Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020
Hiện công ty chưa đăng ký kinh doanh ngành nghề “Bốc xếp hàng hóa loại khác - Mã ngành 52249” theo hệ thống ngành nghề kinh tế Việt Nam. Mã ngành 52249 này thuộc nhóm ngành Vận tải Kho bãi và là đối tượng được gia hạn thuế.
Ông Văn hỏi, việc đã phát sinh doanh thu nhưng chưa đăng ký kinh doanh của công ty có bảo đảm điều kiện được hưởng gia hạn thuế theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP không? Công ty có bắt buộc phải đăng ký bổ sung ngành nghề kinh doanh nói trên để bảo đảm điều kiện gia hạn không?
Về vấn đề này, Bộ Tài chính trả lời như sau:
Căn cứ Điều 2 Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 của Chính phủ hướng dẫn về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất như sau:
“Điều 2. Đối tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng đối với các đối tượng sau:
… 2. Doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động kinh doanh trong các ngành kinh tế sau:
a) Vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống; giáo dục và đào tạo; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; hoạt động kinh doanh bất động sản;…
Danh mục ngành kinh tế nêu tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này được xác định theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 6/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam.
Phân ngành kinh tế theo Phụ lục I ban hành kèm theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg gồm 5 cấp và việc xác định ngành kinh tế được áp dụng theo nguyên tắc: Trường hợp tên ngành kinh tế nêu tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này thuộc ngành cấp 1 thì ngành kinh tế được áp dụng quy định gia hạn bao gồm tất cả các ngành kinh tế thuộc phân cấp 2, cấp 3, cấp 4, cấp 5 của ngành cấp 1; trường hợp thuộc ngành cấp 2 thì ngành kinh tế được áp dụng quy định gia hạn bao gồm tất cả các ngành kinh tế thuộc phân cấp 3, cấp 4, cấp 5 của ngành cấp 2; trường hợp thuộc ngành cấp 3 thì ngành kinh tế được áp dụng quy định gia hạn bao gồm tất cả các ngành kinh tế thuộc phân cấp 4, cấp 5 của ngành cấp 3; trường hợp thuộc ngành cấp 4 thì ngành kinh tế được áp dụng quy định gia hạn bao gồm tất cả các ngành kinh tế thuộc phân cấp 5 của ngành cấp.
… Ngành kinh tế, lĩnh vực của doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này là ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát sinh doanh thu trong năm 2019 hoặc năm 2020”.
Theo Điều 49 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ quy định về thông báo bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh:
“1. Trường hợp bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh, doanh nghiệp gửi thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đã đăng ký. Nội dung thông báo bao gồm:
a) Tên, mã số doanh nghiệp, mã số thuế hoặc số Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (trường hợp doanh nghiệp chưa có mã số doanh nghiệp, mã số thuế);
b) Ngành, nghề đăng ký bổ sung hoặc thay đổi;
c) Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp,
Kèm theo thông báo phải có quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của hội đồng thành viên đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên, của đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần và của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty TNHH một thành viên về việc bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh.
Quyết định, biên bản họp phải ghi rõ những nội dung được thay đổi trong Điều lệ công ty…”.
Căn cứ quy định trên, trường hợp công ty có hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát sinh doanh thu trong năm 2019 hoặc năm 2020 thuộc ngành nghề kinh tế quy định tại Điều 2 Nghị định số 41/2020/NĐ-CP thì được gia hạn nộp tiền thuế, tiền thuê đất theo quy định tại Nghị định số 41/2020/NĐ-CP.
Trường hợp công ty có thay đổi, bổ sung ngành nghề kinh doanh thì thực hiện thủ tục thông báo bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh theo quy định tại Điều 49 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
Trường hợp công ty còn vướng mắc liên quan đến thủ tục thay đổi, bổ sung ngành nghề kinh doanh, đề nghị công ty liên hệ với cơ quan đăng ký kinh doanh để được hướng dẫn cụ thể.