Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Doanh nghiệp nông dược phải làm bạn với nhà nông!

Thứ tư, 21-01-2015 | 10:27:00 AM GMT+7 Bản in
Ông Quách Thành Đồng - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông dược H.A.I nói rằng, trăn trở lớn nhất của ông chính là nguồn nhân lực và mối quan hệ với người nông dân.

Kinh doanh nông dược đòi hỏi người kinh doanh phải có cái tâm với người nông dân. Theo ông Đồng, đây là điều không dễ, bởi dù cần cù, chịu khó nhưng người nông dân Việt Nam vẫn có tâm lý “Đứng núi này trông núi nọ”, khiến các doanh nghiệp luôn rơi vào tình trạng bất ổn. Điều này buộc chủ doanh nghiệp phải tính toán để nông dân và công ty cùng có lợi.

- Theo ông, tại sao người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp hay có tư tưởng “Đứng núi này trông núi nọ”?

Nguyên nhân thì rất nhiều, nhưng theo tôi có hai yếu tố cơ bản. Một là thị trường lao động hiện có quá nhiều cơ hội việc làm, hai là cuộc chiến giành nhân tài giữa các đối thủ cạnh tranh bằng những bổng lộc và trợ cấp ưu đãi... là nguyên nhân tạo ra tâm lý muốn nhảy việc của người lao động.

- Trong khi nhiều chủ doanh nghiệp cho rằng, nỗi lo lớn nhất của họ là nguồn vốn, ông lại quan tâm nhiều hơn đến nhân sự. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn vì sao?

Lĩnh vực cung ứng vật tư nông nghiệp hiện nay cạnh tranh rất gay gắt. Trước năm 2000, cả nước có có trên 10 doanh nghiệp kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, nhưng hiện tại con số này đã lên tới 300. Đã vậy, các công ty nước ngoài còn chiêu dụ nhân tài bằng cách trả lương cao hơn gấp nhiều lần doanh nghiệp trong nước và H.A.I cũng không tránh khỏi sự tổn thất đó. Sau nhiều đêm trăn trở, tôi nhận ra muốn giữ nhân tài và giảm tỷ lệ biến động nguồn nhân lực thì việc quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ công nhân viên, cũng như gia tăng phúc lợi cho họ là một giải pháp hữu hiệu. Song, chọn cách gia tăng phúc lợi như thế nào để kích thích và động viên tinh thần của người lao động là điều không dễ.

- Vậy cụ thể ông chọn giải pháp nào?

Qua tìm hiểu tôi nhận thấy, hiện nay khi người lao động nghỉ hưu thì nguồn sống chính là lương hưu. Nhưng nếu cuộc sống của họ sau khi về hưu mà chỉ trông cậy vào tiền lương hưu của Nhà nước sẽ không đủ trang trải cho cuộc sống sau này. Vì vậy, ngay sau khi Chính phủ và Bộ Tài chính cho phép triển khai Quỹ hưu trí tự nguyện, ban lãnh đạo H.A.I đã quyết định mua sản phẩm này cho 200 cán bộ công nhân viên, mỗi người 600.000 đồng/tháng.

- Căn nguyên nào khiến người nông dân vẫn nghèo, trong khi Việt Nam là một đất nước nông nghiệp?

Phải nói rằng, nhiều năm qua Nhà nước đã có rất nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ cho ngành nông nghiệp, nhất là từ năm 2013 nông nghiệp Việt Nam đã đạt được các thành tựu rất đáng kể và chiếm gần 21% GDP của đất nước. Tuy nhiên, có điều nghịch lý là mặc dù nhiều nông sản Việt Nam đứng trong top đầu về xuất khẩu trên thế giới, nhưng nông dân Việt Nam vẫn nghèo, giá nông sản rẻ hơn nhiều so với các quốc gia khác. Một trong nhiều nguyên nhân là đầu ra của thị trường khi người dân không thể chủ động mà phụ thuộc vào thương lái và bị trung gian “hưởng thụ” một phần tiền không nhỏ. Thực tế, có không ít trường hợp người nông dân chỉ làm theo “bầy đàn” nên mới có chuyện trái cây dù trúng mùa nhưng không ai mua, nông dân khóc ròng. Điều này diễn ra không phải một vài lần mà rất thường xuyên.

- Từ những trăn trở ấy, ông cho rằng đâu là những giải pháp thúc đẩy ngành nông nghiệp, cải thiện cuộc sống của người nông dân?

Bí quyết thành công của một doanh nghiệp nông nghiệp là phải làm bạn với nhà nông, bằng tất cả tấm lòng và    cái tâm

Có người hỏi tôi, điều quan trọng nhất của một doanh nghiệp là gì? Tôi trả lời: đó là xác định được hướng đi và sứ mệnh. Sứ mệnh của một doanh nghiệp chính là “cái tâm” kinh doanh của doanh nghiệp đó. Sứ mệnh của H.A.I là làm sao để người nông dân thu được thành quả lao động của họ một cách hiệu quả nhất. Muốn có hiệu quả thì sản phẩm mình cung ứng phải đạt chất lượng cao nhất, phải được thị trường chấp nhận với giá thành tốt nhất.

Tôi vẫn thường nhắc nhở nhân viên, điều quan trọng nhất mang lại thành công cho H.A.I là phải làm bạn của nhà nông. Tôi cho rằng, chỉ cần làm tốt nhất những gì có thể trong lĩnh vực của mình bằng tất cả tấm lòng và cái tâm đã có thể xem là đóng góp hữu ích rồi.

- Đặt mục tiêu đưa H.A.I trở thành doanh nghiệp đứng trong Top 3 thị phần cả nước ở lĩnh vực nông dược vào năm 2016, ông có cảm thấy áp lực?

Trong quản trị doanh nghiệp có hai vị trí, bao gồm lãnh đạo và quản lý. Điểm khác nhau lãnh đạo là nghệ thuật, là bẩm sinh, còn quản lý là kỹ năng, phải học hỏi rèn luyện mới làm tốt. Với cương vị tổng giám đốc cần phải điều hành nên kỹ năng nhiều hơn, nhưng cũng có lúc phải “2 trong 1”, áp lực lớn nhất là phải hoàn thành nhiệm vụ do cổ đông và hội đồng quản trị giao phó.

Hiện H.A.I là đối tác phân phối của các nhà sản xuất nông dược lớn trên thế giới như: Domnic Holm (Ấn Độ), Kumiai Chemical Industry Co.Ltd, Otsuka Agritechno, Nippon Soda (Nhật Bản)… Vì vậy, ngoài việc đẩy mạnh phân phối sản phẩm của các đối tác này, chúng tôi còn phải tăng cường hợp tác với các đối tác nước ngoài khác để tăng lợi nhuận cho công ty. Bên cạnh đó, tôi còn lên kế hoạch mở rộng nhà máy, đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại và nâng cấp trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) sản phẩm, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và cạnh tranh ở thị trường nước ngoài. Chiến lược tiếp theo của H.A.I là sẽ phát triển sản phẩm phục vụ việc trồng và chăm sóc cây tại gia đình (home garden), bao gồm từ giống đến phân bón, chăm sóc, bảo vệ...

- Xin cảm ông!

Lữ Ý

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)