Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Hướng dẫn cách viết đúng trên hóa đơn GTGT

Thứ tư, 02-08-2017 | 16:40:00 PM GMT+7 Bản in
(Chinhphu.vn) – Dòng tổng tiền thanh toán trên hóa đơn phải được ghi bằng chữ, trường hợp chữ trên hóa đơn là tiếng Việt không dấu thì các chữ viết không dấu trên hóa đơn phải đảm bảo không dẫn tới cách hiểu sai lệch nội dung của hóa đơn…”.

Theo phản ánh của bà Lê Thị Hiền (TPHCM), Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Vận tải Nguyễn Minh Đức nhận được một hóa đơn bên mua trả lại với lý do số tiền viết bằng chữ trên hóa đơn có dấu phẩy. Đại diện Công ty giải thích, theo Điểm k, Khoản 1, Điều 4 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính: "Nội dung ghi không dẫn tới cách hiểu sai lệch nội dung của hóa đơn”, nhưng bên mua không đồng ý nhận hóa đơn, đề nghị xuất lại, mặc dù nội dung trên đều chính xác.

Qua hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, bà Hiền hỏi, cách giải thích trên đã đủ chưa, thiếu những gì? Trường hợp hóa đơn viết đúng, mà doanh nghiệp mua viện lý do không nhận, gây chậm trễ thanh toán thì có chế tài nào cho hành vi đó không?

Về vấn đề này, Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính trả lời như sau:

Tại điểm a khoản 3 Điều 5 Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Điều 16 Thông tư số 39/2014/TT-BTC như sau: “… Nội dung trên hóa đơn phải đúng nội dung nghiệp vụ kinh tế phát sinh; không được tẩy xóa, sửa chữa; phải dùng cùng màu mực, loại mực không phai, không sử dụng mực đỏ; chữ số và chữ viết phải liên tục, không ngắt quãng, không viết hoặc in đè lên chữ in sẵn và gạch chéo phần còn trống (nếu có). Trường hợp hóa đơn tự in hoặc hóa đơn đặt in được lập bằng máy tính nếu có phần còn trống trên hóa đơn thì không phải gạch chéo”.

Tại khoản 1 Điều 3 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn sửa đổi điểm k Khoản 1 Điều 4 Thông tư số 39/2014/TT-BTC như sau: “k. Hóa đơn được thể hiện bằng tiếng Việt, trường hợp cần ghi thêm chữ nước ngoài được đặt bên phải hoặc trong ngoặc đơn ( ) hoặc đặt ngay dưới dòng tiếng Việt và có cỡ nhỏ hơn chữ tiếng Việt.

Chữ số ghi trên hóa đơn là các chữ số tự nhiên: 0, 1, 2,3, 4, 5, 6, 7, 8, 9; Người bán được lựa chọn: sau số hàng nghìn, triệu, tỷ, nghìn tỷ, triệu tỷ, tỷ tỷ phải đặt dấu chấm (.), nếu có ghi chữ số sau chữ số hàng đơn vị hoặc sử dụng dấu phân cách số tự nhiên là dấu phẩy (,) sau chữ số hàng nghìn, triệu, tỷ, nghìn tỷ, triệu tỷ, tỷ tỷ và sử dụng dấu chấm (.) sau chữ số hàng đơn vị trên chứng từ kế toán.

Dòng tổng tiền thanh toán trên hóa đơn phải được ghi bằng chữ, trường hợp chữ trên hóa đơn là tiếng Việt không dấu thì các chữ viết không dấu trên hóa đơn phải đảm bảo không dẫn tới cách hiểu sai lệch nội dung của hóa đơn…”.

Căn cứ hướng dẫn tại Điều 20 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 51/2010/NĐ-CPngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/1/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 51/2010/ND-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ hướng dẫn xử lý đối với hóa đơn đã lập.

Theo trình bày của bà Lê Thị Hiền, vừa qua, đơn vị bà có nhận được một hóa đơn doanh nghiệp bên mua trả lại với lý do số tiền viết bằng chữ trên hóa đơn có dấu phẩy. Theo đó, nội dung phản ánh của bà Lê Thị Hiền chưa rõ ràng, đầy đủ và không gửi kèm theo tài liệu cụ thể. Vì vậy, đề nghị Công ty TNHH dịch vụ Thương mại Vận tải Nguyễn Minh Đức (nơi bà Lê Thị Thu Hiền đang làm việc) liên hệ với Cơ quan thuế quản lý trực tiếp Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Vận tải Nguyễn Minh Đức để trình bày cụ thể kèm theo hóa đơn bị trả lại để Cơ quan thuế quản lý trực tiếp hướng dẫn.

Theo Chinhphu.vn

Ý kiến bạn đọc (0)