Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Nâng trách nhiệm xã hội của DN da giày, dệt may

Thứ ba, 26-07-2011 | 16:52:00 PM GMT+7 Bản in
Thực tế trong ngành dệt may và da giày hiện nay - hai ngành sử dụng nhiều lao động, doanh nghiệp đang phải đối mặt với hàng loạt những khó khăn do mức lạm phát cao, mức lương tối thiểu tăng, thiếu nguồn lao động lành nghề...

Hơn thế, đây là ngành sử dụng nhiều lao động phổ thông, mà chủ yếu là lao động nữ, hầu hết là nhập cư, trình độ văn hóa không đồng đều. Bên cạnh đó, điều kiện lao động trong ngành này cũng không tốt, thời gian làm việc kéo dài, thường phải tăng ca, độc hại, và quan trọng là thu nhập thấp... dẫn đến biến động số lượng lao động, sản xuất không ổn định và thậm chí có thể dẫn đến những cuộc đình công tự phát.

Với mục đích tìm biện pháp khắc phục những vấn đề trên, ngày 25/8, tại Hà Nội, VCCI phối hợp với Tổ chức Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) đã tổ chức diễn đàn “Thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp dệt may và da giày Việt Nam.”

Tại diễn đàn, ông Vũ Hữu Tuyên - Phó Giám đốc Dự án “Hỗ trợ thực hiện pháp luật lao động và thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa ở Việt Nam” đưa ra thực tế, người sử dụng chú ý đến lợi ích kinh doanh nhưng người lao động quan tâm đến công bằng: lương trả bao nhiêu, đối xử như thế nào với tư cách một con người, quyền tham gia phát biểu ý kiến… Hai mối bận tâm này không phải lúc nào cũng thống nhất.

Do đó ông Tuyên lưu ý: “Người sử dụng lao động ngày nay buộc phải nhìn nhận quan hệ lao động và quản trị nhân lực từ góc độ chiến lược. Nói cách khác là không chỉ nhìn từ quan niệm có tính chất truyền thống đối với hoạt động đàm phán thương lượng về nội dung và điều kiện làm việc hay thực hiện chức năng công tác nhân sự và phúc lợi. Quan hệ lao động và quản trị nhân lực có mối liên hệ trực tiếp với năng lực cạnh tranh; Cách thức quản trị quan hệ lao động và nhân lực có tác động đến tình hình kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như năng suất lao động, chất lượng hàng hóa và dịch vụ. Do đó người sử dụng lao động cần quan tâm đến chi phí lao động, chất lượng đội ngũ lao động, ngăn ngừa và giải quyết tranh chấp lao động và khuyến khích động viên người lao động phấn đấu thực hiện các mục tiêu của doanh nghiệp”.

Để đảm bảo mối quan hệ lao động hài hòa, ông Tuyên khuyên các doanh nghiệp phải nâng cao trách nhiệm xã hội, doanh nghiệp và người lao động cần tuân thủ pháp luật lao động, người lao động có nguồn thu nhập đảm bảo, điều kiện làm việc thuận lợi, tổ chức công đoàn vững mạnh, thực hiện đầy đủ các chính sách lao động, xây dựng thỏa ước lao động tập thể tiến bộ, tiến hành thường xuyên đối thoại doanh nghiệp...

Theo ông Patrick J. Gilabert, Trưởng Đại diện UNIDO tại Việt Nam, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam là các doanh nghiệp nhỏ và vừa và năng lực của các doanh nghiệp này chưa đáp ứng được những yêu cầu về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Do đó, các doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức, hiểu biết và thực hiện trách nhiệm xã hội của mình trên các phương diện chính như: sản xuất hợp lý về mặt môi trường, cải thiện thông lệ về lao động và nâng cao năng lực canh tranh quốc tế.

Ông Florian Beranek – Cố vấn trưởng Dự án Trách nhiệm Xã hội Doanh nghiệp (UNIDO-EU) cũng khuyên các doanh nghiệp trong việc giữ chân các công nhân viên của mình bằng cách, không chỉ bằng việc trả lương cao mà còn phải thực sự quan tâm đến đời sống của công nhân viên trong công ty của mình. “Một số doanh nghiệp trả lời tôi rằng họ không có đủ nhiều tiền và không có nhiều thời gian để thực hiện việc đó. Tuy nhiên các chủ doanh nghiệp chỉ cần có những buổi trò chuyện với công nhân viên và hỏi về đời sống, tâm tư nguyện vọng của họ hiện nay như thế nào, có gặp khó khăn gì không… Những việc này không cần nhiều tiền và cũng không mất nhiều thời gian” – Ông Florian Beranek khẳng định.

Ông cũng khuyên các chủ doanh nghiệp nên có các biện pháp đào tạo, nâng cao kinh nghiệm, kỹ năng làm việc cho công nhân viên để đạt được năng suất cao và giao hàng đúng thời gian cho đối tác.

Hồ Hường

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)