí. Việc giảm như đề nghị của Hiệp hội sẽ giảm nguồn kinh phí phục vụ cho hoạt động bảo trì đường bộ, hệ thống đường giao thông xuống cấp, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh vận tải, tăng chi phí nhiên liệu và hao mòn phương tiện của chủ phương tiện, chi phí xã hội tăng cao.
Để giảm khó khăn cho hoạt động kinh doanh vận tải, thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP, trên cơ sở đề xuất của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư điều chỉnh giảm mức thu phí của 26 trạm thu phí BOT.
Về phí sử dụng đường bộ hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ, theo quy định Luật Phí và lệ phí thì phí sử dụng đường bộ hoàn vốn dự án BOT sẽ chuyển sang giá kể từ ngày 1/1/2017. Theo đó, Thông tư số 159/2013/TT-BTC ngày 14/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phí sử dụng đường bộ hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ và các thông tư quy định mức thu phí hoàn vốn các Dự án BOT sẽ hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2017.
Tại Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11/11/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá quy định, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ bao gồm đường quốc lộ, đường cao tốc các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do trung ương quản lý; quy định các trường hợp miễn, giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh áp dụng kể từ ngày 1/1/2017.
Trạm thu phí được xây dựng theo quy hoạch
Tại Khoản 2, Điều 2 Thông tư 159/2013/TT-BTC ngày 14/11/2014 nêu rõ:
“2. Trạm thu phí phù hợp với quy hoạch đường gắn với dự án do cơ quan có thẩm quyền quyết định, cụ thể:
a) Đối với đường quốc lộ, phải phù hợp với quy hoạch đường gắn với dự án và có quyết định thành lập trạm thu phí của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;
b) Đối với đường địa phương, phải phù hợp với quy hoạch đường gắn với dự án do HĐND cấp tỉnh quyết định. Văn bản ban hành quy hoạch mạng lưới trạm thu phí đường địa phương vầ quyết định thành lập trạm thu phí của UBND cấp tỉnh phải đồng thời gửi cho Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải chậm nhất sau 15 ngày kể từ ngày ban hành.
Trường hợp đường bộ đặt trạm thu phí không thuộc quy hoạch hoặc khoảng cách giữa các trạm thu phí không bảo đảm tối thiểu 70km trên cùng tuyến đường thì trước khi xây dựng trạm thu phí, Bộ Giao thông vận tải thống nhất ý kiến với UBND cấp tỉnh và Bộ Tài chính quyết định (đối với đường quốc lộ), UBND cấp tỉnh báo cáo HĐND cùng cấp quyết định (đối với đường địa phương)”.
Trong quá trình lập và phê duyệt dự án BOT, Bộ Giao thông vận tải đều có văn bản thỏa thuận với UBND cấp tỉnh, các bộ có liên quan về hình thức đầu tư dự án BOT và được UBND cấp tỉnh và bộ có liên quan thỏa thuận bằng văn bản. Trong quá trình triển khai thực hiện, trên cơ sở điều kiện địa hình thực tế từng dự án, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu nhà đầu tư chỉ đạo tư vấn kiểm tra khảo sát kỹ hiện trường để lựa chọn vị trí trạm thu phí phù hợp.
Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông vận tải, UBND cấp tỉnh và Bộ Tài chính thống nhất bằng văn bản trước khi xây dựng trạm thu phí theo đúng quy định tại Thông tư số 159/2013/TT-BTC. Khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, Bộ Tài chính ban hành thông tư thu phí áp dụng riêng cho từng trạm thu phí BOT, trên cơ sở Thông tư của Bộ Tài chính, nhà đầu tư tổ chức thực hiện.
Cũng theo quy định tại Thông tư số 159/2013/TT-BTC, không yêu cầu phải có quy hoạch trạm thu phí thì mới được thành lập trạm thu phí. Thông tư chỉ yêu cầu trạm thu phí phải phù hợp với quy hoạch đường, gắn với dự án do cơ quan thẩm quyền quyết định.
Về nội dung này, các dự án đầu tư BOT cầu, đường bộ do Bộ Giao thông vận tải triển khai thực hiện trong thời gian qua đều nằm trong quy hoạch mạng lưới đường bộ được phê duyệt; các dự án đầu tư đều được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức triển khai thực hiện.
Việc tiến hành nghiên cứu, lập kế hoạch tổng thể các trạm thu phí BOT trên các tuyến quốc lộ trên phạm vi toàn quốc là phù hợp và đã được Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch tổng thể các trạm thu phí trên hệ thống quốc lộ và cao tốc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tại Văn bản số 9921/BGTVT-ĐTCT ngày 30/7/2016, hiện nay Thủ tướng Chính phủ đang xem xét, phê duyệt quy hoạch.
Tất cả các trạm thu phí hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đều thực hiện theo đúng quy định nêu trên.
Ngoài ra, trong thời gian vừa qua, Bộ GTVT đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát, điều chỉnh vị trí, xóa bỏ, giảm phí đường bộ đối với các trạm thu phí trên hệ thống quốc lộ để bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đường. Hiện nay, trên hệ thống quốc lộ có một số trạm có khoảng cách < 70km chủ yếu thu phí cho các công trình đặc thù như cầu lớn, hầm đường.
Từ 2017, phí đường bộ dự án BOT chuyển sang giá dịch vụ
Đối với các thông tin về tổng mức đầu tư công trình, thời gian thu phí, cách tính thu thế nào từ từng dự án, Bộ Giao thông vận tải đã khai trương Cổng Thông tin điện tử (website) về các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) do Bộ quản lý tại địa chỉ http://ppp.mt.gov.vn, trong đó có đầy đủ thông tin các dự án như tổng mức đầu tư công trình, thời gian thu phí, cách tính thu của từng dự án... được công khai minh bạch, không có việc hạn chế thông tin về các nội dung này.
Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính luôn công khai các thông tin (nêu trên) trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí và trên hệ thống trang thông tin điện tử của Bộ. Ngoài ra, Bộ thường xuyên chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án BOT cũng như các cơ quan đơn vị có liên quan công khai minh bạch các thông tin này trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí và trên hệ thống trang thông tin điện tử, công khai tại phạm vi dự án và trạm thu phí của dự án... để nhân dân cả nước biết, giám sát thực hiện.
Về việc bán vé tháng, vé quý, theo quy định tại Thông tư số 159/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính, nhà đầu tư phải tổ chức bán vé tháng, vé quý rộng rãi cho mọi đối tượng có nhu cầu. Vé tháng, vé quý bán theo loại phương tiện tương ứng với mệnh giá ghi trên vé, và có ghi rõ thời hạn sử dụng, biển số phương tiện.
Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam thường xuyên có các văn bản đôn đốc, nhắc nhở, chấn chỉnh, kiểm tra và yêu cầu các nhà đầu tư bán kịp thời đầy đủ các loại vé (vé lượt, vé tháng, vé quý) theo quy định và yêu cầu của người mua.
Để khắc phục hạn chế trong việc vé tháng, vé quý sử dụng không đủ thời hạn hoặc chỉ sử dụng được trong thời hạn tháng và năm dương lịch như quy định tại Thông tư số 159/2013/TT-BTC trước đây. Khi triển khai thực hiện Luật Phí và lệ phí năm 2015, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT ngày 15/11/2016 quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ Giao thông vận tải quản lý. Theo quy định tại Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT đã và sẽ khắc phục các hạn chế nêu trên, cụ thể:
Vé tháng được phát hành theo thời hạn 30 ngày kể từ ngày có giá trị sử dụng và được in sẵn mệnh giá theo mức thu tháng quy định tương ướng với từng phương tiện. Mệnh giá vé tháng bằng 30 lần mệnh giá vé lượt. Vé tháng dùng để thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với phương tiện tham gia giao thông qua trạm trong thời hạn cụ thể ghi trên vé kể từ ngày có giá trị sử dụng vé đến ngày kết thức theo thời hạn cụ thể ghi trên vé.
Vé quý được phát hành theo thời hạn 90 ngày kể từ ngày có giá trị sử dụng và được in mệnh giá theo mức thu quý quy định tương ứng với từng phương tiện. Mệnh giá vé quý bằng 3 lần mệnh giá vé tháng và chiết khấu 10%. Vé quý dùng để thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với phương tiện tham gia giao thông qua trạm trong thời hạn cụ thể ghi trên vé kể từ ngày có giá trị sử dụng vé quý đến ngày kết thúc theo thời hạn cụ thể ghi trên vé
Ngoài ra, tại Thông tư này, Bộ Giao thông vận tải cũng đã giao trách nhiệm cho từng đơn vị. Theo đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ của các đơn vị thu và báo cáo Bộ Giao thông vận tải theo đúng quy định của pháp luật.
Đơn vị thu có trách nhiệm thông báo công khai, niêm yết các thông tin về mức giá, đối tượng thanh toán giá dịch vụ sử dụng đường bộ, đối tượng miễn giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại nơi bán vé và trạm thu theo quy định của pháp luật. Tổ chức các điểm bán vé thuận tiện cho chủ phương tiện và tránh ùn tắc giao thông; bán kịp thời, đầy đủ các loại vé cho mọi đối tượng có nhu cầu sử dụng dịch vụ. Thực hiện thu, kê khai, nộp, quản lý, sử dụng tiền bán vé theo quy định của pháp luật. Chấp hành các quy định về thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật về quản lý giá, giao thông đường bộ và các quy định pháp luật có liên quan.
Kể từ ngày 1/1/2017, căn cứ quy định tại Nghị định số 149/2016/NĐ-CP, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT ngày 15/11/2016 quy định về mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án BOT đã được chuyển từ “phí” sang “giá”.
Do vậy, đối với kiến nghị giảm giá thì Bộ Giao thông vận tải sẽ nghiên cứu rà soát chi phí đầu tư của các dự án, tính toán phương án tài chính của dự án nếu có thể giảm được giá thì sẽ phối hợp với các nhà đầu tư ký phụ lục hợp đồng thực hiện việc giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ.
Theo Chinhphu.vn