Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Xem xét lại chính sách thuế xuất khẩu đánh trên các mặt hàng nhôm định hình như trường hợp của Công ty Sapa Bến Thành

Chủ nhật, 29-09-2017 | 10:15:00 AM GMT+7 Bản in

Tên kiến nghị: Xem xét lại chính sách thuế xuất khẩu đánh trên các mặt hàng nhôm định hình như trường hợp của Công ty Sapa Bến Thành

Tình trạng: Đã phản hồi

Đơn vị kiến nghị: Tổng Công ty Bến Thành

Công văn: 2360/PTM - VP, Ngày: 21/09/2017

Nội dung kiến nghị:

Tổng Công ty Bến Thành TNHH MTV và Tập đoàn Sapa AB là nhà đầu tư vào Công ty TNHH Nhôm Định Hình Sapa Bến Thành (Công ty Sapa Bến Thành), một doanh nghiệp chuyên sản xuất và kinh doanh các mặt hàng nhôm định hình.

Hoạt động của doanh nghiệp là nhập khẩu 100% nguyên liệu phôi nhôm, sau đó thực hiện gia công và chế tạo các sản phẩm thanh nhôm, que nhôm định hình để tiêu thụ ở thị trường nội địa (chiếm 75-80% tổng sản lượng), và tiêu thụ ở thị trường nước ngoài (khoảng 20-25% tổng sản lượng).

Thị trường xuất khẩu chính của doanh nghiệp là thị trường Bắc Mỹ. Là thành viên của Tập đoàn Sapa AB, nên Công ty Sapa Bến Thành có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cung cấp các phụ kiện, linh kiện cho những tập đoàn sản xuất công nghiệp như Boeing, Airbus, xe hơi Chevrolet, xe điện Tesla, Siemen, General Electric... Các sản phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp thuộc nhóm 76.04 và từng được áp biểu thuế xuất khẩu với thuế suất 0%.

Trước đây, nhận thấy cơ hội lớn từ việc sản xuất và cung cấp các sản phẩm nhôm định hình chất lượng cao cho các tập đoàn công nghiệp lớn, và hỗ trợ chiến lược mở rộng thị trường trong nước, Công ty Sapa Bến Thành triển khai xây dựng thêm 1 nhà máy mới tại tỉnh Bình Dương nhằm tăng công suất sản xuất hiện tại, góp phần tạo công việc cho người lao động trong khu vực và tăng mức đóng góp vào ngân sách nhà nước. 

Tuy nhiên, sau khi nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01/09/2016 về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan có hiệu lực, mức thuế suất xuất khẩu áp trên các sản phẩm xuất khẩu của Công ty Sapa Bến Thành đã tăng từ 0% lên 7%. Việc tăng thuế suất xuất khẩu trực tiếp ảnh hưởng đến giá bán sản phẩm, làm giảm mức cạnh tranh so với đối thủ của công ty đến từ các quốc gia khác. Rủi ro đánh mất thị trường xuất khẩu, và cơ hội tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu đã xảy ra. Trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng sản lượng xuất khẩu của doanh nghiệp đã sụt giảm mạnh, chỉ còn 10% tổng sản lượng, so với mức 25% trước đây.  Công ty Sapa Bến Thành hiện đang phải cân nhắc việc tiếp tục triển khai hay chấm dứt việc mở rộng nhà máy tại tỉnh Bình Dương, do ảnh hưởng từ việc tăng mức thuế xuất khẩu hiện nay.

Xét thấy, hoạt động của Công ty Sapa Bến Thành là nhập khẩu 100% phôi nhôm để sản xuất thanh nhôm định hình, nên không xảy ra tác động tiêu cực đến môi trường do sử dụng hay sản xuất phôi nhôm có nguồn gốc trong nước. Thêm vào đó, doanh nghiệp đang định hướng sản xuất các sản phẩm nhôm định hình có chất lượng cao, gia tăng hàm lượng kỹ thuật và công nghệ, đáp ứng được yêu cầu phức tạp từ các tập đoàn công nghiệp và công nghệ thế giới. Hoạt động của doanh nghiệp này thuộc nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ, phụ trợ được khuyến khích đầu tư phát triển. Lợi ích tổng thể từ việc tăng thuế xuất khẩu 7% thấp hơn so với lợi ích từ việc áp dụng mức thuế xuất khẩu 0% đối với các mặt hàng nhôm định hình được gia công từ nguyên liệu ngoại nhập. Với vai trò là chủ đầu tư vào Công ty Sapa Bến Thành, Tổng Công ty Bến Thành kiến nghị Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam xem xét lại chính sách thuế xuất khẩu đánh trên các mặt hàng nhôm định hình như trường hợp của Công ty Sapa Bến Thành, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mà vẫn đảm bảo lợi ích tổng thể.


Đơn vị phản hồi: Bộ Tài chính Tổng cục Thuế

Công văn: 13758/BTC-CST, Ngày: 12/10/2017

Nội dung trả lời:

Bộ tài chính nhận được kiến nghị của Tổng Công ty Bến thành về thuế xuất khẩu mặt hàng nhôm định hình gửi kèm theo công văn số 742/TB-BTC ngày 6/10/2017 của Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ định kỳ. Về việc này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

Kiến nghị của Tổng Công ty đã được Bộ Tài chính nghiên cứu, tổng hợp để báo cáo Chính phủ xem xét tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 ban hành Biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan. Trường hợp dự thảo Nghị định được Chính phủ đồng ý ban hành thì dự kiến chính sách thuế đối với mặt hàng nhôm định hình sẽ có hiệu lực từ 01/01/2018.

Ý kiến bạn đọc (0)