Dự thảo lần 2 thông tư quy định dịch vụ được khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được Bộ Công an ban hành đầu tháng 7 để lấy ý kiến đóng góp trong 2 tháng.
Theo đề xuất, các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội được khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quyền hạn. Các đơn vị có thể tương tác qua cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công Bộ Công an hoặc hệ thống một cửa điện tử cấp bộ, tỉnh.
Tổ chức tín dụng, viễn thông, nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số, định danh điện tử hay công chứng, thừa phát và tổ chức khác được khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhưng cần tuân thủ hướng dẫn của Bộ Công an.
Dự thảo thông tư mới cũng đề xuất công dân được khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để tìm hiểu, sử dụng thông tin của mình. Người dân có thể yêu cầu bằng văn bản hoặc dùng số điện thoại đã được Bộ Thông tin và Truyền thông xác thực, gửi tin nhắn đến hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Khi khai thác thông tin, cơ quan, tổ chức và cá nhân không được sao chép, cung cấp dữ liệu cho bên thứ 3, trừ trường hợp được cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu cho phép.
Bên cạnh đó, người sử dụng thông tin cần tuân thủ quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước. Chịu trách nhiệm bảo mật thông tin, không để xảy ra lộ lọt dữ liệu và phải sử dụng thông tin đúng mục đích.
Trong trường hợp cá nhân, tổ chức không thực hiện đúng các quy định của pháp luật và không đảm bảo yêu cầu bảo mật thông tin, đơn vị quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có quyền từ chối cung cấp dịch vụ.
Cũng theo dự thảo thông tư, Bộ Công an liệt kê một số dịch vụ để cá nhân, tổ chức được yêu cầu xác thực gồm: Thông tin vợ, chồng; nơi thường trú, tạm trú; tình trạng chết; nhóm máu; người đại diện hợp pháp...
Trước đó, ngày 1.7, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được Bộ Công an vận hành, kết nối tích hợp dịch vụ chia sẻ với nhiều bộ, ngành và kết nối dữ liệu với trên 35 UBND tỉnh, thành phố trên cả nước.
Qua đó giúp xác thực thông tin công dân, giải quyết hơn 230 thủ tục hành chính.
Việc tra cứu thông tin trong cơ sở dữ liệu khi giải quyết các thủ tục hành chính sẽ thay thế cho việc phải xuất trình hoặc nộp bản sao có chứng thực các giấy tờ công dân khi thực hiện thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý, giảm chi phí và thời gian đi lại của nhân dân, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.