Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Quy định về mua, bán nợ của tổ chức tín dụng

Thứ bẩy, 25-07-2015 | 15:49:00 PM GMT+7 Bản in
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 09/2015/TT-NHNN quy định về hoạt động mua, bán nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó, các khoản nợ được mua, bán phải đáp ứng 3 điều kiện.

Ảnh minh họa

3 điều kiện này gồm: 1- Hồ sơ, chứng từ và các tài liệu có liên quan của khoản nợ được mua, bán, hợp đồng bảo đảm do bên bán nợ cung cấp phải phản ánh đầy đủ, chính xác thực trạng khoản nợ theo đúng quy định của pháp luật; 2- Không có thỏa thuận bằng văn bản về việc không được mua, bán khoản nợ; 3- Khoản nợ không được sử dụng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự tại thời điểm mua, bán nợ trừ trường hợp bên nhận bảo đảm đồng ý bằng văn bản về việc bán nợ.

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được mua nợ khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận hoạt động mua nợ tại Giấy phép và có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% trừ trường hợp mua nợ theo phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt. Trường hợp bán nợ thì không phải xin phép Ngân hàng Nhà nước.

Thông tư cũng nêu rõ, bên bán nợ không mua lại các khoản nợ đã bán.

Tổ chức tín dụng không được bán nợ cho công ty con của chính tổ chức tín dụng đó, trừ trường hợp bán nợ cho công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của tổ chức tín dụng mẹ theo phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt.

Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản là công ty con của tổ chức tín dụng chỉ được mua nợ của tổ chức tín dụng khác, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khi tổ chức tín dụng mẹ có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, trừ trường hợp mua nợ theo phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt.

Thông tư nêu rõ, đồng tiền sử dụng trong mua, bán nợ là đồng Việt Nam. Việc sử dụng ngoại tệ làm đồng tiền thanh toán trong giao dịch mua, bán nợ chỉ được thực hiện trong trường hợp tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bán khoản nợ bằng ngoại tệ cho bên mua nợ là người không cư trú. Đồng tiền thu hồi nợ là đồng tiền của khoản nợ hoặc đồng tiền khác theo thỏa thuận giữa bên mua nợ và bên nợ phù hợp với quy định của pháp luật và hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam.

2 phương thức mua, bán nợ

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quyết định lựa chọn 1 trong 2 phương thức mua, bán nợ sau: 1- Thỏa thuận: thông qua đàm phán trực tiếp giữa bên bán nợ và bên mua nợ hoặc gián tiếp thông qua bên môi giới; 2- Đấu giá: bên bán nợ thuê tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản hoặc tự tổ chức bán đấu giá khoản nợ.

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thành lập Hội đồng mua, bán nợ.

Về việc xác định giá mua, bán nợ đối với mua, bán nợ theo phương thức thỏa thuận, giá khởi điểm đối với mua, bán nợ theo phương thức bán đấu giá, Thông tư quy định, giá mua, bán nợ, giá khởi điểm được xác định trên cơ sở giá trị ghi sổ khoản nợ, khoản lãi mà bên nợ sẽ phải trả trong tương lai, phân loại nhóm nợ, khả năng thu hồi của khoản nợ và giá trị tài sản bảo đảm.

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá thực hiện định giá mua, bán nợ đối với mua, bán nợ theo phương thức thỏa thuận, giá khởi điểm đối với mua, bán nợ theo phương thức bán đấu giá để Hội đồng mua, bán nợ quyết định.

Ngoài ra, Thông tư cũng quy định cụ thể về hợp đồng mua, bán nợ; chuyển giao quyền, nghĩa vụ liên quan đến khoản nợ; mua, bán nợ từ cấp tín dụng hợp vốn; quyền và nghĩa vụ của bên mua nợ; quyền và nghĩa vụ của bên bán nợ; xử lý tranh chấp...

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9/2015.

Minh Hoàn (báo điện tử Chính Phủ)

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)