Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Liên Bộ Tài chính và KH &ĐT hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với hoạt động xúc tiến đầu tư

Thứ hai, 10-08-2015 | 13:47:00 PM GMT+7 Bản in
Mới đây, liên bộ Tài chính và KH&ĐT đã ban hành Thông tư liên tịch số 90 /2015/TTLT-BTC-BKHĐT hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với hoạt động xúc tiến đầu tư.

Theo đó, Thông tư này hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với các hoạt động xúc tiến đầu tư quy định tại Quy chế quản lý nhà nước đối với hoạt động xúc tiến đầu tư ban hành kèm theo Quyết định số 03/2014/QĐ-TTg ngày 14/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm: Các hoạt động xúc tiến đầu tư thuộc chương trình của các đoàn cấp cao của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước; Các hoạt động xúc tiến đầu tư của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (UBND cấp tỉnh), Ban quản lý khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất, khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu (Ban quản lý).

Cơ chế tài chính đối với hoạt động thuộc chương trình Xúc tiến đầu tư quốc gia thực hiện theo Thông tư số 31/2013/TT-BTC ngày 18/3/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính chương trình Xúc tiến đầu tư quốc gia.

Đối tượng áp dụng là các đơn vị tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư gồm: Các Bộ và cơ quan ngang Bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ; UBND cấp tỉnh; Ban quản lý; các tổ chức, cá nhân được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư bằng ngân sách nhà nước; Các đơn vị tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư: các cơ quan, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng; Các tổ chức, các cá nhân khác có liên quan đến việc tổ chức và thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư.

Nguồn kinh phí thực hiện hoạt động xúc tiến đầu tư được quy định cụ thể:

- Kinh phí xúc tiến đầu tư của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của các Bộ, ngành.

- Kinh phí xúc tiến đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của địa phương.

- Kinh phí hoạt động xúc tiến đầu tư của các Ban quản lý được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm và các nguồn thu hợp pháp của Ban quản lý.

Ngoài ra, các đơn vị thực hiện hoạt động xúc tiến đầu tư được phép huy động kinh phí từ các nguồn đóng góp, tài trợ của các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp và nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định cụ thể về Nguyên tắc quản lý chi tiêu; Nội dung chi được Ngân sách nhà nước hỗ trợ;  Định mức chi; Thực hiện các hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế về xúc tiến đầu tư; Các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng, cơ hội và kết nối đầu tư

Theo đó, kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư nằm trong chương trình xúc tiến đầu tư đã được phê duyệt phải được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, theo đúng quy định về tiêu chuẩn, chế độ chi tiêu hiện hành và mức chi cho nội dung chương trình theo quy định tại Thông tư này. Đối với các nội dung chi chưa có chế độ hướng dẫn, căn cứ theo hợp đồng, hoá đơn chứng từ chi tiêu thực tế, hợp lý, hợp pháp theo quy định của pháp luật, đơn vị chủ trì phải chịu trách nhiệm về các quyết định chi cũng như tính chính xác, trung thực của các khoản chi và chứng từ kèm theo. Ngân sách nhà nước bố trí kinh phí cho hoạt động xúc tiến đầu tư của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, Ban quản lý, các tổ chức cá nhân được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư. Các đối tượng khác tham gia hoạt động xúc tiến đầu tư tự trang trải kinh phí. Việc huy động các nguồn lực xã hội phải đảm bảo minh bạch, rõ ràng, phù hợp với kế hoạch, chương trình được phê duyệt, phù hợp với các quy định của pháp luật, đảm bảo cân đối  hài hòa lợi ích chung của xã hội và lợi ích của các bên liên quan.

Kinh phí tài trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, kinh phí huy động từ nguồn hợp pháp, kinh phí thu được bên lề các hoạt động Xúc tiến đầu tư đều phải thể hiện đầy đủ trong quyết toán chương trình và được giảm trừ vào nguồn kinh phí ngân sách hỗ trợ. Trường hợp kinh phí huy động vượt quá kinh phí thực hiện của hoạt động xúc tiến đầu tư trong năm thì được sử dụng cho chương trình hoạt động xúc tiến đầu tư của năm sau.

Còn đối với các nội dung chi chưa có chế độ hướng dẫn, các khoản chi có tính chất đặc thù như hoạt động thông tin, tuyên truyền phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước; xuất bản các ấn phẩm, sách, tài liệu; chi làm phim; chi quảng bá; chi tổ chức sự kiện, phiên dịch tại nước ngoài... , các đơn vị thực hiện hoạt động xúc tiến đầu tư phải thực hiện chào giá cạnh tranh hoặc đấu thầu theo quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn Luật Đấu thầu.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định cụ thể về lập dự toán, phân bổ dự toán, tạm ứng, quyết toán kinh phí thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư, kiểm tra giám sát.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/08/2015./.


                                                                                                                             LP (Cổng thông tin điện tử bộ Tài Chính)

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)