Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Đầu tư cho nông nghiệp: 'Khát' vốn dù có nhiều ưu đãi

Thứ ba, 15-03-2016 | 10:16:00 AM GMT+7 Bản in
(TBTCVN) - Hiện nay, nguồn vốn ưu đãi đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (NNNT) vẫn còn nhiều dư địa, tuy nhiên các doanh nghiệp (DN) vẫn “khát vốn” do có nhiều vướng mắc trong quá trình tiếp cận vốn.
đồng lúa
Ngân hàng rất “ngại” khi cho vay vốn đầu tư vào NNNT.

TS.Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường Đào tạo cán bộ Ngân hàng BIDV đã cho biết như vậy khi trao đổi với phóng viên TBTCVN về giải pháp gỡ vướng giúp DN dễ dàng tiếp cận vốn khi đầu tư vào lĩnh vực NNNT. 

* PV: Nhiều DN “phàn nàn” vốn dành cho đầu tư trong lĩnh vực NNNT rất ít, khó tiếp cận, nhận định của ông về vấn đề này như thế nào?

- Ông Cấn Văn Lực: Thực tế vốn ưu đãi đầu tư trong nông nghiệp vẫn còn nhiều “dư địa”. Hiện nay, chúng ta có 5 nguồn vốn dành cho lĩnh vực NNNT gồm nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, hỗ trợ phát triển chính thức  (ODA), vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tài chính vi mô, và tín dụng ngân hàng.

Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp từ ngân sách còn ít, chỉ chiếm khoảng 6% trong tổng vốn đầu tư kinh tế, xã hội; vốn ODA, lũy kế đến nay là 5,5 tỷ USD, chiếm 7% trong tổng vốn ODA vào Việt Nam. Nguồn vốn tiếp theo là vốn FDI đầu tư vào nông nghiệp, tích lũy hiện nay là 3,72 tỷ USD, chỉ chiếm 1,5% tổng vốn FDI vào Việt Nam; còn tài chính vi mô bao gồm các quỹ, hiệp hội…, đầu tư vào NNNT mới chỉ chiếm 4% GDP. 

Nguồn vốn cuối cùng là tín dụng của ngân hàng. Tính đến cuối năm 2015, tín dụng ngân hàng có khoảng 845.000 tỷ đồng, nếu cộng thêm 100.000 tỷ đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội và 100.000 tỷ đồng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam thì tổng nguồn vốn tín dụng dành cho NNNT có khoảng hơn 1 triệu tỷ đồng. Đây cũng là tỷ lệ vốn khá cao, chiếm khoảng 17% tổng dư nợ của nền kinh tế.

Đặc biệt, nguồn vốn này còn được tăng thêm khi mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cũng đã chỉ đạo các ngân hàng phải đầu tư ít nhất 20% vốn vào nông nghiệp từ nay đến năm 2018. Như vậy, lượng vốn cho vay đầu tư vào lĩnh vực NNNT vẫn sẽ còn nhiều.

 
 

ông lực 

Ông Cấn Văn Lực

 

* PV: Vậy theo ông, vì sao lĩnh vực NNNT vẫn “đói” vốn?

- Ông Cấn Văn Lực: Hiện tại có rất nhiều bất cập, tồn tại khiến DN và vốn ưu đãi chưa “gặp nhau”. Trước tiên là do tư duy ưu đãi trong vốn tín dụng chưa được rõ ràng. Lâu nay chúng ta cứ nghĩ vốn ODA là cho không, lãi suất đầu tư cho NNNT phải cực kỳ thấp… Nhưng thực tế, các ngân hàng đã bỏ ra rất nhiều chi phí để cho vay trong NNNT, vốn cho vay thì nhỏ lẻ trong khi thu hồi nợ rất khó. Vì thế, ngân hàng rất “ngại” khi cho vay vốn đầu tư vào NNNT.

Bất cập tiếp theo là tài sản đảm bảo cho vay trong NNNT gần như không hề có. Tuy Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo tăng cường cho vay tín chấp trong NNNT nhưng cho vay tín chấp không hề dễ bởi DN và người dân không đủ thông tin minh bạch cho ngân hàng thì không thể cho vay được.

Ngoài ra, vấn đề bảo hiểm trong nông nghiệp chưa có tổng kết đánh giá đầy đủ, mới chỉ ở dạng thí điểm. Vì thế, nhiều khi ngân hàng cho vay đầu tư mà không biết đối tượng đầu tư và lĩnh vực đầu tư đó có bảo hiểm hay không. Hơn nữa, việc thiếu mô hình chuỗi cung ứng thực sự khiến ngân hàng khó đặt niềm tin vào hiệu quả đầu tư.

Song song đó, hiện các ngân hàng cũng đang thiếu những sản phẩm tài chính tài trợ cho NNNT. Ví dụ đối với gói tín dụng cho vay thâm canh cà phê, không phải ngân hàng nào cũng cho vay được vì không có cán bộ thẩm định cà phê hoặc không biết cho vay bao nhiêu thì phù hợp. Vì thế, các ngân hàng ngần ngại trong việc cho vay…

* PV: Để tháo gỡ vướng mắc về vốn, tạo điều kiện cho các DN tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ trong lĩnh vực NNNT, theo ông Nhà nước cần có chính sách gì?

- Ông Cấn Văn Lực: Để các DN tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ trong lĩnh vực NNNT từ các ngân hàng và nhiều nguồn lực khác, Nhà nước cần phải rà soát và điều chỉnh các chính sách hỗ trợ trong NNNT phù hợp với thực tiễn. Cùng với đó, Nhà nước cần thực thi chính sách tốt hơn, sát với thị trường hơn nữa. Ví dụ như Nghị định 55/2015/NĐ-CP về hỗ trợ DN đầu tư vào nông nghiệp là một nghị định rất tốt nhưng còn có nhiều mục chưa đồng nhất. Đặc biệt, để chính sách đi vào cuộc sống, giúp DN tiếp cận vốn ưu đãi tốt hơn, các bộ, ngành cần ngồi lại với nhau để hỗ trợ DN trên nhiều góc độ… 

* PV: Xin cảm ơn ông!

Diệu Hoa (Thời báo tài chính Việt nam)

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)