Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Xử phạt thế nào với trường hợp vi phạm hành chính nhiều lần?

Thứ sáu, 04-01-2019 | 22:08:00 PM GMT+7 Bản in
Qua Hệ thống Tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Công ty Luật TNHH Minh Đăng Quang đề nghị hướng dẫn về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp doanh nghiệp chậm nộp nhiều hồ sơ khai thuế của nhiều kỳ tính thuế nhưng cùng một sắc thuế.
Theo phản ánh của Công ty Luật TNHH Minh Đăng Quang, một doanh nghiệp nộp hồ sơ khai thuế tháng trễ hạn nhiều kỳ năm 2016, 2017. Đến ngày 19/9/2018, cơ quan chức năng lập biên bản vi phạm hành chính các hành vi của doanh nghiệp này và xử phạt cho hồ sơ khai thuế từng kỳ, có tình tiết tăng nặng do vi phạm nhiều lần.

Sau đó, cơ quan chức năng cộng tất cả số tiền phạt thành tổng số tiền phạt phải nộp. Việc xử phạt này cơ quan chức năng tính là trường hợp chậm nộp (không cùng thời điểm) nhiều hồ sơ khai thuế của nhiều kỳ tính thuế cùng một sắc thuế nhưng chưa bị xử phạt thì bị xử phạt từng hành vi vi phạm (có thêm tình tiết tăng nặng).

Công ty Luật TNHH Minh Đăng Quang cho rằng, việc áp dụng pháp luật của cơ quan chức năng trong trường hợp này chưa đúng quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính: “Vi phạm hành chính nhiều lần là trường hợp cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính mà trước đó đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính này nhưng chưa bị xử lý và chưa hết thời hiệu xử lý”.

Tất cả các vi phạm nêu trên chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính có tình tiết tăng nặng là vi phạm nhiều lần, chỉ xử phạt một số tiền, chứ không cắt khúc ra thành nhiều hành vi do vi phạm những giai đoạn khác nhau trước đó. Công ty Luật TNHH Minh Đăng Quang đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn thực hiện như thế nào là đúng theo Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Về vấn đề này, Bộ Tư pháp trả lời như sau:

Khoản 5, Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định: “Vi phạm hành chính nhiều lần là trường hợp cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính mà trước đó đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính này nhưng chưa bị xử lý và chưa hết thời hạn hiệu lực xử lý”.

Theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về thủ tục thuế là 2 năm.

Khoản 1, Điều 2 Nghị định số 129/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế cũng quy định: “Đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế, thời hiệu xử phạt là 2 năm, kể từ ngày hành vi vi phạm được thực hiện đến ngày ra quyết định xử phạt. Ngày thực hiện hành vi vi phạm hành chính về thuế là ngày kế tiếp ngày kết thúc thời hạn phải thực hiện thủ tục về thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế. Đối với trường hợp làm thủ tục về thuế bằng điện tử thì ngày thực hiện hành vi vi phạm hành chính về thuế là ngày kế tiếp ngày kết thúc thời hạn làm thủ tục theo quy định của cơ quan có thẩm quyền”.

Căn cứ các quy định pháp luật nêu trên, đối chiếu với vụ việc được nêu, Bộ Tư pháp thấy rằng, thứ nhất, tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính, người có thẩm quyền phát hiện ra doanh nghiệp đã thực hiện nhiều lần cùng một hành vi “chậm nộp hồ sơ khai thuế so với thời hạn quy định” quy định tại Điều 7 Nghị định số 129/2013/NĐ-CP.

Thứ hai, tất cả các hành vi này đều đã được thực hiện xong (không có hành vi nào đang được thực hiện), tại các điểm khác nhau và đều chưa bị xử lý, chưa hết thời hiệu xử lý. Do vậy, có thể coi đây là trường hợp vi phạm hành chính nhiều lần.

Xử lý trường hợp vi phạm hành chính nhiều lần

Về trường hợp vi phạm hành chính nhiều lần, hiện nay, Luật Xử lý vi phạm hành chính đang có những quy định không thống nhất trong chế tài xử lý, cụ thể là:

- Điểm d, Khoản 1, Điều 3 của Luật quy định việc xử phạt đối với từng hành vi vi phạm hành chính.

- Điểm b, Khoản 1, Điều 10 của Luật quy định vi phạm hành chính nhiều lần chỉ là tình tiết tăng nặng. Điều này có nghĩa là, nếu đối tượng thực hiện hành vi vi phạm hành chính nhiều lần thì chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính đối với 1 hành vi và áp dụng tình tiết tăng nặng vi phạm hành chính nhiều lần.

Như vậy, Điểm d, Khoản 1, Điều 3 và Điểm b, Khoản 1, Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành chính đều quy định chế tài xử lý đối với trường hợp vi phạm hành chính nhiều lần. Nhưng việc áp dụng từng chế tài sẽ dẫn đến hậu quả pháp lý khác nhau.

Đối chiếu với vụ việc được nêu, Bộ Tư pháp thấy rằng, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đang áp dụng Điểm d, Khoản 1, Điều 3 của Luật Xử lý vi phạm hành chính để xử phạt đối với từng hành vi vi phạm hành chính của doanh nghiệp (đồng thời, mỗi hành vi bị xử phạt đều bị áp dụng thêm tình tiết tăng nặng vi phạm hành chính nhiều lần).

Trong bối cảnh các quy định pháp luật chưa có sự thống nhất như đã nêu trên, trường hợp này, theo Bộ Tư pháp nên áp dụng Điểm b, Khoản 1, Điều 10 của Luật Xử lý vi phạm hành chính để bảo đảm nguyên tắc có lợi cho đương sự trong áp dụng pháp luật.

Theo đó, chỉ xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp có 1 hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế so với thời hạn quy định và áp dụng tình tiết tăng nặng vi phạm hành chính nhiều lần (xử phạt đối với hành vi có chế tài xử phạt nặng nhất trong số các hành vi vi phạm nhiều lần).

Về lâu dài, trong quá trình nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ Tư pháp sẽ báo cáo Chính phủ kiến nghị Quốc hội sửa đổi các quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 3 và Điểm b, Khoản 1, Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành chính để bảo đảm tính thống nhất trong áp dụng pháp luật.

Theo Chinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc (0)