Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Cơ hội vốn nào cho doanh nghiệp nhập khẩu khi lãi suất tăng?

Thứ bẩy, 04-07-2015 | 16:24:00 PM GMT+7 Bản in
Các ngân hàng rục rịch tăng lãi suất tiền VND trong mấy ngày hôm qua đang tạo sự lo lắng không nhỏ cho các doanh nghiệp (DN), nhất là nhóm DN nhập khẩu về chi phí vốn. Áp lực nêu trên dường như còn nặng nề hơn khi mức tăng trưởng tín dụng năm 2015 sẽ vẫn được kiểm soát ở mức 13 đến 15%, cao nhất có thể là 17% như thông tin từ cuộc họp báo ngày 25-6 của Ngân hàng Nhà nước.

Phòng giao dịch Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng.

Lãi suất huy động tăng

Lãi suất huy động tiền đồng tăng đang tạo áp lực để lãi suất vay tiền đồng. Với ngân hàng, mức tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) trung bình đang nhỏ hơn mức thông lệ ở ngưỡng sinh lời là 3%, các ngân hàng buộc phải cân đối lãi suất vay để cân đối NIM vay của mình để bù đắp chi phí. Với khách hàng vay, việc điều chỉnh lãi suất vay chắc chắn ảnh hưởng đến bài toán chi phí của họ. Hiện, mức lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường ở mức 7 đến 9%/năm đối với ngắn hạn và 9,5 đến 11%/năm đối với trung và dài hạn. Với tình hình này, khách hàng sẽ phải chịu mức tăng dao động từ 0.4 đến 0.5%.

Đến thời điểm này, đã có một số ngân hàng thương mại như đang ngồi trên chảo lửa khi mức tăng trưởng tín dụng đạt xấp xỉ ngưỡng 13%. Số ngân hàng tăng kịch trần hiện chiếm 30% ngân hàng thương mại cổ phần. Sốt ruột là đúng khi phần nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đặt cho mình kế hoạch tăng trưởng tín dụng rất thách thức, lên tới 20 đến 30%. Với trần 13% này, rõ ràng, kế hoạch lợi nhuận của họ sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. Nhóm ngân hàng quốc doanh xem ra vẫn còn ung dung bởi mức tăng chậm hơn và quy mô lớn hơn.

Không thể đi ngược quy định, những chính sách điều chỉnh tín dụng đã được thực thi như: chỉ cho vay những khách hàng tốt, chỉ cho vay những khách hàng mang lại mức NIM tối tiểu, tập trung giải ngân các khách hàng đã được phê duyệt tín dụng, xoay qua khai thác bán chéo các sản phẩm thu phí khác... Thậm chí, có ngân hàng đã phải chậm lại việc tìm khách hàng mới bởi lo ngại không còn room để tăng. Các ngân hàng đang chờ đợi ngày mà NHNN điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng lên mức 15%.

Đối với khách hàng, nhất là cụm khách hàng DN vừa và nhỏ, nhóm DN sản xuất, câu chuyện tiếp cận vốn trong hai đến ba tháng nữa sẽ là một thách thức khi mà chắc chắn sẽ xuất hiện thêm các ngân hàng lọt vào nhóm tăng tín dụng kịch trần. Việc cho vay từ nhóm này sẽ là hạn chế. Ưu thế vốn vẫn sẽ là nhóm ngân hàng quốc doanh. Khách hàng sẽ không còn nhiều cơ hội lựa chọn nhà băng có lãi suất thấp và những ưu đãi hấp dẫn như trước đó nữa.

Cán bộ ngân hàng tiếp cận doanh nghiệp nhập khẩu.

Giải pháp từ LC ngoại bảng?

Trao đổi với đại diện một ngân hàng đang phát triển tín dụng khá nhanh, trong bối cảnh lãi suất đồng VND có thể tăng, thay vì vay tiền VND, các DN nhập khẩu vẫn có thể khai thác được dòng tiền ngoại bảng được tài trợ từ các ngân hàng nước ngoài cho ngân hàng trong nước.

Hiện, có khá nhiều ngân hàng đang cung cấp dịch vụ này với tên gọi UPAS L/C - L/C trả chậm cho phép thanh toán ngay. Theo thông tin từ đại diện VPBank - một trong các ngân hàng đang cung cấp dịch vụ này, với mức phí tối đa 4.5%, DN chỉ mất 50% chi phí vốn so với việc vay bằng tiền đồng và mở L/C thông thường. Thời hạn được tài trợ của UPAS L/C lên tới 359 ngày và như vậy, sự cam kết của các ngân hàng tài trợ nước ngoài uy tín sẽ bảo đảm cho DN nhập khẩu thanh toán đúng hạn cho đối tác.

Ngoài chi phí vốn có lợi vượt trội, DN nhập khẩu cũng sẽ không bị phát sinh dư nợ tín dụng, không ảnh hưởng đến danh mục tín dụng của mình. Cơ hội kinh doanh là không thể chờ đợi. Rõ ràng, UPAS L/C là một giải pháp hữu hiệu trong giai đoạn này đối với doanh nghiệp nhập khẩu.

Thanh Hường (Nhân Dân điện tử)

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)