Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Nhà máy Đạm Phú Mỹ vận hành trở lại: Thị trường urê “hạ nhiệt”

Thứ sáu, 17-07-2015 | 14:25:00 PM GMT+7 Bản in
Sau thời gian tăng giá cục bộ trong tháng 6, thị trường phân đạm urê đã hạ nhiệt do Nhà máy đạm Phú Mỹ sau thời gian nghỉ bảo dưỡng đã hoạt động trở lại, cung ứng urê ra thị trường với nguồn cung và giá cả ổn định.

Sau khi hoạt động trở lại, Nhà máy đạm Phú Mỹ đã cung ứng cho thị trường công suất tối đa 2.400 tấn urê/ngày. Ảnh: H.Q

Đạm Phú Mỹ bảo dưỡng thành công

Theo thông tin chính thức từ Nhà máy đạm Phú Mỹ, trong tháng 6, việc bảo dưỡng tổng thể nhà máy đã hoàn thành trước 2 ngày so với kế hoạch đề ra và đã đạt cả 4 chỉ tiêu về an toàn, chất lượng, tiến độ và chi phí. Nhà máy đã hoạt động với 100% công suất vào ngày 20.6.2015. Sau khi hoạt động trở lại, Nhà máy đạm Phú Mỹ tiếp tục cung cấp ra thị trường gần 2.400 tấn/ngày, tương đương 70.000 tấn/tháng. Trong vụ hè-thu 2015, nhu cầu phân đạm cho cây trồng cả nước dự kiến hơn 750.000 tấn, trong đó, sản lượng đạm Phú Mỹ do TCty Phân bón và Hoá chất Dầu khí (PVFCCo) cung cấp là khoảng trên 350.000 tấn.

Bên cạnh việc Nhà máy đạm Phú Mỹ đi vào hoạt động trở lại thì mới đây, ngày 19.6, Công ty TNHH MTV phân đạm Hà Bắc đã khánh thành dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, mở rộng và nâng công suất Nhà máy phân đạm Hà Bắc từ 180.000 tấn urê lên 500.000 tấn/năm, trong khi đó 2 nhà máy Đạm Cà Mau với công suất 800.000 tấn/năm và Đạm Ninh Bình 560.000 tấn/năm vẫn vận hành ổn định, hết công suất.

Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV) thì nhu cầu urê cho sản xuất nông nghiệp ở mức 2,2 triệu tấn/năm, trong khi công suất thiết kế của 4 nhà máy sản xuất phân đạm trong nước lên tới 2,6 triệu tấn. Ngoài ra, còn có thêm nguồn hàng nhập khẩu - đặc biệt là nhập khẩu từ Trung Quốc thì rõ ràng cung đã vượt cầu. Như vậy, có thể thấy việc “tăng nhiệt” như trong vài tuần qua chỉ mang tính thời điểm, cục bộ và chủ yếu là do yếu tố tâm lý tác động.

Giá urê từ nay đến cuối năm sẽ ổn định

Có nhiều cơ sở để dự báo giá urê từ nay đến cuối năm sẽ ổn định. Hiện tại nguồn cung đã rất ổn định và được cung cấp thêm 100.000 tấn urê nhập khẩu vào giữa tháng 7. Ghi nhận tại các chợ đầu mối phía nam, hiện tại, tại chợ Trần Xuân Soạn (TP.Hồ Chí Minh), giá urê đã hạ nhiệt và ổn định từ thời điểm cuối tháng 6 đến suốt những ngày đầu tháng 7. Thậm chí trong những ngày 2-3.7, giá urê trong nước liên tiếp giảm 200-300 đồng/kg và giữ giá ổn định khoảng 8.200-8.300đ/kg. Tại các tỉnh miền Trung, phần lớn khu vực đã hoàn tất chăm bón đợt 2 cho cây lúa, một số địa phương đã bón đợt 3 nên nhu cầu phân bón thấp, giá urê hiện đã giảm từ 100-200đ/kg. Tương tự, tại Tây Nguyên, bà con nông dân đã chăm bón xong đợt 1 cho cây cà phê, nhu cầu phân bón đang giảm trước khi khu vực bước vào đợt chăm bón thứ 2. Hiện giá urê cũng giảm nhẹ so với thời điểm tháng 6 do vụ hè-thu đã cơ bản xuống giống xong. Còn tại ĐBSCL, đại lý Thu Dung (tỉnh Bến Tre) cho biết, do NMĐ Phú Mỹ đã bảo dưỡng xong, hàng cung cấp đều, thị trường phân bón ổn định. Giá bán đến nông dân hiện nay như sau: Phân đạm từ 8.400-8.800đ/kg; kali: 8.600-8.700đ/kg; DAP Châu Âu: 12.800-12.900đ/kg (tuỳ loại).

Bên cạnh đó, sau thời gian tăng giá khá mạnh, giá urê thế giới tuần qua bắt đầu giảm nhẹ ở hầu hết các thị trường. Cụ thể, tại Trung Quốc, giá giao thầu và giá nội địa đều giảm nhẹ, vụ hè dự kiến sẽ kết thúc vào giữa tháng 7, nguồn cung xuất khẩu được kỳ vọng sẽ tăng sau thời điểm này. Tại thị trường Nga (Yuzzny), giá urê giảm xuống 285 USD/tấn FOB, nhu cầu giảm thấp đặc biệt là Châu Âu. Giá các gói thầu tại Sri Lanka tuần qua cho thấy rõ xu hướng giảm của urê thế giới với việc các đơn vị chào bán thấp hơn gần 11 USD/tấn so với gói thầu 1 tháng trước.

Đại diện PVFCCo cũng cho biết, sau khi hoạt động trở lại, Nhà máy đạm Phú Mỹ hiện cung ứng ra thị trường đạt tối đa công suất (khoảng 2.400 tấn/ngày). Toàn bộ lượng hàng này đều được khẩn trương đưa về các khu vực. Trong 6 tháng đầu năm 2015, PVFCCo đã cung cấp ra thị trường gần 440.000 tấn đạm Phú Mỹ và hơn 200.000 tấn phân bón khác. Ngày 7.7 vừa qua, 27.500 tấn kali Phú Mỹ do PVFCCo nhập khẩu cũng đã cập cảng, hiện đang tích cực đóng gói và vận chuyển về các vùng tiêu thụ để kịp thời đáp ứng nhu cầu chăm bón của bà con.

Hồng Quân (Lao Động online)

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)