Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020
Tên kiến nghị: Xem xét, bãi bỏ chính sách thuế nhà thầu áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng kho ngoại quan tại Việt Nam làm kho chứa hàng và cung cấp hàng cho doanh nghiệp khác
Tình trạng: Chưa phản hồi
Đơn vị kiến nghị: Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA)
Công văn: 2360/PTM - VP, Ngày: 21/09/2017
Nội dung kiến nghị:
Ngày 06/08/2014, Bộ Tài chính có ban hành Thông tư số 103/2014/TT-BTC (gọi tắt là “Thông tư 103”) có hiệu lực từ ngày 01/10/2014 hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam (gọi tắt là “thuế nhà thầu”). Theo đó, bất kỳ tổ chức, cá nhân nước ngoài nào bán hàng hóa theo điều kiện giao hàng của Các điều khoản Thương Mại Quốc Tế (INCOTERMS) mà người bán chịu rủi ro và chi phí để đưa hàng hóa vào đến lãnh thổ Việt Nam (bao gồm Kho ngoại quan) thì được xem là đối tượng chịu thuế nhà thầu và có nghĩa vụ nộp thuế nhà thầu với mức thuế suất là 1% tính trên giá trị hóa đơn/giá trị hàng hóa. Điều đó có nghĩa là nếu người bán nước ngoài bán hàng tại kho ngoại quan (bao gồm bán cho các doanh nghiệp Việt Nam và bán cho các tổ chức nước ngoài khác tại kho ngoại quan), người bán nước ngoài đó được xem như có hoạt động kinh doanh và có thu nhập phát sinh trên lãnh thổ Việt Nam và là đối tượng chịu thuế nhà thầu. Cách giải thích này dường như không thống nhất với định nghĩa quốc tế về kho ngoại quan, một nơi mà về mặt pháp lý là một khu vực tách biệt trong lãnh thổ Việt Nam. Mối quan hệ giữa kho ngoại quan và khu vực bên ngoài kho ngoại quan là giao dịch xuất - nhập khẩu. Nếu hàng hóa từ nước ngoài được gửi tại kho ngoại quan, về mặt pháp lý, hàng hóa đó chưa thực sự được nhập khẩu vào Việt Nam, và quyền sở hữu hàng hóa vẫn nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Từ ngày Thông tư 103 có hiệu lực, đã dẫn tới số lượng hàng hoá gửi tại kho ngoại quan phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu giảm khoảng 50%, ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng lực cạnh tranh của ngành logistics và các ngành xuất khẩu mũi nhọn khác như dệt may, da giầy và nhựa của Việt Nam. Mục đích của thuế nhà thầu là tăng thu thuế cho nhà nước, tuy nhiên thực tế áp dụng dẫn tới giảm thuế ở các hạng mục khác như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, được ước tính khoảng 91 triệu USD (khoảng 2.000 tỷ VND) trong năm 2016. Vì vậy, tiếp theo các thư kiến nghị ngày 26/02/2015 và ngày 25/05/2016 gửi Bộ Tài chính của các doanh nghiệp Hội viên, Hiệp hội kính đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho nghiên cứu, xem xét lại chính sách thuế nhà thầu với các lý do được tóm tắt phía dưới và được diễn giải cụ thể trong phụ lục kèm theo.
Thứ nhất, thuế nhà thầu làm giảm năng lực cạnh tranh của một số ngành xuất khẩu mũi nhọn tại Việt Nam như may mặc, da giầy và nhựa. Tác động tiêu cực của thuế nhà thầu khiến các doanh nghiệp hạn chế gửi hàng tại kho ngoại quan và chuyển sang hình thức giao hàng tại cảng Việt Nam và/ hoặc gửi tại kho ngoại quan của các nước lân cận để tránh thuế, khiến thời gian chờ đợi của các doanh nghiệp trong nước để bên cung ứng sản xuất nguyên vật liệu và vận chuyển về Việt Nam tăng lên, trong khi đó cả 3 ngành này đều có tỷ lệ nhập khẩu nguyên phụ liệu từ nước ngoài rất cao từ 70% - 80%. Đồng thời, với ngành may mặc chúng ta đang bị bất lợi về thời gian đáp ứng đơn hàng (Việt Nam là 90-100 ngày, Ấn Độ và Trung Quốc khoảng 40-50 ngày), giá cả lao động (cao hơn so với Ấn Độ, Cambodia, Pakistan, Bangladesh và Sri Lanka với hệ quy chiếu sức mua) dẫn tới ảnh hưởng trực tiếp tới năng lực cạnh tranh của ngành.
Thứ hai, đánh thuế nhà thầu là đi ngược lại mục tiêu trong Quyết định số 200/QĐ-TTg, ngày 14/2/2017 về việc Phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025: “tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15%-20%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP”, “Phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý chiến lược, tăng cường kết nối để đưa Việt Nam trở thành đầu mối logistics của khu vực”.
Thứ ba, mục tiêu của thuế nhà thầu là tăng thu thuế cho ngân sách nhà nước, tuy nhiên thực tế triển khai đã dẫn tới Chính phủ đang thất thu thuế Thu nhập doanh nghiệp, thuế Thu nhập cá nhân và Giá trị gia tăng được tính toán khoảng 91 triệu USD ở 3 hạng mục:
Thứ tư, áp dụng thuế nhà thầu gián tiếp làm tăng rào cản giữa các tuyến trong một chuỗi cung ứng sản xuất và gây khó khăn cho ngành công nghiệp phụ trợ.
Sơ đồ chuỗi cung ứng của ngành sản xuất ô tô bao gồm 4 tầng cơ bản: sản xuất chi tiết, lắp ráp các chi tiết, lắp ráp bộ phận và lắp ráp tổng thể. Theo thông tư 103, nếu một doanh nghiệp nước ngoài X yêu cầu một công ty tại Việt Nam Y gia công và xuất trả lại cho công ty X thì X sẽ không phải đóng thuế nhà thầu. Ngược lại, nếu công ty X yêu cầu Y sau khi gia công xong xuất khẩu tại chỗ cho một công ty Z để tiếp tục sản xuất, lắp ráp như trong chuỗi cung ứng thì công ty X sẽ phải nộp thuế. Do đó, thuế nhà thầu nhìn chung sẽ tạo ra rào cản giữa các tuyến của một chuỗi cung ứng và khuyến khích các công ty nước ngoài yêu cầu công ty tại Việt Nam gia công và xuất trả lại.
Văn phòng Chính phủ đã đưa ra thông báo số 133/TB-VPCP ngày 14/03/2017 về kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tập trung ban hành mới các cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, thực tế thuế nhà thầu đang góp phần cản trở sự phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam vì đầu vào của ngành sản xuất phụ trợ cần tới 80 - 85% nguyên vật liệu từ nước ngoài. Với việc phải trả thêm 1% thuế nhà thầu cho những nguyên vật liệu đầu vào đó, đã đẩy giá thành sản xuất của ngành phụ trợ lên cao và khuyến khích các công ty mua trực tiếp các sản phẩm phụ trợ từ nước ngoài.
Thứ năm, áp thuế nhà thầu nước ngoài là đi ngược lại với thông lệ quốc tế, gây khó khăn trong áp dụng hiệp định tránh đánh thuế hai lần mà Việt Nam đã ký với 76 quốc gia, chưa làm rõ cơ chế thanh toán trong trường hợp giữa các tổ chức nước ngoài với nhau và cản trở Việt Nam đi theo xu thế chung của thế giới trong việc trao đổi mua bán kim loại thông qua sàn giao dịch.
Thay vì đánh thuế nhà thầu để tăng thu ngân sách nhà nước, Chính phủ nên hướng tới phát triển các Khu thương mại tự do và Khu bảo thuế trên lãnh thổ Việt Nam để thúc đẩy xuất khẩu và tăng thu cho ngân sách nhà nước từ thuế thu nhập doanh nghiệp và thu nhập cá nhân một cách bền vững. Chi tiết của giải pháp được đề cập trong phụ lục đính kèm.
Xuất phát từ những lý do nêu trên đây, Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA) kính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, bãi bỏ chính sách thuế nhà thầu áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng kho ngoại quan tại Việt Nam làm kho chứa hàng và cung cấp hàng cho doanh nghiệp khác, đồng thời xem xét thành lập thêm các khu thương mại tự do, khu bảo thuế để thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài, phát triển ngành logistics, các ngành xuất khẩu mũi nhọn và phụ trợ từ đó tạo thêm công ăn việc làm, tăng lợi nhuận của các doanh nghiệp và tiền thuế của Nhà nước một cách bền vững.
Đơn vị phản hồi: Bộ Tài chính
Công văn: , Ngày:
Nội dung trả lời: