Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

về một số nội dung của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 về Quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết và Thông tư số 41/2017/TT-BTC ngày 28/04/2017 về hướng dẫn một số điều của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP.

Thứ bẩy, 28-03-2018 | 08:06:00 AM GMT+7 Bản in

Tên kiến nghị: về một số nội dung của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 về Quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết và Thông tư số 41/2017/TT-BTC ngày 28/04/2017 về hướng dẫn một số điều của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP.

Tình trạng: Đã phản hồi

Đơn vị kiến nghị: Tổng công ty Lắp máy Việt Nam – CTCP (LILAMA)

Công văn: 0477/PTM - VP, Ngày: 19/03/2018

Nội dung kiến nghị:

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 về Quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 41/2017/TT-BTC ngày 28/04/2017 về hướng dẫn một số điều của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP

LILAMA đã nghiên cứu những nội dung quy định theo Nghị định và Thông tư trên để thực hiện. Tuy nhiên, tại khoản 3, điều 8, Nghị định số 20/2017/NĐ-CP về xác định chi phí để tính thuế trong một số trường hợp cụ thể đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đặc thù quy định: “…3. Tổng chi lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế…”, điều này còn có những điểm vướng mắc mà khi thực hiện sẽ tác động lớn, tiêu cực đến kết quả sản xuất kinh doanh của LILAMA, cụ thể như sau:

  1. Tổng công ty Lắp máy Việt Nam - CTCP và các Công ty có quan hệ liên kết đều hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, cùng chịu một mức thuế suất thuế Thu nhập doanh nghiệp nên không có động cơ chuyển giá nhằm mục đích hưởng lợi về Thuế thu nhập doanh nghiệp. Cùng với đó, chi phí lãi vay của Tổng công ty phát sinh thực tế từ việc vay vốn tại các tổ chức tín dụng, theo giá thị trường (tương đương với giá độc lập), có hồ sơ, chứng từ hợp lệ theo các quy định hiện hành của Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp. Do vậy, việc quy định về mức trần trên tổng chi phí lãi vay được trừ (bao gồm cả các giao dịch liên kết và các giao dịch độc lập) như trên là chưa phù hợp với bản chất, mục đích của việc quản lý thuế đối với các giao dịch liên kết.
  2. Quy định về mức trần trên tổng chi phí lãi vay có hiệu lực thi hành đối với các doanh nghiệp có quan hệ liên kết thuộc đối tượng của Nghị định, tuy nhiên các doanh nghiệp khác không có quan hệ liên kết sẽ không chịu điều tiết của quy định này. Trong khi đó, về bản chất chí phí lãi vay từ huy động vốn của các doanh nghiệp (không phân biệt là có hay không có quan hệ liên kết) tại các tổ chức tín dụng là như nhau. Như vậy, quy định này tại thời điểm hiện nay chưa bình đẳng giữa các doanh nghiệp có quan hệ liên kết và các doanh nghiệp không có quan hệ liên kết.

iii. Đặc thù ngành nghề của LILAMA là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Tổng thầu EPC, xây lắp, chế tạo cơ khí các công trình công nghiệp có quy mô vừa và lớn nên các dự án LILAMA thực hiện có giá trị lớn, thời gian thi công dài; thời gian nghiệm thu, thu xếp vốn, thanh toán của chủ đầu tư/nhà thầu chính cần nhiều thời gian; chủ đầu tư/nhà thầu chính giữ lại tiền thanh toán để đảm bảo nghĩa vụ bảo hành. Trong khi đó, tỷ suất lợi nhuận gộp lĩnh vực Tổng thầu EPC thấp (do phần thiết bị chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài theo giá thực thanh chi), vốn chủ sở hữu của LILAMA nhỏ chưa tương xứng với quy mô hoạt động (Năm 2016: doanh thu Công ty mẹ 7.377 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 887 tỷ đồng; doanh thu hợp nhất 11.633 tỷ đồng, quy mô vốn chủ sở hữu 1.866 tỷ đồng. Năm 2017: doanh thu từ Công ty mẹ 15.811 tỷ đồng, quy mô vốn chủ sở hữu 923 tỷ đồng), việc tăng vốn điều lệ cho các Công ty còn khó khăn do lĩnh vực hoạt động của LILAMA có nhiều rủi ro, khả năng sinh lời thấp. Vì vậy để thực hiện được các dự án có quy mô vừa và lớn, LILAMA phải huy động lượng vốn vay lớn từ các tổ chức tín dụng dẫn đến phát sinh chi phí lãi vay cao vượt xa mức trần theo quy định của Nghị định.

Bên cạnh đó, quy mô vốn của các Công ty thuộc LILAMA nhỏ, mỗi Công ty riêng lẻ của LILAMA không thể trúng thầu được các dự án có quy mô vừa và lớn. Để tạo lợi thế về năng lực cạnh tranh và thực hiện được các dự án có quy mô vừa và lớn. Công ty mẹ và các công ty con, công ty liên kết đã liên kết thành một tổ hợp gồm các công ty cùng thực hiện. Trong đó, mỗi công ty là một mắt xích trong chuỗi sản phẩm. Theo đó, công ty mẹ hoặc công ty con có năng lực cạnh tranh tốt khi trúng thầu sẽ giao cho các công ty con, công ty liên kết còn lại thực hiện các phần việc theo thế mạnh của từng công ty con, công ty liên kết đó. Vì vậy, bản chất các giao dịch liên kết của LILAMA chỉ nhằm mục đích là tăng năng lực cạnh tranh, tập trung chuyên môn hóa các sản phẩm cho từng công ty. Trong khi đó, nếu để tránh áp dụng quy định về mức trần chi phí lãi vay, tránh không cho có các giao dịch liên kết, LILAMA sẽ phải giao việc cho các nhà thầu phụ bên ngoài (thực tế hiện nay tại Việt Nam có ít doanh nghiệp ngoài LILAMA đáp ứng được yêu cầu để thực hiện các dự án xây lắp có quy mô vừa và lớn), điều này sẽ làm cho LILAMA giảm năng lực cạnh tranh, không định hướng được chiến lược phát triển, một số công ty sẽ làm cho LILAMA giảm năng lực cạnh tranh, không định hướng được chiến lược phát triển, một số công ty sẽ giảm việc làm và dẫn tới nguy cơ phá sản.

Trong thời gian qua, thị trường trong nước cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Cùng với đó, do vốn của LILAMA còn nhỏ, tình hình tài chính của các công ty thuộc LILAMA còn rất khó khăn. Vì vậy, để đảm bảo duy trì hoạt động của các công ty thuộc LILAMA, đảm bảo thu nhập cho người lao động, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước, LILAMA đã phải cố gắng sử dụng các biện pháp để tiết kiệm tối đa các chi phí hoạt động và sử dụng nguồn lực tài chính một cách hợp lý. Tuy nhiên, nếu thực hiện theo quy định mới về chi phí lãi vay như đã nêu trên thì tình hình tài chính của LILAMA sẽ càng trở lên khó khăn hơn, nhiều công ty sẽ khó có thể vượt qua trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Từ đó sẽ dẫn đến: Có những Công ty dương lợi nhuận kế toán trước thuế nhưng sau khí nộp thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ âm lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp và có những công ty âm lợi nhuận kế toán trước thuế vẫn phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, dẫn đến tăng lỗ nhiều hơn.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đã nêu trên, đồng thời thực hiện theo chủ trương của Chính phủ tại Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, LILAMA kính đề nghị Bộ Tài chính xem xét đề xuất Chính phủ sửa đổi chính sách phù hợp với đặc thù của từng lĩnh vực kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực xây lắp, chế tạo cơ khí.


Đơn vị phản hồi: Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính

Công văn: 4056/TCT-DNL, Ngày: 18/10/2018

Nội dung trả lời:

  • Điều 2 Nghị định số 20 quy định đối tượng áp dụng Nghị định:

“1. Tồ chức sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ (sau đây gọi chung là người nộp thuê) là đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp kê khai và có phát sinh giao dịch với các bên có quan hệ liên kết theo quy định tai Điều 5 Nghi định này.”

  • Tại Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20 quy định về chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp:

“3. Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của ngưòi nộp thuế.

Quy định này không áp dụng đối với người nộp thuế là đối tượng áp dụng của Luật các tổ chức tín dụng và Luật kinh doanh bảo hiểm.”

Như vậy, tổng mức chi phí lãi vay của người nộp thuế được trừ theo quy đinh tại Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20 được tính trên tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ, không phân biệt lãi vay phát sinh với bên liên kết hay bên độc lập.

Ý kiến bạn đọc (0)