Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020
Từ tháng 5/2003-12/2003, theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Tín chuyển công tác đến Ngân hàng Nông nghiệp (100% vốn Nhà nước), do Công ty Vàng bạc được sáp nhập vào Ngân hàng Nông nghiệp.
Từ tháng 12/2003 đến nay, ông công tác tại Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh (100% vốn Nhà nước).
Trong các lần chuyển công tác ông chưa nhận khoản trợ cấp thôi việc nào. Ông dự kiến xin nghỉ việc vào tháng 2/2022. Ông Tín hỏi, trường hợp của ông được tính trợ cấp thôi việc như thế nào? Đơn vị nào có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho ông?
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời vấn đề ông Tín hỏi như sau:
Điều 8 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định trợ cấp thôi việc như sau: Người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật Lao động đối với người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 của Bộ luật Lao động, trừ các trường hợp sau:
- Người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật Lao động và pháp luật về BHXH;
- Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 5 ngày làm việc liên tục trở lên quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 36 của Bộ luật Lao động. Trường hợp được coi là có lý do chính đáng theo quy định tại Khoản 4 Điều 125 của Bộ luật Lao động.
Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trong đó:
- Tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động bao gồm: Thời gian người lao động đã trực tiếp làm việc; thời gian thử việc; thời gian được người sử dụng lao động cử đi học; thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản theo quy định của pháp luật về BHXH; thời gian nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà được người sử dụng lao động trả lương theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; thời gian nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật mà được người sử dụng lao động trả lương; thời gian ngừng việc không do lỗi của người lao động; thời gian nghỉ hằng tuần theo Điều 111, nghỉ việc hưởng nguyên lương theo Điều 112, Điều 113, Điều 114, Khoản 1 Điều 115; thời gian thực hiện nhiệm vụ của tổ chức đại diện người lao động theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 176 và thời gian bị tạm đình chỉ công việc theo Điều 128 của Bộ luật Lao động.
- Thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: Thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian người lao động thuộc diện không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật nhưng được người sử dụng lao động chi trả cùng với tiền lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm thất nghiệp.
- Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm của người lao động được tính theo năm (đủ 12 tháng); trường hợp có tháng lẻ ít hơn hoặc bằng 6 tháng được tính bằng 1/2 năm, trên 6 tháng được tính bằng 1 năm làm việc.
Xác định thời gian làm việc thực tế
Điểm a, Điểm c3 Khoản 4 Điều 8 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP quy định: Đối với doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước hoặc doanh nghiệp cổ phần hóa từ doanh nghiệp Nhà nước, khi chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động mà người lao động có thời gian làm việc ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc khu vực Nhà nước và chuyển đến làm việc tại doanh nghiệp đó trước ngày 1/1/1995 nhưng chưa nhận trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp một lần khi phục viên hoặc trợ cấp xuất ngũ, chuyển ngành thì người sử dụng lao động có trách nhiệm tính cả thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho mình và thời gian người lao động đã làm việc thực tế ở khu vực Nhà nước trước đó.
Thời gian làm việc thực tế ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc khu vực Nhà nước trước ngày 1/1/1995 gồm: Thời gian làm việc thực tế ở cơ quan Nhà nước; đơn vị sự nghiệp công lập; tổ chức chính trị; tổ chức chính trị - xã hội; đơn vị thuộc lực lượng vũ trang hưởng lương từ ngân sách Nhà nước; thời gian làm việc ở doanh nghiệp Nhà nước.
Người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc đối với cả thời gian người lao động làm việc tại khu vực Nhà nước mà được tuyển dụng lần cuối trước ngày 1/1/1995 vào doanh nghiệp trước khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản.
Trường hợp ông Trần Lê Tín, từ tháng 12/1982 đến tháng 5/1998 ông được tuyển dụng và làm việc tại Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh. Từ tháng 5/1998 đến tháng 12/2003, ông chuyển công tác đến làm việc ở Công ty vàng bạc chi nhánh tỉnh, Ngân hàng Nông nghiệp - đều là những đơn vị thuộc khu vực Nhà nước. Đến tháng 12/2003, ông từ Ngân hàng Nông nghiệp chuyển đến làm việc tại Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh cho đến nay (tháng 1/2022). Do thời điểm chuyển đến Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh sau ngày 1/1/1995, nên khi chấm dứt hợp đồng lao động ông Tín không thuộc trường hợp được tính trả trợ cấp thôi việc bao gồm thời gian đã làm việc thực tế cho Ngân hàng Chính sách xã hội cộng với thời gian đã làm việc thực tế ở khu vực Nhà nước trước đó, nêu tại Điểm a, Điểm c3 Khoản 4 Điều 8 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP.
Khi thôi việc, chấm dứt hợp đồng lao động với Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh (mà ông Tín dự kiến vào tháng 2/2022), ông Tín được trả trợ cấp thôi việc theo thời gian thực tế làm việc cho đơn vị này, trừ đi thời gian ông đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp.
Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 6 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc.
Kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc đối với người lao động được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh hoặc kinh phí hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội
Theo Báo Chính phủ
https://baochinhphu.vn/cong-tac-qua-nhieu-don-vi-tinh-tro-cap-thoi-viec-the-nao-102220118143611835.htm