Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Không đẩy rủi ro cho doanh nghiệp

Thứ năm, 16-07-2015 | 17:55:00 PM GMT+7 Bản in
Tại tọa đàm “Thực hiện thuế tiêu thụ đặc biệt của SABECO” do Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam tổ chức ngày 15/7, đại diện các cơ quan chức năng, chuyên gia, luật sư, DN đã trao đổi về những bất cập liên quan đến vấn đề thuế tiêu thụ đặc biệt.

Nhiều chuyên gia cho rằng vụ việc liên quan đến SABECO là một điển hình những vướng mắc về thể chế kinh tế và thúc đẩy cải cách môi trường kinh doanh. Ảnh: VGP/Huy Thắng

Trường hợp của SABECO

Bắt đầu từ cuộc họp báo của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), bà Trương Thị Việt Hương, Kiểm toán trưởng Khu vực 4 của KTNN khẳng định: Kết quả kiểm toán năm 2013 tại Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (SABECO) thì KTNN đề nghị các cơ quan liên quan yêu cầu Tổng công ty nộp bổ sung ngân sách hơn 467 tỷ đồng các loại thuế giá trị gia tăng, thu nhập DN, thu nhập cá nhân, tiêu thụ đặc biệt và các khoản thu khác. Riêng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) SABECO phải nộp bù là 408 tỷ đồng.

Về phía mình, trong văn bản gửi Bộ Công Thương, SABECO chấp thuận nộp bổ sung hơn 58 tỷ đồng tiền thuế giá trị gia tăng, thu nhập DN, thu nhập cá nhân và các khoản thu khác, nhưng không đồng tình với yêu cầu về thuế TTĐB. Tổng công ty cũng khẳng định đã làm đúng quy định của Nhà nước tại các nghị định, thông tư, công văn... được hướng dẫn nên không sai luật.

Ông Chung Trí Dũng - Chủ tịch Công đoàn SABECO cho biết, Tổng cục Thuế đã có văn bản hướng dẫn tính thuế tiêu thụ đặc biệt cho SABECO và DN đã thực hiện theo hướng dẫn này. Ngoài ra, qua kết luận các đợt thanh kiểm tra quyết toán thuế TTĐB từ 2008 đến nay khẳng định DN luôn tuân thủ các quy định của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Dưới góc độ quan điểm của người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kế toán,  kiểm toán, ông Phạm Công Tham, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam cho rằng:  Đạo lý của thuế TTĐB là đánh vào khâu sản xuất, thu từ giá nhà sản xuất bán ra. Do đó, việc truy thu thuế bao trùm các khâu thương mại, lưu thông phân phối là không đúng.

Cần vận dụng quy định tạo thuận lợi cho DN

Ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch SABECO khẳng định DN này từ trước đến nay vẫn hoạt động trên tinh thần thượng tôn luật pháp,  nếu cơ quan quản lý vẫn quyết định truy thu thuế TTĐB thì đơn vị vẫn sẽ chấp hành.

Tuy nhiên, quan điểm chung của nhiều chuyên gia cho rằng từ phát hiện của KTNN thì nên kiến nghị Bộ Tài chính sửa đổi các quy định nhằm tránh trường hợp DN lách luật, hưởng lợi hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm không hẳn không có lý về mặt lâu dài.  Tuy nhiên, việc hoàn thiện chính sách, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh là trách nhiệm của các cơ quan công quyền, không thể đẩy rủi ro chính sách về phía DN.

Dưới góc độ chuyên gia độc lập, khách quan, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng nếu không chỉ ra được DN phạm luật ở điểm nào, khoản nào thì không thể truy thu hay phạt DN. 

Nhìn rộng ra, theo ông Cung, vụ việc liên quan đến SABECO là một điển hình những vướng mắc về thể chế kinh tế và thúc đẩy cải cách môi trường kinh doanh. Không nước nào luật pháp hoàn thiện đến mức không có kẽ hở, việc đẩy rủi ro kẽ hở cho người dân và DN là vô lý. Nếu mỗi lần phát hiện ra lỗ hổng mà quay ra truy thu, phạt người dân doanh nghiệp, bắt họ gánh chịu tổn thất thì sẽ tạo ra tâm lý bất an, ảnh hưởng nghiệm trọng đến môi trường đầu tư kinh doanh.

“Tôi cho rằng khi luật pháp còn chưa rõ, có nhiều cách giải thích thì nên áp dụng theo hướng có lợi nhất cho người dân và DN. Tôi tin Bộ Tài chính hiểu và sẽ cân nhắc không quyết định truy thu”, ông Cung nói. 

Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết Bộ Tài chính đang có phương án sửa đổi Thông tư 05 theo hướng quy định rõ hơn đối tượng chịu thuế TTĐB để đảm bảo sự minh bạch, công bằng đối với tất cả các DN.

Huy Thắng (báo điện tử Chính Phủ)

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)