Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Hạn chế chi phí vốn vay: DN tư nhân bất lợi nhất!

Thứ ba, 15-09-2015 | 13:40:00 PM GMT+7 Bản in
Nhiều ý kiến đề nghị xem lại quy định hạn chế chi phí vốn vay của DN – đề xuất mà bản thân Bộ Tài chính cũng dự đoán là sẽ có “tác động rất lớn” đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN nhỏ và vừa.

Nhiều DN nhỏ và vừa đang phụ thuộc lớn vào nguồn vốn vay

Đây là một trong những nội dung vừa được Bộ Tài chính đưa vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế, dự kiến sẽ được trình Quốc hội vào tháng 10 và bắt đầu áp dụng từ ngày 1/1/2016.

Theo đó, khi tính thuế thu nhập DN, sẽ khống chế chi phí lãi tiền vay không được trừ vào chi phí đối với khoản vay vượt quá nhiều lần vốn chủ sở hữu (được gọi là quy định “vốn mỏng”).

Chi phí lãi vay hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm!

Theo Bộ Tài chính, thực tế nhiều DN hoạt động chủ yếu dựa vào vốn đi vay, có khoản vay vốn sản xuất kinh doanh vượt gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu đã dẫn tới nguy cơ mất an toàn tài chính của DN.

Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng, Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết nhiều DN FDI báo cáo lỗ do chi phí trả lãi tiền vay cho công ty mẹ ở nước ngoài quá lớn, thậm chí có công ty đến hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, nhưng doanh thu luôn tăng trưởng qua các năm, không ngừng mở rộng sản xuất. Quy định mới được kỳ vọng sẽ hạn chế tình trạng chuyển giá thông qua việc cho vay nội bộ giữa các công ty trong cùng tập đoàn.

Về phương diện quốc tế, Bộ Tài chính khẳng định, nhiều nước có quy định về DN vốn mỏng. Khối OECD khuyến nghị áp dụng tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu là 3/1.

Đa số các nước như New Zealand, Đức, Úc, Nhật Bản, Ba Lan, Hà Lan, Tây Ban Nha, Chile, Peru, Nam Phi, Bồ Đào Nha, Brazil... quy định vốn vay của DN trên vốn chủ sở hữu vượt quá tỷ lệ 3/1 thì được coi là vốn mỏng,… Thậm chí tỷ lệ này còn thấp hơn ở một số nước phát triển, như Canada là 2:1, Pháp, Mỹ là 1,5:1…

Do đó, Bộ Tài chính đề xuất khống chế chi phí trả lãi tiền vay tương ứng với khoản vay vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu (5:1) với lĩnh vực sản xuất, tỷ lệ 4:1 với lĩnh vực còn lại. Từ năm 2019, tỷ lệ khống chế là 4:1 với lĩnh vực sản xuất và 3:1 với các lĩnh vực còn lại.

Ảnh hưởng quyền tự chủ kinh doanh?

Ông Phạm Ngọc Long, Giám đốc cấp cao Phòng Tư vấn thuế, Công ty Grant Thornton Việt Nam, cho rằng, dù có thực tế nêu như Bộ Tài chính nhưng điều này không hoàn toàn đúng. Đây là quyền tự chủ kinh doanh của DN. Nếu dự án khả thi thì ngân hàng sẵn sàng cho vay và chịu rủi ro về việc mất vốn.

Hơn nữa, giả sử chi phí lãi vay làm một DN lỗ thì DN cho vay lại có lãi và khoản lãi này lại nộp thuế thu nhập. Do đó, không thể cho rằng vì lãi vay mà làm thất thu ngân sách.

Bộ Tài chính cho rằng DN lỗ triền miên trong khi doanh thu luôn tăng trưởng, DN mở rộng quy mô kinh doanh mà nguyên nhân là do chi phí tài chính. Theo ông Long, lý do này không hợp lý vì đó là vấn đề chuyển giá. Nếu công ty mẹ cho công ty con vay theo lãi suất thị trường thì không thể nói DN lỗ do chuyển giá.

“Số chi phí vay có thể lớn, nhỏ căn cứ vào quy mô DN, khoản vay và dự án đầu tư, do vậy không nên căn cứ vào lãi vay trả vài ngàn tỷ đồng/năm mà làm khó cho hoạt động DN”, ông Long nói.

Khó cho DN tư nhân

Ban soạn thảo cho biết, khảo sát tình hình dư nợ của các DN nhà nước và DN FDI cho thấy, quy định nói trên sẽ không tác động lớn đến hai nhóm này. Tuy nhiên, Bộ cũng thừa nhận, trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn, DN chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa, khả năng tiếp cận vốn còn khó khăn, quy định hạn chế chi phí lãi vay có thể tác động bất lợi đến những DN đang phụ thuộc lớn vào nguồn vốn vay. Lộ trình mà dự thảo Luật đề ra nhằm hạn chế những tác động này.

Bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, hiện nay số DN trong ngành có tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu thuộc nhóm an toàn, không chịu nhiều tác động của quy định là rất ít. Còn lại chủ yếu đều thuộc nhóm có tỷ lệ nói trên ở mức gấp 6-7 lần, thậm chí 9-10 lần… Theo bà Dung, đó là vì các DN ngành dệt may trong nước chủ yếu làm gia công. Đây là những đặc thù tất yếu của DN, nếu áp quy định kiểm soát vốn quá gấp gáp, DN chắc chắn không thể đáp ứng kịp.

Ông Lê Anh Ba, Phó chủ tịch Hiệp hội Xây dựng Việt Nam cũng lo ngại tình trạng khó khăn tương tự như với DN dệt may xảy ra với kinh doanh BĐS. Bởi DN không thể lúc nào cũng có đủ tiền đầu tư mà 80% phải đi vay. “Quy định cứng như dự thảo đưa ra thì bí cho DN quá”, ông Ba bình luận.

Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cho rằng đề xuất của Bộ Tài chính chưa hợp lý. “Bộ lấy các nước giàu làm thước đo thì không phù hợp với VN có 90% là DN vừa và nhỏ luôn khát vốn”, ông này bình luận trên báo chí.

Cần cân nhắc kỹ

Ngay cả các ý kiến ủng hộ quy định về “vốn mỏng” cũng có không ít băn khoăn.

Lo ngại quy định rất mới này có thể gây xáo trộn hoạt động của DN, công ty Ernst&Young Việt Nam đề nghị lùi thời điểm áp dụng đến 1/1/2018 để DN có thời gian chuyển tiếp. Đồng thời, cần xem xét tỷ lệ cụ thể nhất là trong giai đoan mới đầu tư với các dự án có quy mô rất lớn để khuyến khích đầu tư.

Bà Đặng Thị Bình An, Chủ tịch HĐTV một công ty tư vấn thuế, đồng ý với quy định khống chế về vốn mỏng, nhưng cho rằng không nên chia theo ngành nghề. “Hiện nay DN đa ngành nghề, có sản xuất, có dịch vụ, vậy ta lấy tiêu thức nào để phân loại. Hơn nữa, lộ trình như dự thảo là quá nhanh”, bà An – cũng là nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế - nói.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế cho rằng vấn đề này đã có các quy định tại Luật Đầu tư để hạn chế. Do đó, cần cân nhắc tỷ lệ khống chế, thời điểm và lộ trình thực hiện.

Một vấn đề khác, theo các chuyên gia, là dự thảo Luật cần làm rõ công thức tính “vốn chủ sở hữu” là gì, định nghĩa “khoản vay” là gì. Nếu Ernst&Young khuyến cáo chỉ nên giới hạn trong các khoản vay dài hạn theo hợp đồng, thì bà An đề nghị vốn chủ sở hữu trong năm được xác định bằng số trung bình cộng của số dư đầu kỳ và cuối kỳ.

Hà Chính (Chinhphu.vn)

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)