Theo Bộ Công thương, Thông tư 17/2022/TT-BCT có nhiều điểm mới, trong đó đáng chú ý là bổ sung Điều 3a về thời hạn của giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp.
Theo đó, giấy phép cấp mới có thời hạn hiệu lực là 5 năm kể từ ngày cấp. Đối với hóa chất hữu cơ khó phân hủy (POP), thời hạn của giấy phép là 5 năm kể từ ngày cấp hoặc bằng thời hạn đăng ký miễn trừ quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, căn cứ theo thời hạn nào đến trước. Thời hạn của giấy phép cấp lại và cấp điều chỉnh bằng thời hạn còn lại của giấy phép đã cấp.
Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất lĩnh vực công nghiệp có thời hạn 5 năm. Ảnh: TL |
Bên cạnh đó, thông tư sửa đổi quy định về việc báo cáo tổng hợp tình hình hoạt động hóa chất của tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp.
Trước ngày 15/2 hàng năm (quy định hiện hành là trước ngày 15/1 hàng năm), tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp có trách nhiệm báo cáo tổng hợp tình hình hoạt động hóa chất của năm trước đến Cục Hóa chất, sở công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đặt trụ sở chính và nơi đặt địa điểm sản xuất, kinh doanh thông qua hệ thống Cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia (https://chemicaldata.gov.vn/cms.xc).
Tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp có trách nhiệm báo cáo khi có sự cố xảy ra trong hoạt động hóa chất hoặc chấm dứt hoạt động hóa chất đến Cục Hóa chất, sở công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đặt trụ sở chính và nơi đặt địa điểm sản xuất, kinh doanh.
Theo quy định của thông tư này, trước ngày 1/3 hàng năm, sở công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm báo cáo công tác quản lý hoạt động hóa chất của tổ chức, cá nhân trên địa bàn quản lý đến Cục Hóa chất thông qua hệ thống Cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia. Thông tư có hiệu lực từ ngày 22/12/2022. |