Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Quản lý tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam

Thứ năm, 19-08-2021 | 16:54:00 PM GMT+7 Bản in
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân về dự thảo Thông tư hướng dẫn một số nội dung về chế độ quản lý tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

 

Dự thảo nêu rõ về vốn huy động và vốn tự có của Ngân hàng Phát triển. Theo đó, các hình thức huy động vốn thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định số 46/2021/NĐ-CP.

Việc huy động các nguồn vốn với lãi suất thị trường phải đảm bảo các nguyên tắc: Đảm bảo các giới hạn, tỉ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của Ngân hàng Phát triển theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; trường hợp Ngân hàng Phát triển phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh để huy động vốn phải đảm bảo tuân thủ hạn mức bảo lãnh phát hành trái phiếu cho Ngân hàng Phát triển do Thủ tướng Chính phủ quyết định, lãi suất phát hành thực hiện theo khung lãi suất do Bộ Tài chính quy định...

Vốn tự có của Ngân hàng Phát triển được xác định theo quy định tại Điều 7 và Điều 40 Nghị định số 46/2021/NĐ-CP. Ngân hàng Phát triển căn cứ số dư vốn tự có tại báo cáo tài chính riêng lẻ gần nhất để xác định giới hạn tín dụng.  

Về quản lý vốn và tài sản, Ngân hàng Phát triển có trách nhiệm theo dõi toàn bộ vốn và tài sản hiện có, thực hiện hạch toán, phản ánh đầy đủ, chính xác, trung thực, kịp thời tình hình sử dụng, biến động của vốn và tài sản trong quá trình hoạt động theo đúng chế độ kế toán, thống kê hiện hành.

Ngân hàng Phát triển được sử dụng vốn để thực hiện các hoạt động quy định tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 46/2021/NĐ-CP. Riêng đối với hoạt động mua, bán, chiết khấu, tái chiết khấu các loại giấy tờ có giá, Ngân hàng Phát triển chỉ được thực hiện với các loại giấy tờ có giá bao gồm: Trái phiếu Chính phủ; trái phiếu Chính phủ bảo lãnh; trái phiếu chính quyền địa phương; tín phiếu Ngân hàng Nhà nước theo quy định của pháp luật.

5 tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động

Theo dự thảo, có 5 tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động hàng năm của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, bao gồm:

Tiêu chí 1: Tín dụng đầu tư của Nhà nước được xác định theo số liệu tính toán tình hình thực hiện các chỉ tiêu tại kế hoạch tín dụng đầu tư của Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ giao hàng năm cho Ngân hàng Phát triển.

Tiêu chí 2: Tỉ lệ nợ xấu là tỉ lệ giữa số dư nợ xấu của các khoản nợ Ngân hàng Phát triển chịu rủi ro so với tổng dư nợ Ngân hàng Phát triển chịu rủi ro. Việc xác định số dư nợ xấu được thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phân loại tài sản có và cam kết ngoại bảng của Ngân hàng Phát triển.

Tiêu chí 3: Kết quả tài chính là chênh lệch giữa thu nhập và chi phí phát sinh trong năm đánh giá, được xác định theo báo cáo tài chính riêng lẻ đã được kiểm toán của Ngân hàng Phát triển.

Tiêu chí 4: Tình hình chấp hành pháp luật về đầu tư, quản lý và sử dụng vốn Nhà nước tại Ngân hàng Phát triển đối với các nghiệp vụ phát sinh trong năm đánh giá. Mức xử phạt vi phạm hành chính làm căn cứ để đánh giá xếp loại là số tiền phải nộp phạt ghi trên quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm được phát hiện trong năm tài chính thực hiện đánh giá xếp loại, không bao gồm số tiền phải nộp để thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.

Tiêu chí 5: Việc chấp hành quy định về chế độ báo cáo theo quy định tại Điều 31 Nghị định số 46/2021/NĐ-CP.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

Theo Lan (báo Chính phủ)

https://baochinhphu.vn/Chinh-sach-moi/Quan-ly-tai-chinh-va-danh-gia-hieu-qua-hoat-dong-cua-Ngan-hang-Phat-trien-Viet-Nam/443106.vgp

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)