Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Sử dụng và quản lý nhà thầu phụ thế nào?

Thứ sáu, 12-04-2024 | 11:56:00 AM GMT+7 Bản in
Trong quá trình tham gia các dự án sử dụng vốn Nhà nước, bà Nguyễn Vân Khánh (Hà Nội) nhận thấy quy định pháp luật hiện hành có những nội dung chưa được cụ thể liên quan đến nhà thầu phụ để làm cơ sở pháp lý thực hiện dự án.

Bà Khánh đề nghị cơ quan chức năng giải đáp một số nội dung cụ thể như sau:

Giá trị tối đa dành cho nhà thầu phụ là bao nhiêu trên tổng giá trị hợp đồng đối với gói thầu tư vấn?

Trường hợp hồ sơ dự thầu có đề xuất nhà thầu phụ thì theo quy định bên mời thầu không cần đánh giá năng lực của nhà thầu phụ nhưng trong quá trình thực hiện hợp đồng thì có bắt buộc đánh giá năng lực của nhà thầu phụ hay không?

Trường hợp hồ sơ dự thầu không đề xuất nhà thầu phụ nhưng nhà thầu phụ được đề xuất trong biên bản thương thảo hợp đồng hoặc trong hợp đồng hoặc trong quá trình thực hiện hợp đồng thì có bắt buộc đánh giá năng lực của nhà thầu phụ hay không?

Chủ đầu tư có cần quy định cụ thể tỷ lệ phần trăm giá trị thầu phụ đảm nhận trong hồ sơ mời thầu tư vấn hay không?

Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời như sau:

Đối với gói thầu đã phát hành hồ sơ mời thầu trước ngày 1/1/2024, việc tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 128 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, nhà thầu chính chịu trách nhiệm lựa chọn, sử dụng các nhà thầu phụ có năng lực và kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu thực hiện các công việc được giao. Trường hợp là nhà thầu phụ quan trọng theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu, việc đánh giá năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu phụ được thực hiện theo quy định nêu trong hồ sơ mời thầu.

Theo quy định tại Mục 26 Chương I Mẫu E-HSMT dịch vụ tư vấn ban hành kèm theo Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT ngày 31/5/2022 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc sử dụng nhà thầu phụ sẽ không làm thay đổi các trách nhiệm của nhà thầu chính. Nhà thầu chính phải chịu trách nhiệm về khối lượng, chất lượng, tiến độ và các trách nhiệm khác đối với phần công việc do nhà thầu phụ thực hiện. Năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu phụ sẽ không được xem xét khi đánh giá E-HSDT của nhà thầu chính. Bản thân nhà thầu chính phải đáp ứng các tiêu chí năng lực và kinh nghiệm (không xét đến năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu phụ).

Trường hợp trong E-HSDT, nếu nhà thầu chính không đề xuất sử dụng nhà thầu phụ cho một công việc cụ thể hoặc không dự kiến các công việc sẽ sử dụng nhà thầu phụ thì được hiểu là nhà thầu chính có trách nhiệm thực hiện toàn bộ các công việc thuộc gói thầu. Nhà thầu chính chỉ được sử dụng nhà thầu phụ thực hiện các công việc với tổng giá trị dành cho nhà thầu phụ không vượt quá tỷ lệ phần trăm (%) trên giá dự thầu của nhà thầu theo quy định tại E-HSMT.

Theo đó, việc sử dụng và quản lý nhà thầu phụ được thực hiện theo quy định nêu trên, quy định tại E-HSMT và đề xuất của nhà thầu chính trong E- HSDT. Chủ đầu tư ghi cụ thể "Áp dụng" hoặc "Không áp dụng" nhà thầu phụ, tỷ lệ % dành cho nhà thầu phụ trong E-HSMT.

Trường hợp nhà thầu chính không đề xuất sử dụng nhà thầu phụ trong E-HSDT thì được hiểu nhà thầu chính thực hiện toàn bộ công việc gói thầu.

Theo Chinhphu.vn (Báo Chính phủ)

https://baochinhphu.vn/su-dung-va-quan-ly-nha-thau-phu-the-nao-102240326103954998.htm

Ý kiến bạn đọc (0)