Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Nâng cao năng lực thanh tra ngành LĐTBXH

Thứ hai, 08-11-2021 | 15:16:00 PM GMT+7 Bản in
Thanh tra ngành LĐTBXH được nâng cao toàn diện về năng lực nhằm đạt hiệu quả hơn nữa trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; xây dựng đội ngũ thanh tra “kỷ cương, liêm chính, đoàn kết, chuyên nghiệp” đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước của ngành và hội nhập quốc tế.

 

Đề án đặt mục tiêu 100% cơ quan, đơn vị cấp trung ương có chức năng, nhiệm vụ thanh tra sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý cuộc thanh tra...

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực thanh tra ngành Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) giai đoạn 2021-2025”.

Theo dự thảo, mục tiêu đến năm 2023, 90% công chức tại cơ quan, đơn vị có chức năng thanh tra thuộc ngành LĐTBXH được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành ít nhất 1 lần/năm theo các chương trình, tài liệu đã được cập nhật; các chương trình, tài liệu chuyên sâu, mang tính kỹ thuật, đáp ứng hoạt động thanh tra và hội nhập quốc tế; 90% công chức được bồi dưỡng nghiệp vụ theo yêu cầu của ngạch công chức.

Đồng thời, đề án đặt mục tiêu 100% cơ quan, đơn vị cấp Trung ương có chức năng, nhiệm vụ thanh tra sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý cuộc thanh tra, giám sát hoạt động đoàn thanh tra, theo dõi, đôn đốc, xử lý sau thanh tra và cập nhập cơ sở dữ liệu quản lý; 100% văn bản đi, đến thông thường được xử lý trên môi trường mạng; sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin trong việc trao đổi, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ đối với thanh tra Sở, các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Cấp địa phương: 70% thanh tra Sở sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý cuộc thanh tra, giám sát hoạt động đoàn thanh tra, theo dõi, đôn đốc, xử lý sau thanh tra; 100% đơn vị sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin để nhập số liệu thống kê, báo cáo, quản lý doanh nghiệp, đơn vị tự kiểm tra trực tuyến và nhập các dữ liệu phục vụ quản lý…

Đến năm 2025 hoàn thiện thể chế của thanh tra Ngành, tiếp cận, nghiên cứu đổi mới, nâng cao hiệu quả phương thức, hoạt động thanh tra Ngành; 100% cơ quan, đơn vị có chức năng thanh tra thuộc ngành LĐTBXH đủ trang thiết bị chuyên dùng phục vụ công tác thanh tra; 100% công chức công tác tại cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ thanh tra thuộc ngành LĐTBXH được trang bị điều kiện làm việc phù hợp với yêu cầu quản lý Nhà nước và chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025; 100% cơ quan, đơn vị có chức năng thanh tra thuộc ngành LĐTBXH sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin được xây dựng để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao.

Để đạt được các mục tiêu trên, dự thảo đưa ra các giải pháp như: Nghiên cứu xây dựng mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động, đổi mới quy trình, phương pháp thanh tra chuyên ngành LĐTBXH; tăng cường phối hợp trong và ngoài nước, củng cố vị thế, vai trò trong từng lĩnh vực; tổ chức các hoạt động giám sát, theo dõi, xử lý sau thanh tra, áp dụng khoa học, công nghệ trong công tác giám sát hoạt động đoàn thanh tra, theo dõi, xử lý sau thanh tra; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn tuân thủ quy định của pháp luật liên quan lĩnh vực quản lý Nhà nước của Ngành đến người dân và doanh nghiệp thông qua hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng…

Bộ LĐTB&XH đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo này trên Cổng TTĐT của Bộ.

Theo Báo Chính phủ

https://baochinhphu.vn/Chinh-sach-moi/Nang-cao-nang-luc-thanh-tra-nganh-LDTBXH/452400.vgp

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)