Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020
PHÒNG THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM Số: 1108/PTM – KHTH Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong quý II/2020 |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 16 tháng 07 năm 2020 |
Kính gửi: CHÍNH PHỦ
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trân trọng báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 trong quý 2/2020, cụ thể như sau:
I. TÌNH HÌNH TẬP HỢP VÀ TRẢ LỜI KIẾN NGHỊ DOANH NGHIỆP CỦA CÁC BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG
Trong quý 2/2020, VCCI thống kê có 213 kiến nghị mới của các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp (tăng 102 kiến nghị so với quý 1/2020). Tình hình tiếp nhận và giải quyết kiến nghị tính đến 30/06/2020 cụ thể như sau:
Phân loại theo bộ, ngành, địa phương cho thấy: Các bộ, ngành nhận được nhiều kiến nghị trong quý 2/2020 bao gồm: Bộ Tài chính: 69 kiến nghị; Ngân hàng Nhà nước: 38 kiến nghị; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: 18 kiến nghị; Bộ Giao thông Vận tải: 12 kiến nghị; Bộ Công thương: 11 kiến nghị; Bộ Thông Tin truyền thông: 10 kiến nghị; Bộ Kế hoạch và Đầu tư: 9 kiến nghị; Bộ Tài nguyên và Môi trường: 06 kiến nghị. Riêng nhóm 8 bộ, ngành trên nhận được 173 kiến nghị, chiếm 91 %. Còn lại là các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Ngoại giao; Công an; Khoa học Công nghệ, Quốc phòng, Xây dựng, Thanh tra Chính phủ, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Bảo hiểm Xã hội và các địa phương chiếm 9%. Nguyên nhân trong quý 2/2020 các kiến nghị của doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp tăng so với quý 1/2020 do doanh nghiệp đề xuất hỗ trợ khó khăn vướng mắc dưới tác động của dịch bệnh Covid-19 và phục vụ hội nghị trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phục hồi nền kinh tế ứng phó dịch Covid -19 diễn ra vào ngày 9/5/2020.
Nội dung chính trong các kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp quý 2/2020 chủ yếu đề xuất Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đưa ra các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và đề nghị hướng dẫn quy định của pháp luật để thực hiện. Ngoài ra còn một số kiến nghị về xây dựng pháp luật và một số vụ việc cụ thể của doanh nghiệp. Một số nội dung chính của kiến nghị bao gồm như sau:
- Bộ Tài chính nhận được nhiều nhất các kiến nghị của doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp với nội dung chủ yếu đề nghị có chính sách hỗ trợ khó khăn do bị ảnh hưởng dịch bệnh: áp dụng chính sách miễn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí cho doanh nghiệp theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ; cơ chế, chính sách hỗ trợ một số ngành bị ảnh hưởng nặng trực tiếp bởi dịch Covid-19 như ngành hàng không, dịch vụ, vận tải...; sớm ban hành Nghị định cho thực hiện ngay việc hồi tố với chi phí lãi vay khi tính thuế trong hai năm 2017, 2018 và cho phép chuyển tiếp thi phí trong thời hạn 5 năm (theo dự thảo sửa đổi Khoản 3, Điều 8, nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết); đề nghị giảm 50% tiền thuê đất phải nộp trong 02 năm 2020 và 2021 nhằm hỗ trợ, vực dậy các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn sau dịch bệnh; miễn thuế VAT cho việc mua bán cho thuê BĐS trong Quý I-II-III năm 2020, giảm 50% thuế VAT cho Quý IV và Quý I năm 2021, cho phép DN kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ nộp thuế.
Ngoài ra có một số kiến nghị hướng dẫn hoặc đề nghị xử lý các khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực thuế, hải quan: hướng dẫn trở thành đơn vị cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử; xác định hành vi vi phạm Luật Quản lý thuế; khấu trừ thuế GTGT của máy móc, thiết bị nhập khẩu thay thế; hướng dẫn hoàn thuế dự án đầu tư; Hướng dẫn áp dụng tăng giá hàng hóa khi đánh thuế nhập khẩu; phản ánh việc thay đổi cách lấy mẫu ảnh hưởng đến sự chậm trễ làm thủ tục và giao hàng; hướng dẫn việc nhà thầu phụ sử dụng danh mục miễn thuế của Chủ đầu tư; hướng dẫn các quy định của pháp luật liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân.
- Ngân hàng Nhà nước nhận được các kiến nghị liên quan đến chính sách tín dụng như: hỗ trợ doanh nghiệp vay trả lương cho người lao động với lãi suất 0% theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ; giảm sâu thêm từ 2-3% đối với khoản vay mới và vay hiện hữu (đến mức còn khoảng 4-5% đối với khoản vay tiền đồng và 2-3% đối với khoản vay USD) cho từng nhóm khách hàng có ảnh hưởng dịch bệnh khác nhau thông qua các biện pháp tái cấp vốn, tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng để tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại có nguồn vốn giá rẻ hơn để cho doanh nghiệp vay, mở rộng các biện pháp bảo đảm cho vay phù hợp với điều kiện thực tế của từng loại hình doanh nghiệp, nhất là các DNNVV, doanh nghiệp siêu nhỏ; cho phép doanh nghiệp được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ của Ngân hàng nhà nước chỉ đang áp dụng đối với các khoản vay VNĐ mà chưa áp dụng cho các khoản vay USD; có hướng dẫn hỗ trợ các khoản vay bằng USD đối với doanh nghiệp xuất khẩu và cho phép doanh nghiệp áp dụng vay hoán đổi; cho vay ưu đãi 0% đối với các doanh nghiệp ngành bán lẻ các thực phẩm thiết yếu do các doanh nghiệp cung cấp hàng lương thực thực phẩm phải tăng dự trữ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong dịch bệnh; cho doanh nghiệp bất động sản được cơ cấu lại nợ, giảm khoảng 30% lãi vay trong thời gian 12 tháng, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, không chuyển nhóm nợ xấu hơn khi đáo hạn theo tinh thần Thông tư 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước; cụ thể hóa chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để có giải pháp hạ lãi suất, có cơ chế bù lãi cho các Ngân hàng thương mại hoặc nới tăng trưởng tín dụng (có kiểm soát) để các ngân hàng tìm nguồn bù lại khoản đã hỗ trợ doanh nghiệp... Ngoài ra có một số kiến nghị hướng dẫn quy định chứng minh nguồn gốc tiền mặt để nộp vào tài khoản của người nước ngoài ở Việt Nam; quyết toán gói thầu trong hợp đồng trọn gói.
- Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chủ yếu nhận được kiến nghị đề nghị hỗ trợ trả lương, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, phí, lệ phí trong năm 2020 như: không điều chỉnh lương tối thiểu vùng cho năm 2021; trả lương cho người lao động bằng 40% lương tối thiểu vùng hoặc doanh nghiệp trả 60% lương và Chính phủ hỗ trợ 20%; có hướng dẫn cụ thể về trường hợp người lao động nghỉ việc, ngừng việc không hưởng lương trong thời gian dịch bệnh để người lao động giữ nguyên việc làm; cho phép người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận trả lức lương thấp hơn mức tiền lương tối thiểu vùng trong thời gian dịch bệnh, được phép giảm giờ làm và trả lương tương ứng với giờ làm việc; cho phép người lao dộng được hưởng bảo hiểm thất nghiệp toàn phần đối với các doanh nghiệp bị đóng cửa để giữa chân người lao động; cho phép áp dụng sớm điều khoản của Bộ Luật lao động 2019 (có hiệu lực 2021): Khi bị thiên tai dịch bệnh do điều kiện khách quan, cho phép doanh nghiệp được trả lương cho người lao động ở mức tối thiểu 14 ngày, sau đó có thể trả thấp hơn theo thỏa thuận; sửa đổi chế độ cho đối tượng ngừng việc theo khoản 2, điều 98 Bộ Luật lao động cũng được hưởng mức trợ cấp theo quy định tại Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ; gia hạn giấy phép lao động, visa cho lao động nước ngoài đã nhập cảnh vào Việt Nam trước thời điểm dịch bệnh bùng phát; có quy định hướng dẫn cụ thể về trường hợp nơi làm việc bị đình chỉ tạm thời, hoặc đình chỉ kinh doanh do phong tỏa, cho phép doanh nghiệp cho người lao động nghỉ không lương mà không cần thỏa thuận. Ngoài ra có kiến của doanh nghiệp, Hiệp hội bệnh viện tư nhân kiến nghị bổ sung trường hợp ngành y tế, trực tiếp là cán bộ, nhân viên y tế là đối tượng đặc thù, có tính chất đặc biệt vào dự thảo Nghị định hướng dẫn Bộ Luật lao động về giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được các kiến nghị của doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp đề nghị hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật, cụ thể:
+ Hướng dẫn thủ tục thuê đất nằm ngoài quy hoạch; hướng dẫn thay đổi nhà đầu tư thực hiện dự án, chuyển nhượng dự án đầu tư; hướng dẫn ký hợp đồng và ủy quyền cho chi nhánh; hướng dẫn thực hiện quy định của Giấy chứng nhận đầu tư, thời hạn thuê xưởng thực hiện dự án đầu tư; hướng dẫn thủ tục cấp phép hoạt động thương mại điện tử cho nhà đâu tư nước ngoài.
+ Các vấn đề chưa rõ trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu qua mạng; hướng dẫn chuyển nhượng dự án đầu tư; thanh toán hạng mục chung trong hợp đồng trọn gói; phản ánh việc không đồng bộ, thống nhất về yêu cầu chuẩn bị hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp; hướng dẫn đặt tên cho doanh nghiệp; phản ánh việc Cục đăng ký kinh doanh chưa cập nhật địa giới hành chính trên hệ thống đăng ký kinh doanh quốc gia; Tiếp cận vay vốn ưu đãi Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
+ Giãn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư kinh doanh, nhất là với nhà đầu tư nước ngoài do điều kiện dịch bệnh không thể vào Việt Nam để hoàn thành các thủ tục đúng thời gian theo quy định.
- Các kiến nghị gửi đến Bộ Xây dựng đều đề nghị hướng dẫn thực hiện pháp luật về các nội dung: Hướng dẫn ban hành “Quy chuẩn 4 bước“ về thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở có quỹ đất hỗ hợp theo quy định pháp luật hiện hành, bước 1: lập thủ tục, bước 2: lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, bước 3: lập thủ tục giao thuê đất, chuyển mục đích sử dụng, bước 4: cấp giấy phép xây dựng; sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 23 Luật nhà ở để phù hợp với khoản 1 Điều 169 và khoản 2 Điều 191 Luật đất đai và đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; có Thông tư hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp thực hiện các dự án nhà ở xã hội cho người lao động trong khu công nghiêp đạt hiệu quả tích cực, góp phần an sinh xã hội, ổn định đời sống cho người lao động, đúng với tinh thần Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 25/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ; có văn bản hướng dẫn chi tiết thực hiện khoản 1 Điều 17 Nghị định 69/2019/NĐ-CP để giúp cho nhà đầu tư được thanh toán theo hợp đồng BT.
- Trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên – Môi trường nhận được các nội dung kiến nghị gồm: Sớm ban hành Nghị định sửa đổi,bổ sung chi tiết thi hành Luật đất đai, trong đó bổ sung hình thức “giao đất” đối với thửa đất do nhà nước quản lý xen cài trong dự án nhà ở; sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 23 Luật nhà ở, thay thế từ “đất ở” bằng từ “đất” hoặc cụm từ “đất ở và các loại đất khác” để đảm bảo sự thống nhất giữa Luật Nhà ở với Luật đất đai; yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện nghiêm túc Nghị định 118/2015/NĐ-CP quy định không bắt buộc ký quỹ từ 1-3% tổng vốn đầu tư đối với dự án mà nhà đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;
- Bộ Y tế nhận được các kiến nghị: Hướng dẫn cấp phép hoạt động phòng khám chữa bệnh và chứng chỉ hành nghề; hướng dẫn thủ tục đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường tại cơ sở y tế; hướng dẫn đăng ký công việc sản phẩm phụ gia thực phẩm.
Một kiến nghị nổi bật trong lĩnh vực y tế đó là sự không thống nhất trong thực hiện chính sách pháp luật về Bảo hiểm y tế, theo Bộ Y tế việc thanh toán chi phí dịch vụ phẫu thuật, thủ thuật sử dụng phương pháp gây tê, gây mê đã được quy định tại Luật khám chữa bệnh ngày 23/11/2009, Luật giá ngày 20/6/2012. Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT ngày 13/6/2014. Bộ Y tế đã có công văn số 6439/BYT-KH-TC ngày 31/10/2019 đề nghị BHXH chỉ đạo cơ quan BHXH các cấp tiếp tục thực hiện việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho các cơ sở Khám chữa bệnh theo đúng mức giá đã quy định tại Thông tư số 39/2018/TT-BHYT ngày 30/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định thống nhất áp dụng giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trong toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí KCB BHYT trong một số trường hợp và Thông tư số 13/2019/TT-BHY ngày 5/7/2019 của Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2018/TT-BYT. Tuy nhiên BHXH không thống nhất theo đề nghị của Bộ Y tế mà cho rằng hai phương pháp vô cảm gây tê, gây mê khác nhau về kỹ thuật và chi phí thực hiện, chính vì vậy trong Thông tư số 39/2018/TT-BHYT có những phẫu thuật, thủ thuật được quy định mức giá riêng khi áp dụng phương pháp vô cảm gây mê hoặc gây tê. Do đó, việc Bộ Y tế yêu cầu cơ quan BHXH và người dân thanh toán chi phí của các loại phẫu thuật, thủ thuật sử dụng phương pháp vô cảm gây tê bằng mức giá của phẫu thuật, thủ thuật có kết cấu thuốc gây mê là không hợp lý. Đề nghị Bộ Y tế thống nhất với Bảo hiểm Xã hội phương pháp thanh toán chi phí của các phẫu thuật, thủ thuật sử dụng phương pháp vô cảm gây mê, gây tê cho các cơ sở y tế hiện nay, bởi nếu tiếp tục có sự thiếu thống nhất như trên sẽ dẫn đến việc nhân viên y tế phải cân nhắc lựa chọn dịch vụ kỹ thuật, ảnh hưởng đến quá trình điều trị và tính mạng của bệnh nhân.
Ngoài ra, Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham) kiến nghị cho phép các giấy đăng ký lưu hành hết hiệu lực từ ngày 01/7/2020 được tiếp tục duy trì cho đến khi được cấp gia hạn 5 năm đối với các Công ty dược phẩm.
- Các Bộ: Công thương, Thông tin Truyền thông, Giao thông Vận Tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tư pháp, Tổng Liên đoàn lao động VN, Bảo hiểm xã hội nhận được kiến nghị chủ yếu đề nghị hỗ trợ chính sách về bảo hiểm xã hội, phí công đoàn, phí vận tải và xuất khẩu, cụ thể: tạm dừng các khoản đóng góp của người sử dụng lao động và người lao động vào quỹ công đoàn, bảo hiểm xã hội bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đến hết tháng 12/2020. Đề xuất giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống còn 0,5% ít nhất trong thời hạn 6 đến 12 tháng; giảm mức đóng kinh phí công đoàn từ 2% xuống còn 1% trước mắt cho năm 2020; giảm thêm 30% giá dịch vụ bốc dỡ container trong khung giá dịch bệnh; giảm 50% phí thuê bao cho các giói cước giám sát hành trình chuyên dùng cho phương tiện vận tải và giảm 40% phí thuê điểm đặt, vận hành, bảo trì, quản lý máy chủ cho các đơn vị giám sát hành trình trong thời gian từ 6-9 tháng; chấp nhận kết quả đánh giá COP hoặc chứng chỉ ISO 9001 được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền nước ngoài còn hiệu lực để thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận chất lượng cho xe và linh kiện nhập khẩu; Hướng dẫn về hàng thực phẩm không có trong danh mục phải kiểm tra an toàn thực phẩm; xử lý xung đột pháp luật trong cấp phép hoạt động thương mại điện tử áp dụng cho nhà đầu tư nước ngoài.
- Các kiến nghị doanh nghiệp gửi đến các địa phương chủ yếu đề nghị tháo gỡ khó khăn cụ thể doanh nghiệp gặp phải trong hoạt động sản xuất, kinh doanh như: hỗ trợ doanh nghiệp được thuê đất để thực hiện dự án trang trại trồng dứa, rau màu theo hướng công nghệ sinh thái tại Tiền Giang; ban hành quy trình thủ tục đầu tư xây dựng đối với dự án nhà ở thương mại, dự án nhà ở xã hội có quy đất hỗ hợp, phù hợp với quy định pháp luật và thực tiễn ở TP. Hồ Chí Minh; hỗ trợ Công ty TNHH Thái Bình 1 bỏ biển cấm xe tải trọng trên 5 tấn trên tuyến đường Đinh Quang Ân thuộc phường Phước Tân, Biên Hòa – Đồng Nai để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa; Công ty CP kho vận ngoại thương Hải Phòng và Công ty TNHH Sơn Trường kiến nghị UBND TP. Hải Phòng giảm thuế thuê đất cho doanh nghiệp…
Ngoài ra có một số kiến nghị về cải cách thủ tục hành chính và thúc đẩy thực thi chính sách cụ thể đối với một số ngành, lĩnh vực cụ thể, VCCI đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 0619/PTM-KHTH ngày 07/5/2020.
- Trong quý 2/2020, VCCI nhận được 36 văn bản trả lời kiến nghị doanh nghiệp của các bộ, ngành, địa phương. Các văn bản này đã được VCCI đăng tải đầy đủ trên Website của VCCI.
Qua theo dõi của VCCI, từ 1/4/2020 đến hết 30/06/2020, còn 177 kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp chưa được các bộ, ngành, địa phương trả lời. Các bộ, ngành có nhiều kiến nghị chưa được trả lời gồm: Bộ Tài chính 29 kiến nghị; Ngân hàng Nhà nước 29 kiến nghị; Bộ Lao động và Thương binh, Xã hội 18 kiến nghị; Bộ Công thương 13 kiến nghị; Bộ Giao thông Vận tải 9 kiến nghị; Bộ Kế hoạch và Đầu tư 08 kiến nghị; Bộ Thông tin Truyền thông 7 kiến nghị; Bộ Tài nguyên và Môi trường 06 kiến nghị; Bộ Y tế , Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Công an và Bộ Xây dựng, Bộ Quốc phòng, Thanh tra Chính phủ, Tổng liên đoàn lao động, Bảo hiểm xã hội VN mỗi nơi nhận được từ 01 đến 03 kiến nghị. Các địa phương bao gồm UBND các tỉnh, thành phố : Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Kiên Giang, Phú Yên, đều nhận được các kiến nghị, trong đó TP. Hà Nội nhận được 03 kiến nghị, còn lại là các địa phương.
Chi tiết các kiến nghị chưa được trả lời và trách nhiệm giải quyết của các bộ, ngành, địa phương được trình bày trong Phụ lục 4 gửi kèm theo báo cáo.
- Nhìn chung các bộ ngành đã chủ động tiếp nhận và giải quyết kịp thời kiến nghị của doanh nghiệp do Văn phòng Chính phủ và VCCI chuyển tới khá đầy đủ, kịp thời, đúng thời hạn theo phiếu chuyển của Văn phòng. Tuy nhiên, còn một số bộ ngành trả lời, giải quyết các kiến nghị doanh nghiệp chưa kịp thời và đúng thời hạn theo phiếu chuyển của Văn phòng Chính phủ do liên quan đến việc hướng dẫn chính sách pháp luật nên cần phải có thời gian nghiên cứu và hoặc phải trình Chính phủ, Quốc hội cho ý kiến.
VCCI cũng tiến hành điều tra, khảo sát ý kiến của 500 doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp về chất lượng trả lời kiến nghị của các bộ ngành, địa phương trong thời gian qua. Kết quả khảo sát cho thấy, đối với việc trả lời kiến nghị của các bộ, ngành có: 51,1% doanh nghiệp trả lời hài lòng và rất hài lòng, 48,9% doanh nghiệp trả lời chưa hài lòng. Tỉ lệ doanh nghiệp cảm thấy chưa hài lòng năm nay tăng lên khá cao (17,5%) so với tỷ lệ 31,43% của cùng kỳ năm 2019. Đối với việc giải quyết kiến nghị của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có: 57,4% doanh nghiệp trả lời hài lòng và rất hài lòng, 42,6% doanh nghiệp trả lời chưa hài lòng (tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2019). Về lí do chưa hài lòng: có đến 61,7% doanh nghiệp trả lời câu trả lời quá chung chung, giải thích mà không giải quyết kiến nghị; 17% doanh nghiệp cho rằng cần phải sửa đổi các quy định của pháp luật mới giải quyết được, nhưng việc sửa đổi tiến hành chậm; có tới 19,1% doanh nghiệp phản án cơ quan chức năng chỉ ghi nhận kiến nghị mà không giải quyết; cá biệt có 12,8% doanh nghiệp phản ánh cơ quan chức năng trả lời không đúng nội dung kiến nghị... Đồng thời, VCCI tiếp tục phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố tổng hợp tình hình thực hiện các cam kết và chương trình hành động thực hiện cam kết đã ký giữa VCCI và UBND các tỉnh, thành phố về việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp theo tinh thần của Nghị quyết 35/NQ-CP.
Đề nghị Văn phòng Chính phủ tiếp tục có ý kiến với các bộ, ngành, địa phương có giải pháp giải quyết dứt điểm các kiến nghị của doanh nghiệp đặc biệt là các kiến nghị tồn đọng từ đầu tháng 4 năm 2020.
II. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 35/NQ-CP CỦA VCCI
Trong quý 2/2020, VCCI đã triển khai các nhiệm vụ được giao như sau:
- VCCI đã tham gia ý kiến đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật: Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động; Nghị định Quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Hội đồng Tiền lương quốc gia; Nghị định Quy định về tuổi nghỉ hưu và điều kiện hưởng lương hưu; Nghị định về Quản lý lao động, hợp đồng lao động, tiền lương, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất; Nghị định Quy định người lao động là người giúp việc cho gia đình; Nghị định Quy định về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; Nghị định Quy định về người Việt Nam làm việc cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam; Thông tư hướng dẫn về Đăng ký thuế; Thông tư Quy định về trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng; Thông tư về Quy hoạch băng tần cho hệ thống di động IMT; Thông tư sửa đổi bổ sung Thông tư số 152/2015/TT-BTC hướng dẫn về thuế tài nguyên; Thông tư về phí, lệ phí; Vấn đề quy định hộ kinh doanh trong dự thảo Luật Doanh nghiệp; dự thảo Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định quy định về phối hợp, liên thông thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, khai trình lao động, cấp mã số đơn vị bảo hiểm xã hội, sử dụng hóa đơn đặt in, tự in; Nghị định về hóa đơn, chứng từ; Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 89/2013/NĐ-CP về thẩm định giá; Thông tư quy định về lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng; Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 45/2017/TT-BTC ngày 12/5/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định khung thù lao dịch vụ đấu giá tài sản theo quy định tại Luật đấu giá tài sản; Thông tư sửa đổi Thông tư 302/2016/TT-BTC hướng dẫn về lệ phí môn bài… (Nội dung chi tiết các ý kiến đóng góp được cập nhật tại: http://vibonline.com.vn/tim-kiem-y-kien-vcci).
- Góp ý dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ Quy định về việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19; Hướng dẫn đánh giá nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch Covid-19 tại cơ sở sản xuất kinh doanh; Đề án " Kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động của Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam"…
- Phối hợp với Tổng cục Hải quan (TCHQ) và dự án Tạo thuận lợi thương mại của USAID (TFP) triển khai Khảo sát “Đánh giá mức độ hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các dịch vụ công thông qua Cơ chế một cửa quốc gia”.
- Hoàn thành 03 chuyên đề: “Tác động của dịch cúm Covid-19 đến kinh tế thế giới và Việt Nam, đề xuất giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp”; “Sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam so với thế giới”; “Thực trạng thu hút vốn FDI ở Việt Nam và những vấn đề đặt ra”.
- Thực hiện cuộc khảo sát các doanh nghiệp vùng Duyên hải miền Trung nhằm đánh giá thực trạng và đề xuất các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tăng cường tiếp cận tín dụng thông qua nâng cao năng lực quản trị và minh mạch hoạt động tài chính; Khảo sát các doanh nghiệp nhỏ và vừa khu vực Đông Nam Bộ trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo thông qua tuyên truyền, phổ biến Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ khởi nghiệp sáng tạo cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; Khảo sát các doanh nghiệp thuộc khu vực Bắc Trung bộ để phân tích, đánh giá thực trạng và đề xuất các biện pháp tăng cường khả năng tham gia thị trường và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng góp phần phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
- VCCI phối hợp với các đối tác tổ chức các hoạt động lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP): Tọa đàm trực tuyến lấy ý kiến góp ý của các nhà đầu tư nước ngoài đối với dự Luật PPP, Tọa đàm Góp ý dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư về nội dung Hợp đồng PPP và xử lý vi phạm. Phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch VCCI cho rằng dự Luật PPP cần đáp ứng được nhu cầu tăng đầu tư để thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng cũng như các dịch vụ công của nền kinh tế; đảm bảo môi trường cạnh tranh về nguồn vốn đầu tư của Việt Nam, đặc biệt so với các nước trong khu vực; cần đảm bảo tính ổn định cho các khung khổ pháp lý dài hạn nhưng vẫn có cơ chế triển khai linh hoạt, phù hợp với sự thay đổi từ tình hình thực tiễn.
- Phối hợp với Cơ quan Viện trợ phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019. Báo cáo được xây dựng từ kết quả khảo sát của 12.400 doanh nghiệp dân doanh từ 63 tỉnh, thành phố và trên 1.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại 21 tỉnh, thành phố. Báo cáo PCI 2019 cho thấy những xu hướng tích cực trong cải cách ở cấp địa phương, thể hiện sự năng động, sáng tạo của chính quyền cấp tỉnh gia tăng, công tác giải quyết khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp có nhiều tiến bộ, môi trường kinh doanh bình đẳng hơn, tính minh bạch được cải thiện, cơ chế pháp lý và an ninh trật tự được củng cố. Đặc biệt, chi phí không chính thức của doanh nghiệp tiếp tục giảm. Báo cáo PCI 2019 đánh dấu 15 năm VCCI phối hợp với các đối tác triển khai báo cáo đánh giá chất lượng điều hành kinh tế của các địa phương dưới góc nhìn doanh nghiệp, góp phần chuyển tải các thông điệp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp tới chính quyền các cấp về yêu cầu cải thiện chất lượng điều hành, cải cách thủ tục hành chính và tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
- VCCI ký Thỏa thuận hợp tác với Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI). Thông qua Thoả thuận hợp tác, VCCI và VARSI sẽ phối hợp trong việc hoàn thiện, phát triển cơ chế chính sách, quy định pháp luật để hỗ trợ cho các doanh nhân, doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững trong quá trình hội nhập. Đồng thời, hai bên cũng sẽ hợp tác thực hiện các hoạt động thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng nói chung và đầu tư theo phương thức công tư nói riêng, cụ thể như: nâng cao nhận thức, tư vấn, tăng cường năng lực, truyền thông, xúc tiến và kết nối các dự án PPP; trao đổi kinh nghiệm giữa các bên trong việc xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP; phối hợp tổ chức hoạt động nâng cao năng lực của Hiệp hội nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Hiệp hội và hỗ trợ hội viên. Ngoài ra, VCCI và VARSI dự kiến cùng phối hợp tổ chức nhiều hoạt động phát triển văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân thông qua các tọa đàm, hội thảo tăng cường giao lưu, kết nối trong cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
- Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc chủ trì cuộc họp Hội đồng Kinh doanh Đông Á (EABC) lần thứ 47 với vai trò là Chủ tịch EABC năm 2020. Cuộc họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP), Kinh tế số và hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME). Qua thảo luận các vấn đề trọng tâm, Chủ tịch VCCI kết luận: (1) Về tiến trình RCEP, Hội đồng khuyến nghị các Chính phủ đẩy nhanh tiến trình hoàn tất và ký kết Hiệp định, nhấn mạnh lại nguyên tắc đồng thuận và sự tham gia đầy đủ của tất cả các quốc gia trong đó có Ấn Độ - một nền kinh tế giàu tiềm năng và là một đối tác quan trọng trong khu vực; (2) Về kinh tế số, Hội đồng nhất trí đẩy mạnh hợp tác của khu vực tư nhân trong chia sẻ thông tin, lan tỏa các thực tiễn tốt và thiết lập nền tảng để thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp và trong nền kinh tế, Hội đồng đánh giá cao sự hợp tác của JETRO (Nhật Bản) với VCCI trong sáng kiến triển khai Dự án Digital STARS, hướng tới xây dựng mạng lưới khởi nghiệp ASEAN cho các Startup; (3) Về phát triển MSMEs, Hội đồng cam kết sẽ tiếp tục các sáng kiến thúc đẩy phát triển MSMEs, trong đó có việc xây dựng bộ sách điện tử hướng dẫn về thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại, thúc đẩy thương mại điện tử, tăng cường tiếp cận tín dụng cho MSMEs. Kỳ họp Hội đồng doanh nghiệp Đông Á lần thứ 48 dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 8/2020.
- Chủ tịch VCCI tham dự và đồng chủ trì Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển”. Tới dự có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các đại biểu và hơn 1200 nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, trong đó có nhiều doanh nghiệp tham dự để nhận quyết định chủ trương đầu tư dự án hoặc đề xuất đầu tư dự án mới trên địa bàn TP. Hà Nội. Tại hội nghị, TP. Hà Nội đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 229 dự án, với tổng số vốn 405.458 tỷ đồng (tương đương 17,6 tỷ USD) với số vốn tăng thêm 270.458 tỷ đồng. Tổng số dự án, số vốn tăng, tương ứng gấp 5 lần và 11 lần so với Hội nghị xúc tiến đầu tư 2016. Đồng thời, TP cùng các nhà đầu tư ký kết 38 biên bản ghi nhớ với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 28,6 tỷ USD. Bên cạnh đó, đại biểu lãnh đạo các bộ ngành, tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp sẽ cùng nhau trao đổi, đề xuất các giải pháp thu hút hiệu quả các dự án hợp tác đầu tư trên địa bàn Hà Nội, nhằm đóng góp cho sự phát triển nhanh, bền vững của thủ đô cũng như cả nước trong thời gian tới.
- VCCI với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Tư vấn kinh doanh ASEAN (ASEAN BAC) 2020, phối hợp với các Hội đồng Doanh nghiệp Hỗn hợp ASEAN và các nước đối tác đã tổ chức thành công Hội nghị trực tuyến với Hội đồng Doanh nghiệp Hỗn hợp ASEAN-New Zealand. Chủ trì hội nghị có Phó Chủ tịch VCCI Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp ASEAN-New Zealand Lester Khoo, Giám đốc Điều hành Hội đồng Doanh nghiệp ASEAN-New Zealand Liz Bell và Ban Thư ký Hội đồng ASEAN BAC, ASEAN-New Zealand. Hội nghị tập trung thảo luận về các nội dung liên quan đến xúc tiến du lịch giữa New Zealand và các nước trong khối sau đại dịch, tháo gỡ rào cản phi thuế quan, giáo dục và đào tạo, các phương thức và loại hình kinh doanh mới. Hai bên nhất trí cùng phối hợp triển khai các hoạt động nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, giáo dục, du lịch, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật số để giảm chi phí, tăng năng suất, và mở rộng khả năng phát triển thị trường, tham gia sâu rộng hơn vào thị trường của nhau. Tại hội nghị, Chủ tịch ASEAN BAC đã thông tin về sự kiện Hội nghị Thượng đỉnh về Kinh doanh và Đầu tư ASEAN (ASEAN BIS) 2020 và gửi lời mời tham dự tới các đại biểu.
- Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI) tổ chức thành công Kỳ họp Ban Chấp hành hành VBCSD Nhiệm kỳ 2020 – 2023. Trong khuôn khổ buổi làm việc, ban tổ chức đã bầu ra Ban thường trực VBCSD nhiệm kỳ IV (2020-2023). Theo đó, Chủ tịch VBCSD là TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); đồng Chủ tịch VBCSD là ông Binu Jacob - Tổng giám đốc, Công ty TNHH Nestle Việt Nam; Phó Chủ tịch điều hành kiêm Tổng Thư ký VBCSD là ông Nguyễn Quang Vinh - Tổng Thư ký VCCI. Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi gặp gỡ với VBCSD. Phó Thủ tướng đánh giá cao những nỗ lực bền bỉ, tư duy sáng tạo, tinh thần chủ động của VBCSD trong nhiều năm qua, đồng thời đề nghị Hội đồng cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa những lợi thế đang có, tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp bền vững.
- Chuẩn bị cho Hội nghị trực tuyến và truyền hình trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp cả nước với chủ đề: “Tái khởi động nền kinh tế để vượt qua dịch bệnh”, VCCI đã chuẩn bị Báo cáo về tình hình hoạt động và kiến nghị của các doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp trình bày tại Hội nghị quan trọng này. Báo cáo tập hợp 9 nhóm kiến nghị với gần 100 kiến nghị cụ thể của doanh nghiệp đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong và sau dịch bệnh, đóng góp vào giai đoạn tái khởi động nền kinh tế.
-Tổ chức 02 hội nghị trực tuyến Hội đồng Trung ương các Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam nhằm tiếp tục thu thập ý kiến, đề xuất từ doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch COVID-19. Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Hội đồng Trung ương các Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam chủ trì hội nghị với sự tham dự của hơn 250 đại biểu đại diện các Hiệp hội trong cả nước. Hội nghị diễn ra nhằm tiếp tục triển khai các Nghị quyết của Chính phủ và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và kiến nghị, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời cùng với các Hiệp hội triển khai nền tảng trực tuyến chung để phối hợp hoạt động và thực hiện các chương trình khảo sát doanh nghiệp trong từng địa phương, từng ngành hàng và trên phạm vi cả nước. Tại hội nghị, đại diện các Hiệp hội trong cả nước đã chia sẻ những khó khăn mà cộng đồng doanh nghiệp đã gặp trong mấy tháng qua do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và bàn giải pháp để hỗ trợ hội viên vượt qua khủng hoảng trong thời gian tới. Nhìn chung, các ý kiến nhận định đa số doanh nghiệp đang rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn, trừ một số lĩnh vực ít chịu ảnh hưởng của dịch bệnh như vệ sinh công nghiệp, thiết bị y tế…Các đại biểu cũng nhấn mạnh giải pháp trước mắt là doanh nghiệp phải tự nỗ lực cứu mình, đồng thời phát huy vai trò của Hiệp hội trong việc ưu tiên dùng hàng hoá của nhau, chia sẻ giúp đỡ nhau cùng vượt qua khó khăn. Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng chỉ ra những giải pháp để nhanh chóng tiếp cận, tận dụng những gói cứu trợ của Chính phủ sao cho hiệu quả nhất.
- Phối hợp với Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam, Phòng Thương mại Ấn Độ tại Việt Nam, Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ tổ chức Hội thảo “Kết nối doanh nghiệp trực tuyến Việt Nam - Ấn Độ năm 2020”. Hội nghị có sự tham gia và chủ trì của Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, Phó Chủ tịch VCCI cùng hơn 150 doanh nghiệp hai nước. Ấn Độ và Việt Nam có nhiều tiềm năng thúc đẩy hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực chế biến thực phẩm, dược phẩm, mía đường, năng lượng, khoáng sản, mía đường. Nhiều doanh nghiệp hàng đầu của Ấn Độ đã sang Việt Nam đầu tư và thu được kết quả tích cực. Hai nước đang nỗ lực đẩy mạnh quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư, phấn đấu đạt 20 tỷ USD vào năm 2025 và đưa Việt Nam vào tốp 10 đối tác thương mại lớn của Ấn Độ (từ vị trí 16 hiện nay).
- Tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Ngân hàng số và thanh toán điện tử: gợi mở từ khủng hoảng Covid-19” tại Hà Nội, nhằm thúc đẩy công cuộc số hóa nền kinh tế và số hóa doanh nghiệp, đẩy mạnh thương mại điện tử trong bối cảnh hậu Covid-19. Nhiều ý kiến tại Tọa đàm đồng tình rằng với 70 tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt nam, chưa kể các đơn vị trung gian thanh toán (như ví điện tử) đã triển khai cung ứng các dịch vụ thanh toán qua internet, thanh toán qua điện thoại di động so với quy mô của nền kinh tế thì vẫn còn khiêm tốn. Để thúc đẩy kinh tế số, cần chú trọng các biện pháp thu hút khách hàng tham gia ngân hàng số, đồng thời ngân hàng cần sớm xây dựng và triển khai đồng bộ các giải pháp và công cụ thanh toán dựa trên nền tảng số đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế, doanh nghiệp và khách hàng cá nhân.
- Tổ chức một số hội nghị, hội thảo trực tuyến, hoạt động đào tạo online theo chuyên đề: Hội nghị giữa VBA và Hội đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư tại Tp.HCM về giải pháp cho doanh nghiệp vượt qua tác động của đại dịch Covid-19; Toạ đàm “Cơ chế chia sẻ rủi ro trong các dự án PPP”; tổ chức 02 khóa đào tạo trực tuyến “Hướng dẫn doanh nghiệp áp dụng Cơ chế kiểm soát nội bộ và Bộ Quy tắc ứng xử trong kinh doanh” cho các doanh nghiệp tại Đà Nẵng…
- Xây dựng Đề án “Nhân rộng Bộ chỉ số CSI giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn 2030”.
- Tiếp tục làm việc với các đối tác Mạng lưới ASEAN về phát triển bền vững (CSR-ASEAN network), Hội đồng doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Thế giới (WBCSD), đại diện Bộ Kế hoạch & Đầu tư về triển khai Sáng kiến Diễn đàn hợp tác cấp cao vì mục tiêu xanh toàn cầu 2030 (P4G) giai đoạn mới…
- Tiếp tục làm việc với Đại sứ quán Anh và Tổ chức UNDP về kế hoạch triển khai Chương trình thúc đẩy liêm chính trong kinh doanh năm 2020.
- Phối hợp với VNPT triển khai dự án Khởi nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam.
- Xây dựng Đề án hỗ trợ pháp lý cho DNNVV khu vực Miền Trung và Tây nguyên giai đoạn 2021-2026.
- Tiếp tục phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và các cơ quan liên quan triển khai Cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế”, chuẩn bị công tác chấm điểm và tổ chức lễ trao giải.
VCCI tiếp tục thực hiện các công tác thường xuyên về xúc tiến thương mại, đầu tư, đào tạo và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, hội nhập:
- Triển khai Đề án xây dựng Bộ chỉ số “Sức khỏe doanh nghiệp”: thực hiện Khảo sát trực tuyến về động thái doanh nghiệp Việt Nam (Vbis 2020).
- Phối hợp với Hiệp hội Logistic (VLA) xây dựng kế hoạch triển khai chỉ số logistic cấp tỉnh của Việt Nam.
- Hoàn thiện Cẩm nang Hướng dẫn áp dụng kiểm soát nội bộ và Bộ Quy tắc ứng xử trong doanh nghiệp; Cẩm nang Hướng dẫn doanh nghiệp về sở hữu trí tuệ; Green book về PPP; Cẩm nang cam kết FTA cho ngành gỗ, thuỷ sản, thịt; Cẩm nang Tóm lược EVFTA.
- Tiếp tục làm việc với các đối tác Mạng lưới ASEAN về Phát triển bền vững (CSR-ASEAN network), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững thế giới (WBCSD), đại diện Bộ Kế hoạch & Đầu tư về triển khai Sáng kiến Diễn đàn Hợp tác cấp cao vì Mục tiêu xanh toàn cầu 2030 (P4G) giai đoạn mới…
III. KẾ HOẠCH 6 THÁNG CUỐI NĂM 2020
- Phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố rà soát, đánh giá việc thực hiện các cam kết đã ký giữa VCCI với UBND các địa phương giai đoạn 2016 - 2020 về phát triển doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư- kinh doanh và xây dựng kế hoạch hợp tác trong giai đoạn tiếp theo.
- Phối hợp với Văn phòng Chính phủ; các bộ ngành, địa phương rà soát, đánh giá việc tổng hợp, giải quyết các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp. Đôn đốc việc trả lời dứt điểm các kiến nghị chưa được trả lời, giải quyết. Tiếp tục tổng hợp các kiến nghị, khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế, phục hồi sản xuất - kinh doanh sau thời điểm dỡ bỏ cách ly xã hội do dịch Covid-19.
- Tiếp tục thực hiện khảo sát, đánh giá, theo dõi, đề xuất việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh; việc xử lý các chồng chéo pháp luật về kinh tế, kinh doanh; cắt giảm chi phí không chính thức của doanh nghiệp; vận động doanh nghiệp nói không với tiêu cực và cuộc vận động "Người VN ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Trên đây là báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 trong quý 1/2020, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trân trọng báo cáo Chính phủ.
Nơi nhận : - Như trên; - Ban Thường trực; - VPCP (Vụ ĐMDN); - Trung tâm thông tin kinh tế (để đăng tải lên Website); - Lưu VT, VP (TH). |
[1] Số lượng kiến nghị chưa giải quyết cao do kiến nghị của DN tập trung vào các đề xuất hỗ trợ dưới tác động của dịch Covid-19 và nhân dịp Hội nghị trực tuyến Thủ tướng CP với DN năm 2020.
Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong quý II/2020 (Tải về)
Giải đáp kiến nghị trong quý II/2020 của Bộ tài chính (Tải về)
Giải đáp kiến nghị trong quý II/2020 của Bộ Công thương (Tải về)
Giải đáp kiến nghị trong quý II/2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tải về)
Giải đáp kiến nghị trong quý II/2020 của Bộ Xây dựng (Tải về)
Giải đáp kiến nghị trong quý II/2020 của Ngân Hàn Nhà nước Việt nam (Tải về)
Giải đáp kiến nghị trong quý II/2020 của Bảo hiểm xã hội Việt nam (Tải về)
Giải đáp kiến nghị trong quý II/2020 của UBND Thành phố HCM (Tải về)