Lãi suất tiền gửi tối đa của các tổ chức tín dụng nhà nước tại Ngân hàng Chính sách xã hội đã được quy định tại Thông tư 23. Ngoài ra, văn bản này cũng quy định về việc các tổ chức tín dụng nhà nước duy trì số dư tiền gửi tại Ngân hàng Chính sách xã hội bằng 2% số dư nguồn vốn huy động.
Các tổ chức tín dụng nhà nước duy trì tiền gửi tại Ngân hàng Chính sách xã hội bao gồm các ngân hàng thương mại nhà nước và các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ.
Đề xuất giảm lãi suất tiền gửi tối đa tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Ảnh: T.L |
Về lý do sửa đổi, Ngân hàng Nhà nước cho biết thời gian qua đã nhận được một số ý kiến của tổ chức tín dụng nhà nước và Ngân hàng Chính sách xã hội phản ánh về các vướng mắc liên quan đến quy định tại Thông tư 23, như chưa quy định thống nhất phạm vi xác định số dư tiền gửi, phí huy động vốn...
Trong quá trình nghiên cứu các quy định của pháp luật liên quan, Ngân hàng Nhà nước nhận thấy cần xem xét sửa đổi, bổ sung một số nội dung để tạo thuận lợi cho việc triển khai thực hiện quy định duy trì số dư tiền gửi 2%.
Một trong những nội dung đề xuất đưa vào dự thảo sửa đổi Thông tư 23 là các tổ chức tín dụng nhà nước không phải thực hiện quy định về duy trì số dư tiền gửi 2% tại Ngân hàng Chính sách xã hội trong thời gian được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định kiểm soát đặc biệt.
Theo đó, trường hợp tổ chức tín dụng nhà nước được kiểm soát đặc biệt khi đang duy trì số dư tiền gửi 2% tại Ngân hàng Chính sách xã hội, thì tổ chức tín dụng nhà nước được rút toàn bộ số dư tiền gửi này tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
Ngoài ra, dự thảo thông tư mới cũng quy định việc xác định lãi suất tiền gửi, trong đó, một trong những tiêu chí là chi phí huy động vốn bình quân do Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức tín dụng nhà nước thỏa thuận nhưng tối đa là 1,30%/năm. Tiêu chí này có giảm hơn so với quy định hiện hành tại Thông tư 23, với lãi suất tối đa là 1,35%.