Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020
Về vấn đề này, Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời như sau:
Căn cứ Khoản 2, Điều 31 (được hướng dẫn tại Khoản 1, Điều 9 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH); Khoản 1, Điều 34; Điều 38 và Điểm a, Khoản 1, Điều 39 Luật BHXH; trường hợp bà Đỗ Oanh, làm việc hết ngày 4/2/2016 thì nghỉ việc và sinh con vào ngày 5/2/2016. Theo đó, thời gian 12 tháng trước khi sinh con của bà Oanh được tính từ tháng 2/2015 đến tháng 1/2016, nếu trong thời gian này bà Oanh đã đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên thì, bà Oanh được hưởng chế độ thai sản là 6 tháng, tính từ tháng 2/2016 đến hết tháng 7/2016 do BHXH chi trả.
Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Ngoài ra còn được trợ cấp một lần bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con. Thời gian hưởng chế độ sinh con không phải đóng BHXH.
Về tiền lương, theo bà Đỗ Oanh phản ánh, khi nghỉ việc và sinh con (ngày 5/2/2016), bà đã được cơ quan trả lương tháng 2/2016 và sau khi trở lại cơ quan làm việc (ngày 5/8/2016) bà không được nhận lương tháng 8/2016. Bà Oanh thắc mắc việc trả lương của cơ quan bà có đúng quy định không?
Thắc mắc của bà Oanh liên quan đến thời điểm trả lương cho người hưởng tiền lương tháng. Theo pháp luật về lao động, được quy định tại Điều 23 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP, hướng dẫn tại Điều 5 Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH thì, người lao động hưởng lương tháng được trả tháng một lần hoặc nửa tháng một lần và được trả ngay trong tháng mà người lao động làm việc; thời điểm trả lương được ấn định vào một thời điểm cố định trong tháng.
Thông tin bà Oanh nêu còn chưa rõ việc đầu tháng 2/2016 bà đã được trả lương tháng 1/2016 (tháng đã làm việc), hay được trả trước lương cho tháng 2/2016 (tháng sẽ làm việc), do vậy có hai trường hợp nêu ra để bà Oanh đối chiếu.
- Trường hợp cơ quan thực hiện trả lương tháng đã làm việc cho công chức vào ngày đầu tiên của tháng liền kề kế tiếp. Nếu thuộc trường hợp này, tiền lương bà Oanh được nhận vào đầu tháng 2/2016 là tiền lương trả cho thời gian đã làm việc trong tháng 1/2016.
Thời gian nghỉ việc sinh con 6 tháng bà Oanh được hưởng chế độ thai sản do BHXH chi trả, do thời gian đó bà không làm việc nên cơ quan không phải trả lương cho bà.
Bà Oanh trở lại cơ quan làm việc vào ngày 5/8/2016, đầu tháng 8/2016 cơ quan thực hiện trả lương tháng 7/2016, bà không được nhận vì tháng 7/2016 bà không làm việc. Thời gian bà Oanh đã làm việc trong tháng 8/2016 sẽ được cơ quan trả lương vào ngày đầu tháng 9/2016.
- Trường hợp cơ quan bà Oanh thực hiện trả trước lương cho tháng sẽ làm việc vào ngày đầu tiên của tháng đó. Đầu tháng 2/2016 bà đã được cơ quan trả trước tiền lương của tháng 2/2016. Nhưng đến ngày 5/2/2016 bà nghỉ việc sinh con.
Tháng 2/2016 bà Oanh chỉ làm việc 4 ngày công, nhưng cơ quan đã chi cho bà toàn bộ tiền lương của cả tháng 2/2016 là không phù hợp với nguyên tắc trả lương phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ và ngày công tiêu chuẩn/tháng.
Do đó, khoản tiền lương đã nhận thừa bà phải nộp hoàn trả quỹ lương, hoặc khấu trừ tiền lương của các tháng sau để hoàn trả. Nếu thuộc trường hợp này thì, cơ quan thực hiện việc truy thu số tiền lương đã ứng trước tháng 2/2016 từ tiền lương tháng 8/2016 là có cơ sở.
Luật sư Lê Văn Đài
VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội
Theo chinhphu.vn