Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Góp ý sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng

Chủ nhật, 19-08-2019 | 11:14:00 AM GMT+7 Bản in

Tên kiến nghị: Góp ý sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng

Tình trạng: Chưa phản hồi

Đơn vị kiến nghị: Hiệp Hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam

Công văn: 1879/PTM - KHTH, Ngày: 16/08/2019

Nội dung kiến nghị:

Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt nam (Hiệp hội) đã tổ chức buổi trao đổi gồm một số các nhà thầu trong đó có nhà thầu lớn như Coteccons, Hòa Bình, Delta, Vinaconex,… để phản ánh những nội dung có liên quan đến sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng. Dưới đây là một số ý kiến của các doanh nghiệp:

  1. Đồng bộ trong hệ thống pháp luật:

 Hệ thống Luật pháp của chúng ta hiện nay đang bị tình trạng có quá nhiều luật cùng tham gia điều chỉnh về một vấn đề dẫn đến tình trạng mâu thuẫn giữa các luật về cùng một vấn đề. Yêu cầu quan trọng nhất trong vấn đề chỉnh sửa luật là cố gắng đạt được sự đồng bộ giữa các luật và muốn thế cần phải đặt ra ranh giới, phạm vi điều chỉnh của mỗi luật phải thật phân minh, cụ thể. Luật Xây dựng phải đồng bộ với các luật có liên quan khác đặc biệt như các Luật Đầu tư, Luật đầu tư công, Luật đấu thầu, Luật nhà ở, Luật đất đai,…Ví dụ: Luật đầu tư công thì đối tượng điều tiết là các dự án đầu tư công, nhưng luật xây dựng lại điều chỉnh các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước và vốn nhà nức ngoài ngân sách. Quy định Hợp đồng xây dựng Luật xây dựng và luật đấu thầu cùng hướng dẫn. Đặc biệt những vấn đề liên quan đến dự án đầu tư như trình tự đầu tư xây dựng, lập thẩm định quyết định đầu tư, v..v.

Hiệp hội kiến nghị: Cần phân định rõ ràng hơn phạm vi điều chỉnh của hai luật này, theo đó luật xây dựng chỉ điều tiết các nội dung có liên quan từ quá trình thực hiện dự án.

  1. Bất bình đẳng giữa các chủ thể trong hợp đồng xây dựng:

Theo luật Xây dựng và luật đấu thầu, để thực hiện giành được gói thầu và để thực hiện hợp đồng phía nhà thầu phải thực hiện 4 lần bảo lãnh: Bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh hợp đồng, bảo lãnh thanh toán và bảo lãnh tạm ứng, nhưng thang toán chậm, nợ đọng,…thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư thì “vô can”, đây là vấn đề bất bình đẳng trong quan hệ hợp đồng, vì vậy Hiệp hội đề nghị đưa vào luật quy định cơ chế “bảo lãnh thanh toán đối với chủ đầu tư”. Theo đó khi khối lượng xây lắp hoàn thành đến 60 – 65% giá trị khối lượng xây lắp thì chủ đầu tư phải ký bảo lãnh để đảm bảo đủ vốn thanh toán cho công trình/gói thầu. Cơ chế này vừa đảm bảo tính công bằng giữa nhà thầu và chủ đầu tư, vừa khắc phục gảm bớt được tình trạng nợ đọng trong xây dựng XDCB mà gần chục năm nay chúng ta hô hào mãi mà chưa có biện pháp khắc phục.

  1. Bất cập về đóng bảo hiểm hợp động lao động ngắn hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng của nghành xây dựng:

Theo quy định của Luật Bảo hiểm Xã hội số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014 (điểm b Khoản 1 Điều 2) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 về nội dung “người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 3 tháng thuộc đối tựơng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc đã gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp xây dựng. Hiện nay tất cả các doanh nghiệp xây dựng hàng năm đều phải sử dụng một lực lượng lao động rất lớn mang tính thời vụ, nông nhàn cho các công việc không yêu cầu kỹ thuật cao, ví dụ như  CTCP XD Vinaconex 2 sản lượng chỉ 1000 tỷ nhưng hàng năm phải sử dụng trên 3.000 người thời vụ, hay TCT Lũng lô (Bộ QP)  có thời điểm lên tới 3.500 người hay Tập đoàn COTANA sử dụng thường xuyên 1.500 lao động/năm, v,,v,

Về vấn đề này Hiệp hội đá có văn bản số 29/2019/VACC ngày 21/5/2019 (bản sao gửi kèm theo), đề nghi Quốc hội xem xét tháo gỡ cho doanh nghiệp.

  1. Về cấp chứng chỉ hành nghề trong hoạt động xây dựng:

Theo luật xây dựng, hoạt động xây dựng có hai loại chứng chỉ: chứng chỉ hoạt động xây dựng để cấp cho hoạt động xây dựng của doanh nghiệp và chứng chỉ hành nghề để cấp cho cá nhân. Theo quy định Khảo 4 Điều 148: Bộ Xây dựng cấp chứng chỉ năng lực hạng I; Sở Xây dựng cấp chứng chỉ năng lực hạng II, hạng III. Về vấn đề này Hiệp hội kiến nghị: Để phù hợp với thông lệ quốc tế thì cơ quan nhà nước (Bộ xây dựng, Sở xây dựng) chỉ cấp Chứng chỉ hoạt động xây dựng (cho doanh nghiệp) Hạng I, II, III, Các tổ chức xã hội nghề nghiệp cấp chứng chỉ hành nghề (cho cá nhân) các hạng I, II, III theo quy định của pháp luật.

  1. Công tác thanh tra, kiểm tra gây khó khăn cho doanh nghiệp xây dựng:

Mặc dù đến nay Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo và văn bản như Chỉ  thị số 10/CI-TTg ngày 22/4/2019 về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc hay Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/7/2017 về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp khẳng định nghành thanh tra “không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 01 lần/năm đối với doanh nghiệp” nhưng tình trạng trong một năm, hoặc cùng một thời điểm nhiều đoàn thanh, kiểm tra cùng đến doanh nghiệp, dẫm đạp lên nhau về cùng một nội dung gây vô cùng khó khăn cho doanh nghiệp.

Hiệp hội kiến nghị: Xây dựng cơ chế giao cho Thanh tra Chính phủ làm đầu mối thống nhất và phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm để doanh nghiệp biết được họ phải tiếp bao nhiêu đoàn thanh tra (trừ thanh tra đột xuất, thanh tra vụ việc), có chế tài công nhận kết quả thanh tra để tránh tình trạng cùng một nội dung hai đoàn thanh tra cùng làm.

  1. Công tác định mức - đơn giá và thẩm định dự toán:

Hệ thống định mức hiện nay đã được sửa đổi bổ sung rất nhiều lần nó phù hợp với cách làm rất cũ từ hàng chục năm nay nhưng quá chi tiết, vụn vắt đã làm khó cho công tác đo bóc tiên lượng và lập dự toán, mất nhiều thời gian và kéo dài khâu chuẩn bị dự án, thẩm định và thực hiện dự án. Vì vậy Hiệp hội kiến nghị cơ chế sử dụng định mức- đơn giá tổng hợp để lập, thẩm định Tổng mức đầu tư làm cơ sở để chủ đầu tư xác định tổng mức đầu tư, giá gói thầu, lập kế hoạch đấu thầu theo Luật đấu thầu.

Về thẩm định dự toán xây dựng, Hiệp hội đề nghị luật quy định chỉ thẩm định chi phí ở bước xác định tổng mức đầu tư dự án (tương ứng với bước thiết kế cơ sở) , tức là thẩm định tổng mức đầu tư cùng với giai đoạn thẩm định thiết kế cơ sở (đối với dự án nhóm A) hay thiết kế kỹ thuật đối với dự án nhóm B,C), Phần dự toán chi tiết ở bước thiết kế kỹ thuật (đối với nhóm A) hay thiết kế bản vẽ thi công (nhóm B, C) để chủ đầu tư tự tổ chức thầm định. Giá trị kết quả thẩm định của chủ đầu tư quy định rõ trong luật là không được vượt giá trị tổng mức đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Như vậy cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng chỉ thẩm định thiết kế một lần thay vì nhiều lần sẽ rút ngắn được thời gian triển khai dự án so với luật xây dựng năm 2014.

            Ngoài ra trong các câu chữ trong văn bản luật cần thật phân mình, rõ ràng để khi áp dụng không thể hiểu sai được tinh thần của luật.


Đơn vị phản hồi: Bộ Xây dựng

Công văn: , Ngày:

Nội dung trả lời:

Ý kiến bạn đọc (0)