Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Luật Công nghiệp hỗ trợ phải ra đời nhanh chóng

Thứ tư, 20-04-2016 | 12:27:00 PM GMT+7 Bản in
(HQ Online)- TS. Phan Đăng Tuất, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp, Bộ Công Thương đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hải quan xung quanh vấn đề phát triển CNHT.

Thưa ông, Việt Nam đã mất rất nhiều thời gian, chính sách ưu đãi nhằm phát triển CNHT, nhưng đến nay CNHT của Việt Nam vẫn chưa phát triển được, theo ông nguyên nhân là do đâu?

Tôi nghĩ, đây là thời điểm vàng, chín muồi để thúc đẩy phát triển CNHT. Chính phủ đã có sự quan tâm rất xác đáng đến vấn đề này, cụ thể bằng Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển CNHT vừa được ban hành và đặc biệt tới đây Bộ Công Thương đang được giao soạn thảo Luật CNHT. Tôi nghĩ văn bản cao nhất này là sự mở đường cho sự phát triển CNHT. Kinh nghiệm phát triển CNHT của các nước cho thấy điều tiên quyết là chính là sự vào cuộc của chính quyền, chứ không phải là vốn, công nghệ. Cần phải coi phát triển CNHT là quốc sách sống còn cho sự phát triển bền vững, chứ không phải chỉ là một lĩnh vực, khía cạnh đơn thuần như người ta vẫn nói.

Quay trở lại với câu chuyện CNHT của Việt Nam, như tôi đã nói, hiện nay số lượng DN CNHT của Việt Nam tại 3 nhóm ngành gồm cơ khí điện tử và nhựa cao su là 1.383 DN, nếu so với tổng số khoảng 500.000 DN hiện có trên cả nước thì con số này chỉ chiếm khoảng 0,3%, một con số quá ít ỏi cho một nước muốn tiến lên công nghiệp hóa. Tôi cho rằng tới đây, với tỉ lệ quá ít như thế này không thể đủ làm nguồn lực để thúc đẩy phát triển. Chưa kể đến hạn chế là những DN đã có lại không thể tiếp cận vào chuỗi giá trị toàn cầu, họ giống như những con người đã lớn, đã được phát triển theo kiểu cũ, thấm nhuần phong cách cũ, do đó, quyết sách trong giai đoạn hiện nay là phải quay sang tạo dựng những DN mới, thuần khiết hơn, thông minh hơn và có nhiều cơ hội hơn để tham gia vào chuỗi giá trị.

Việc tạo dựng các DN mới này cụ thể là như thế nào, thưa ông?

Gần đây tôi có đề xuất chương trình set up (khởi nghiệp) DN CNHT, khuyến khích phát triển các DN mới làm CNHT. Để làm được điều đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tài chính, vì khi tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do thì Nhà nước không thể bỏ tiền cho việc phát triển DN được, nhưng phải tạo kênh, luồng tín dụng cho các DN ấy, đồng thời phối hợp với các “lồng ươm DN”, các cụm công nghiệp, để họ phối hợp, “sinh sản” ra các DN CNHT. Tôi nghĩ Nhà nước cần có kinh phí hợp pháp, đủ mạnh để xây dựng các trung tâm này, điều này không vi phạm hiệp định nào. Cụ thể, Nhà nước cần đầu tư mấy chục ngàn tỷ đồng để xây dựng các trung tâm “lồng ấp DN”, mời các chuyên gia nước ngoài chính là các nhà lắp ráp tương lai mà mình sẽ cung cấp linh phụ kiện cho họ để họ đào tạo tại chỗ, hỗ trợ phương tiện, thiết bị tại chỗ cho DN, để tương lai DN Việt Nam sẽ thành nhà cung cấp cho họ.

Tôi cho rằng, trước hết Chính phủ cần có đề án xây dựng các trung tâm “lồng ấp” để tạo ra các DN CNHT. Theo đó, tín dụng, chuyên gia nước ngoài, nhà lắp ráp của các hãng với kỹ thuật, thiết bị cao cấp sẽ được đưa đến trung tâm này để tạo điều kiện vực dậy ham muốn của thế hệ trẻ Việt Nam trong việc khởi sự DN CNHT. Chương trình này phải rất cụ thể, và theo kỳ vọng của tôi, đến năm 2020 sẽ có khoảng 5.000 DN CNHT, đến 2025 khi mọi việc đã vào luồng sẽ có trên 10.000 DN CNHT thì lúc ấy mới có thể nói đến câu chuyện phát triển.

Bên cạnh cơ hội, còn nhiều điểm nghẽn cản trở sự phát triển của ngành CNHT tại Việt Nam. Ảnh: Danh Lam.

Nhiều ý kiến cho rằng, không nên đầu tư dàn trải mà nên tập trung vào một số DN, một số ngành chủ lực. Vậy theo ông, thời gian tới chúng ta nên tập trung vào những mặt hàng chủ lực nào?

Tôi không thích cách phân loại theo hướng CNHT cho dệt may, CNHT cho ô tô... Nói cho cùng, chi tiết linh kiện chỉ có 3 loại: Cơ khí, điện tử, nhựa – cao su. Xét theo thứ tự ưu tiên dựa theo hoàn cảnh kinh tế Việt Nam, tôi cho rằng chi tiết nhựa và cơ khí cần được quan tâm. Hai chi tiết này trình độ công nghệ không cao và chiếm tỷ trọng rất lớn trong các sản phẩm, ví dụ tivi, máy gặt, máy photocopy... các chi tiết nhựa và cơ khí rất nhiều. Còn linh kiện điện tử, tuy giá trị gia tăng cao nhưng không dễ làm. Sự tiến bộ quá nhanh của linh kiện điện tử khó cho phép các quốc gia không có khoa học cơ bản có thể theo đuổi nó. Một trong những điều kiện cần để làm linh kiện  điện tử là các quốc gia có nền khoa học cơ bản về điện tử cao, có các trường, học viện, các thung lũng công nghệ. Việt Nam không có những cái đó, mà chủ yếu vẫn NK. Do đó, định hướng phát triển theo tôi nên tập trung cho linh kiện nhựa và cơ khí, nó phù hợp với điều kiện đầu tư và năng lực của nền kinh tế, trình độ khoa học kỹ thuật của đất nước. Như Thái Lan phát triển CNHT từ linh kiện nhựa cho xe máy, cho đến các đồ gia dụng. Đến nay họ đã thành công, cho thấy đó là sự lựa chọn phù hợp.

Phải nói thêm, bên cạnh linh kiện nhựa, cao su thì gốm hiện nay vẫn là chất liệu phổ quát, có thể thay thế cho thép siêu bền và đó cũng là một trong những hướng đi mới cần nghĩ đến cho CNHT Việt Nam.

CNHT rất quan trọng, nhưng theo ông, làm thế nào để có bước nhảy vọt vì Việt Nam đang chậm so với các nước khác? Cần kết hợp với các đối tác FDI như thế nào để được chuyển giao công nghệ?

Khi tham gia các FTA thế hệ mới thì các giải pháp hành chính không còn giá trị. Tôi còn nhớ, cách đây mười mấy năm, khi chúng tôi làm quy hoạch công nghiệp ô tô có đưa ra quy định sau bao nhiêu năm đầu tư thì phải nội địa hóa mấy chục phần trăm chi tiết linh kiện... Những quy định ấy bây giờ nhìn lại cảm thấy “vô duyên”, vì không có cơ sở, chế tài nào để xử lý. Tôi cho rằng con đường tới đây phải dùng các giải pháp kinh tế. Tuy nhiên, trong khuôn khổ các FTA, các giải pháp này còn rất nhiều khe hở. Ví dụ, việc tạo cho các tập đoàn lớn có cơ hội tốt hơn để họ phát triển ngay các nhà cung ứng. Nghị định 111/2015/NĐ-CP có nhiều ưu đãi và nếu các ưu đãi này được áp dụng cho các nhà đầu tư nước ngoài thì tôi chắc rằng các nhà đầu tư lớn như  Samsung, LG hay các tập đoàn của Nhật Bản rất chờ đợi cơ chế này.

Theo tôi, tới đây, nếu được sự quan tâm và phát triển CNHT được hiểu là quốc sách, là quyết sách để phát triển kinh tế thì Luật CNHT phải ra đời nhanh chóng. Ngay trong 3 năm liên tiếp từ 1956 - 1958, Nhật Bản đã cho ra đời 3 đạo luật về CNHT và người ta cho đây là 3 đạo luật đã cứu nền công nghiệp Nhật Bản. Sau đó Hàn Quốc cuối những năm 1960 cũng đã ban hành những đạo luật để phát triển CNHT. Nghị định là chưa đủ, chỉ có luật mới đủ tầm để kỳ vọng phát triển bền vững. Với luật, chúng ta có thể thực hiện được vấn đề chuyển giao công nghệ, đồng thời có thể  đưa vào luật những điều kiện tốt nhất để có thể tận dụng được các lợi ích ở các FTA, đảm bảo lợi ích của hai bên là nhà lắp ráp và nhà cung ứng.

Xin cảm ơn ông!

Theo Thu Hiền (Báo hải quan)

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)