Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ chính trị sẽ được ưu đãi thuế

Thứ tư, 16-09-2015 | 14:02:00 PM GMT+7 Bản in
Bộ Tài chính đang dự thảo Thông tư hướng dẫn cơ chế tài chính đối với các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHHMTV) do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị, đảm bảo an sinh xã hội, cân đối cung cầu cho nền kinh tế.

Các hoạt động tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp như của Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt là thực hiện nhiệm vụ chính trị và sẽ có cơ chế ưu đãi, hỗ trợ. Ảnh TL minh họa
Thông tư này hướng dẫn cơ chế tài chính và hạch toán, khi các công ty TNHHMTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, công ty- gọi tắt là doanh nghiệp- DN) tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị, đảm bảo an sinh xã hội, cân đối cung cầu cho nền kinh tế theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc tự nguyện đăng ký thực hiện theo chủ trương của Nhà nước; các hoạt động trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, cung ứng các dịch vụ công ích. 

Ưu tiên vay vốn tín dụng, miễn giảm tiền thuê đất

Theo dự thảo, các DN tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị được đưa vào danh mục các đối tượng được ưu tiên vay vốn tín dụng do Chính phủ bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển nhà nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Các DN dạng này nếu thỏa mãn các điều kiện về miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với diện tích đất sử dụng đúng mục đích, nhiệm vụ chính trị.

Việc thực hiện miễn, giảm sẽ thực hiện theo quy định tại Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ và Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ (về thu tiền sử dụng đất, về thuê đất, thuê mặt nước) và các văn bản sửa đổi, bổ sung.

Chi phí DN cho hoạt động thực hiện nhiệm vụ chính trị được hạch toán riêng 

Để quản lý các DN hoạt động thực hiện nhiệm vụ chính trị, dự thảo quy định: Các DN mở sổ kế toán chi tiết để theo dõi riêng doanh thu hoạt động sản xuất kinh doanh và cung ứng sản phẩm, dịch vụ khi tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị, đảm bảo an sinh xã hội, cân đối cung cầu cho nền kinh tế.

Các khoản chi phí phát sinh trong quá trình các DN tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị được hạch toán riêng và phải đảm bảo tính hợp lý, hợp lệ theo quy định của pháp luật liên quan.

Các DN mở sổ kế toán chi tiết để theo dõi riêng chi phí phát sinh trong quá trình tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị theo nguyên tắc:

Trường hợp DN sử dụng, hạch toán riêng tài sản cố định, tài sản lưu động và chi phí khác phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị thì tập hợp các chi phí theo chứng từ thực tế.

Trường hợp DN sử dụng chung tài sản cố định, tài sản lưu động, không thể tách riêng chi phí khác thì thực hiện phân bổ chi phí theo tỷ lệ doanh thu của phần hoạt động sản xuất kinh doanh và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ khi tham gia thực hiện nhiệm vụ được giao, với tổng doanh thu của hoạt động sản xuất kinh doanh chung.

Chênh lệch doanh thu và chi phí của hoạt động sản xuất kinh doanh và cung ứng sản phẩm, dịch vụ khi tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị được hạch toán vào kết quả sản xuất kinh doanh chung của DN để thực hiện xác định thuế TNDN, theo quy định của pháp luật.

Trường hợp doanh thu lớn hơn chi phí thì thu nhập từ việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được áp dụng ưu đãi thuế TNDN theo quy định của Luật thuế TNDN...

Các trường hợp được loại trừ khi đánh giá tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh và xây dựng quỹ tiền lương đối với DN tham  thực hiện gia nhiệm vụ chính trị.

Khi đánh giá tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh và xây dựng quỹ tiền lương, DN được loại trừ khoản lỗ do tham gia nhiệm vụ chính trị ảnh hưởng đến việc: Đánh giá mức độ bảo toàn vốn của doanh nghiệp; Xếp loại doanh nghiệp; Xét khen thưởng doanh nghiệp, khen thưởng bộ máy điều hành DN; Xây dựng quỹ tiền lương kế hoạch, xác định quỹ tiền lương thực hiện năm đối với người lao động; khi xây dựng quỹ tiền lương, thù lao kế hoạch, xác định quỹ tiền lương, thù lao thực hiện năm đối với viên chức quản lý.

                                   (Nguồn: Điều 11, dự thảo Thông tư)

Thanh Bình (Thời báo Tài Chính Việt Nam)

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)